Thí điểm thành công mô hình sản xuất lúa hữu cơ DT39 tại Vũ Quang

(Baohatinh.vn) - Qua khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ DT39 vụ xuân năm 2022 tại xã Hương Minh (Vũ Quang, Hà Tĩnh) cho thấy, giống lúa có nhiều ưu điểm vượt trội, hoàn toàn có thể nhân rộng trên địa bàn.

Sáng 18/5, UBND huyện Vũ Quang phối hợp với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ giống DT39 vụ xuân năm 2022 tại xã Hương Minh.

Đại diện các sở, ngành và đông đảo bà con trên địa bàn huyện cùng dự.

Mô hình thí điểm trồng lúa hữu cơ giống DT39 trên địa bàn huyện Vũ Quang được triển khai tại hộ ông Nguyễn Đình Lý (thôn Hợp Lợi, xã Hương Minh) có diện tích 1.000 m2. Mô hình được thực hiện theo đúng quy trình sản xuất lúa hữu cơ từ khâu chọn giống cho đến kỹ thuật canh tác.

Đoàn tham quan mô hình sản xuất lúa hữu cơ DT39 của hộ ông Nguyễn Đình Lý

Qua theo dõi cho thấy, thời gian sản xuất giống lúa hữu cơ DT39 ngắn ngày hơn so với các giống đối chứng, do vậy, việc cơ cấu DT39 trong vụ xuân sẽ tránh được rét và trong vụ hè thu sẽ tránh được mưa lũ.

Mô hình được sử dụng hoàn toàn bằng phân bón hữu cơ trong suốt quá trình sinh trưởng nên đảm bảo cân đối các yếu tố dinh dưỡng, vì vậy, ruộng lúa DT39 ít nhánh hơn so với các ruộng lúa bón phân hóa học.

Số hạt chắc/bông của ruộng sản xuất hữu cơ giống DT39 cao hơn so với ruộng đối chứng.

Số hạt chắc/bông của ruộng sản xuất hữu cơ giống DT39 cao hơn so với ruộng đối chứng sản xuất truyền thống và có độ đồng đều hơn, do đó năng suất vượt trội, đạt 62,14 tạ/ha.

Đặc biệt, sản xuất hữu cơ giúp cải tạo được độ phì nhiêu của đất, tái sử dụng các vật liệu tự nhiên, mang tính tuần hoàn, nên trên đồng ruộng luôn tồn tại nhiều thành phần sinh vật sinh sống như các loại: giun đất, cua, ốc, cá, các loài lưỡng cư…

Do đó, hệ sinh thái đồng ruộng được cân bằng, bền vững hơn, quần thể ruộng lúa có sức chống chịu, đề kháng cao hơn; từ đó hạn chế sự phát sinh, gây hại của các đối tượng sâu bệnh hại, nhất là bệnh rầy nâu và đạo ôn.

Năng suất giống lúa DT39 đạt 62,14 tạ/ha.

Ngoài ra, sản xuất hữu cơ giúp bảo vệ sức khỏe cho người dân, bảo vệ an toàn cho người sử dụng.

Theo đó, người sản xuất theo quy trình hữu cơ sẽ không phải tiếp xúc với phân bón hóa học, không tiếp xúc với thuốc BVTV hóa học, nên tạo được môi trường sản xuất an toàn, góp phần bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Trọng Hương - Trưởng Chi nhánh Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm tại Hà Tĩnh: Việc thí điểm thành công mô hình lúa hữu cơ giống DT39 đã mở ra hướng sản xuất mới cho người nông dân Vũ Quang. Địa phương cần nghiên cứu, khảo sát, nhân rộng trên địa bàn để nâng cao giá trị kinh tế cho bà con.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh, qua kết quả thực nghiệm cho thấy, phương thức sản xuất hữu cơ có nhiều ưu điểm vượt trội. Sản phẩm tạo ra là sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sạch, có chất lượng, hương vị tự nhiên; sản phẩm không có dư lượng thuốc BVTV, không dư lượng nitrat, không chất kích thích tăng trưởng, nên bảo vệ sức khỏe và an toàn cho người tiêu dùng.

Qua đó, địa phương kiến nghị UBND tỉnh, Sở KH&CN, Sở NN&PTNT tỉnh và Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm cho phép huyện Vũ Quang tiếp tục nhân rộng mô hình trong vụ hè thu năm 2022, vụ xuân năm 2023 và tiến tới áp dụng phương thức sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn toàn huyện.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói