>> Kỳ thi THPT quốc gia tại Hà Tĩnh: 17.143 thí sinh thi môn Văn
Thí sinh phấn khởi sau giờ làm bài thi môn Văn tại điểm Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh
Từ kỳ thi năm 2015, cách ra đề thi THPT quốc gia đã có sự thay đổi từ việc “đóng” chuyển sang hướng "mở". Cách ra đề mới tiếp tục được phát huy cao thực hiện trong kỳ thi này một cách rõ rệt hơn. Thầy Phan Quốc Thanh - Phó hiệu trưởng trường THPT Hương Khê cho rằng: Đề thi Ngữ văn năm nay rất hay, đúng với tinh thần đối mới căn bản, toàn diện giáo dục, phát triển được các phẩm chất và năng lực người học, tránh được lối học ghi nhớ thuần túy. Cách ra đề mở không chỉ tạo hứng thú cho thí sinh mà còn định hướng thúc đẩy sự đổi mới mạnh mẽ hơn trong cách dạy và học môn Ngữ Văn.
Theo phân tích của một số thầy cô giáo dạy Văn, tính mở của đề thi năm nay thể hiện rõ nét hơn so với đề năm ngoái. Cụ thể là: câu hỏi 4 (từ đoạn trích, anh chị hãy bày tỏ cảm nghĩ của mình về tiếng Việt”, câu 7 (tại sao tác giả cho rằng số phận những cái tuyệt đối cá nhân không bộc lộ ra khỏi bản thân, chẳng có gì đáng thèm muốn) và câu 8 (anh chị suy nghĩ như thế nào về cuộc sống con người khi thoát ra khỏi “cái tuyệt đối cá nhân”. Những câu hỏi này đòi hỏi ngoài những kiến thức nền tảng trong sách vở, mỗi học sinh phải huy động vốn kiến thức đã tích lũy từ cuộc sống để hoàn thành bài. Đây chính là điểm phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo của học sinh.
Thí sinh Nguyễn Thị Quyên (học sinh trường THPT Phúc Trạch) - thi tại điểm Trường THCS Lê Bình (TP Hà Tĩnh) nói: Điểm mới của đề năm nay là các câu hỏi phụ rất thú vị, trong đó em thích nhất là câu hỏi bày tỏ cảm nghĩ của mình về Tiếng Việt. Ở đây em đã bày tỏ được cảm xúc, tình yêu của mình về tiếng Việt, về đất nước.
Thí sinh làm thủ tục vào phòng thi môn Văn ở điểm Trường THPT Phan Đình Phùng
Em Nguyễn Thị Quỳnh Như (học sinh Trường THPT Đức Thọ) thi tại điểm Trường THCS Lê Bình (TP Hà Tĩnh) cho rằng, ngay trong câu hỏi về nghị luận Văn học, thí sinh cũng phải tích lũy được vốn sống, đọc nhiều sách, báo, các trang mạng xã hội thì mới có thể đúc rút được những giá trị nhân sinh, nhân văn cao đẹp để nói được khát vọng sống, tính nhân văn cao đẹp, từ đó hướng tới việc giáo dục mọi người biết trân trọng những giá trị của cuộc sống.
Câu hỏi ở dạng đề mở ở phần thi nghị luận xã hội năm nay với đề tài: Sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất mình, còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình được đánh giá là rất hay, gần gũi và thiết thực với cuộc sống, đặc biệt là với giới trẻ. Thí sinh có thể thoải mái, độc lập tư duy để đưa ra chính kiến của mình về dũng khí, quan điểm về việc làm như thế nào để có thể sống đúng với mình. Để đạt điểm cao trong phần thi này, đòi hỏi thí sinh phải huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ thái độ và chính kiến của mình.
Nhiều thí sinh cho rằng đề Văn hay, gần gũi với cuộc sống
Thí sinh Nguyễn Văn Thống tại điểm thi trường Đại học Hà Tĩnh (Đại Nài - TP Hà Tĩnh cho rằng: Câu hỏi nghị luận xã hội trong đề thi năm nay thú vị, gần gũi chúng em nên khá dễ lấy dẫn chứng, viết rất “sướng” tay. Em tự tin mình sẽ đạt điểm tốt đối với môn Văn.
Tham khảo ý kiến của một số thí sinh khối C sau khi hoàn thành bài thi, em Nguyễn Thị Hồng Gấm (Trường THPT Kỳ Anh) ở điểm thi Trường THPT Phan Đình Phùng cho rằng, “dạng đề mở trong đánh giá năng lực học sinh đang làm cho môn Văn trở nên hấp dẫn, thú vị hơn, kích thích sự sáng tạo và hứng khởi cho người yêu môn học này.”
Khẳng định đề văn năm nay vừa có tính mở, gần gũi và nhân văn, một số giáo viên dạy Văn có kinh nghiệm trên địa bàn bày tỏ rằng, sự chuyển hướng trong ra đề, chấm bài đối với môn thi này đang tạo những tác động tích cực cả với người học và người dạy. Đặc biệt, trong quá trình chấm điểm đối với những dạng đề nghị luận, quan điểm hiện nay là khuyến khích những bài viết có sáng tạo; chấp nhận bài viết không giống đáp án, có những ý ngoài đáp án nhưng có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục. Điều này cho phép những thí sinh giỏi có thể thu hút, lôi cuốn người chấm theo quan điểm, chính kiến của học sinh bằng ngôn ngữ súc tích, cuốn hút; tư duy lập luận thuyết phục và sự sáng tạo, thông minh, chuẩn mực trong quá trình thể hiện bài nghị luận.
Sự đổi mới trong đánh giá năng lực môn Ngữ văn cũng đang tạo sự hứng khởi và động lực mới đối với những người dạy môn Văn khi môn học này ngày càng mang lại nhiều điều thú vị cho học sinh trong quá trình học tập và tích lũy vốn sống.