Thông điệp vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân

Ngoài nỗ lực không ngừng nghỉ trong hàng chục năm được ghi nhận, Giải Nobel Hòa bình còn tăng cường nguồn động lực để Nihon Hydankyo tiếp tục hướng tới mục tiêu vì thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Tổng thư ký tổ chức Nihon Hidankyo, ông Sueichi Kido (giữa) gửi bản kiến nghị với 8,3 triệu chữ ký kêu gọi loại bỏ vũ khí hạt nhân, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, ngày 10/10/2018. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Tổng thư ký tổ chức Nihon Hidankyo, ông Sueichi Kido (giữa) gửi bản kiến nghị với 8,3 triệu chữ ký kêu gọi loại bỏ vũ khí hạt nhân, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, ngày 10/10/2018. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Việc Liên đoàn các tổ chức nạn nhân bom nguyên tử Nhật Bản (Nihon Hidankyo), tổ chức toàn quốc của những người sống sót sau vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Nhật Bản tháng 8/1945, giành giải Nobel Hòa bình đã được người dân Nhật Bản đón nhận với niềm vui và xúc động.

Cùng với những giọt nước mắt vui mừng khi những nỗ lực không ngừng nghỉ trong hàng chục năm đã được ghi nhận, giải Nobel Hòa bình còn tăng cường nguồn động lực để Nihon Hydankyo tiếp tục hướng tới mục tiêu vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

68 năm nỗ lực bền bỉ

Nihon Hidankyo, được những người sống sót sau vụ tấn công bằng bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki (Hibakusha) thành lập vào năm 1956, tức là 11 năm sau thảm kịch đau thương này. Trong 68 năm hoạt động, Nihon Hidankyo nỗ lực kêu gọi thế giới xóa bỏ vũ khí hạt nhân và vận động đất nước hỗ trợ các Hibakusha.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Nihon Hidankyo đã ba lần cử các phái đoàn đến những cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc về giải trừ quân bị, tại đó những nạn nhân sống sót sau vụ ném bom nguyên tử đã kêu gọi "Không còn Hibakusha nữa" dựa trên kinh nghiệm đau thương của chính họ và thúc giục xóa bỏ vũ khí hạt nhân.

Cùng với đó, tổ chức này duy trì hoạt động đều đặn, tổ chức các cuộc triển lãm ảnh về bom nguyên tử tại Liên hợp quốc và trên toàn thế giới.

Tại hội nghị đàm phán về Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân, trong đó cấm việc phát triển và sở hữu vũ khí hạt nhân, tổ chức này đã đóng vai trò trung tâm trong việc thu thập khoảng 3 triệu chữ ký và ủng hộ việc thông qua hiệp ước. Sau đó, tổ chức này tiếp tục chiến dịch "Chữ ký Hibakusha quốc tế," kêu gọi tất cả các quốc gia tham gia hiệp ước và đã nộp khoảng 13,7 triệu chữ ký cho Liên hợp quốc.

Nihon Hidankyo đã đệ trình hàng nghìn lời chứng, ban hành các nghị quyết và lời kêu gọi công khai, cử các phái đoàn hằng năm tới Liên hợp quốc và nhiều hội nghị hòa bình khác nhau để truyền tải đến thế giới về tính cấp thiết của việc giải trừ vũ khí hạt nhân.

Trong những năm gần đây, do tác động của COVID-19 và những người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử cũng già đi, các sự kiện chia sẻ kinh nghiệm về vụ việc đã phải hủy bỏ hoặc thu hẹp quy mô, nhưng tổ chức này vẫn thực hiện những nỗ lực chia sẻ trực tuyến lời chứng của những nạn nhân sống sót.

Với nền văn hóa tưởng nhớ mạnh mẽ và những nỗ lực liên tục, các thế hệ mới ở Nhật Bản đang tiếp nối trải nghiệm và thông điệp của những người Hibakusha. Nihon Hidankyo đã và đang truyền cảm hứng và giáo dục mọi người trên khắp thế giới về sự cần thiết của việc cấm hoàn toàn vũ khí hạt nhân.

Nước mắt xúc động của những người còn sống

Chủ tịch Nihon Hidankyo, ông Tomoyuki Minomaki, đã bật khóc sau khi giải thưởng được công bố, nói rằng: "Tôi chưa bao giờ mơ điều này có thể xảy ra." Ông Tomoyuki Minomaki đã theo dõi lễ công bố Giải Nobel Hòa bình tại Tòa thị chính Hiroshima qua chương trình phát sóng trực tuyến.

Khi được hỏi về các hoạt động trong tương lai, ông nhấn mạnh: "Tôi muốn tiếp tục kêu gọi mọi người trên khắp thế giới bãi bỏ vũ khí hạt nhân và hiện thực hóa hòa bình vĩnh viễn."

Ông đề cập đến mối đe dọa hạt nhân đang gia tăng và kêu gọi: "Liên hợp quốc nên đi đầu trong việc kêu gọi một thế giới không có vũ khí hạt nhân." Ông hy vọng “mọi người trên khắp thế giới sẽ chú ý và các chính trị gia Nhật Bản sẽ đi đến kết luận rằng vũ khí hạt nhân nên bị loại bỏ."

Trợ lý Tổng thư ký tổ chức Nihon Hidankyo, ông Toshiki Fujimori phát biểu tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, ngày 27/3/2017. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Trợ lý Tổng thư ký tổ chức Nihon Hidankyo, ông Toshiki Fujimori phát biểu tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, ngày 27/3/2017. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Tổng thư ký Nihon Hidankyo, ông Sueichi Kido (84 tuổi), đã rơi nước mắt khi trả lời hàng loạt cuộc gọi điện thoại chúc mừng và nêu rõ: "Điều tôi muốn kêu gọi toàn thế giới một cách mạnh mẽ là điều cần thiết để loại bỏ xung đột là đối thoại, không phải vũ lực. Và tôi cảm thấy mạnh mẽ rằng thế giới đang tiến theo hướng đó."

Ông chia sẻ: "Tôi nghĩ đây là phản ứng đối với những nỗ lực lâu dài của những người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử nhằm đạt được việc thông qua và có hiệu lực của Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân." Tổng thư ký Hidankyo Sueichi Kido nói: "Điều cần thiết là đối thoại, không phải vũ lực." Ông Kido là một Hibakusha khi mới 5 tuổi. Ông ở cách tâm điểm vụ nổ khoảng 2 km và bị bỏng nặng ở mặt.

Ông Jiro Hamazumi, Phó tổng thư ký Nihon Hidankyo, bày tỏ sự vui mừng, lưu ý Ủy ban Nobel đã nhận ra mong muốn của những người tiền nhiệm của Nihon Hydankyo là cứu nhân loại và không bao giờ để một người nào trở thành nạn nhân bom nguyên tử nữa.

Theo ông: “Giờ đây, gần 80 năm sau vụ đánh bom, vẫn còn những quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, vì vậy tôi cảm thấy rằng thông điệp của chúng tôi chưa được truyền tải." Ông hy vọng Giải Nobel Hòa bình này không chỉ dừng lại ở việc nhận giải, mà còn dẫn đến việc xóa bỏ vũ khí hạt nhân.

Ông Tanaka Hiromi, đại diện của Nihon Hidankyo, tâm sự, "Tôi rất vui khi nghe tin Hidankyo nhận được Giải Nobel Hòa bình, đến nỗi tôi đã khóc. Khi những người sống sót già đi, chúng tôi đã kêu gọi thế giới không tạo ra thêm những Hibakusha nữa, vì năm tới sẽ đánh dấu 80 năm kể từ khi chiến tranh kết thúc. Tôi nghĩ rằng ủy ban tuyển chọn Giải thưởng Nobel đã gửi một lời cảnh báo đến thế giới. Tôi hy vọng rằng điều này sẽ khơi dậy các cuộc thảo luận trên toàn thế giới và lan rộng phong trào xóa bỏ vũ khí hạt nhân."

Chủ tịch Nhóm Nạn nhân bom nguyên tử, Koichi Kawano, một người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử ở Nagasaki, bộc bạch: "Cảm giác như chúng tôi đang được bảo rằng chúng tôi phải đạt được mục tiêu xóa bỏ vũ khí hạt nhân khi chúng tôi vẫn còn sống."

Hội trưởng Hidankyo của tỉnh Kumamoto, Aoki Sakae, người vẫn đang nỗ lực truyền đạt những trải nghiệm về vụ ném bom, cho biết: "Tôi nghĩ đó là sự công nhận về mong muốn xóa bỏ vũ khí hạt nhân mà những Hibakusha còn sống đã truyền đạt và những thành tựu của họ trong việc tiếp tục kêu gọi điều đó. Tôi hy vọng rằng đây sẽ là cơ hội để thúc đẩy thảo luận về việc xóa bỏ vũ khí hạt nhân cả trong nước và quốc tế, và rằng Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ tiến hành các nỗ lực hướng tới việc phê chuẩn Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân."

Tăng cường động lực thực hiện một thế giới không có vũ khí hạt nhân

Thủ tướng Shigeru Ishiba đã ca ngợi việc trao giải thưởng cho Nihon Hidankyo là vô cùng có ý nghĩa.

Cựu Thủ tướng Fumio Kishida của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, người đã mời các nhà lãnh đạo Mỹ và các quốc gia khác đến thăm Bảo tàng Bom nguyên tử tại Hội nghị thượng đỉnh G7 Hiroshima năm ngoái, đã đăng một bình luận trên tài khoản Twitter rằng: "Sứ mệnh của đất nước chúng ta, quốc gia duy nhất bị ném bom trong chiến tranh, là tiếp tục nỗ lực hướng tới mục tiêu hiện thực hóa một 'thế giới không có vũ khí hạt nhân'. Giải Nobel Hòa bình là sự ghi nhận cho nhiều năm nỗ lực của chúng ta nhằm truyền tải cảm xúc của những người Hibakusha và hiện thực về vụ ném bom, đồng thời hiện thực hóa một thế giới không có vũ khí hạt nhân và hòa bình lâu dài."

Giáo sư danh dự tại Đại học Meiji Gakuin, ông Takahara Takao, người đã tham gia nghiên cứu giải trừ vũ khí hạt nhân trong nhiều năm và chuyên về chính trị quốc tế và nghiên cứu hòa bình, nhận định: "Giải thưởng này rất có ý nghĩa. Tôi nghĩ rằng lập trường của Hidankyo, vốn tiếp tục bác bỏ rõ ràng lý thuyết răn đe hạt nhân, đã được công nhận là đúng đắn."

Tổ chức phi chính phủ quốc tế ICAN (Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân) đã đăng trên mạng xã hội: "Xin chúc mừng. Những nạn nhân vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki đã nâng cao nhận thức của công chúng về tác động tàn khốc của vũ khí hạt nhân và đã làm việc không biết mệt mỏi để xóa bỏ chúng."

Người dân tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima, Nhật Bản, ngày 6/8/2024. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Người dân tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima, Nhật Bản, ngày 6/8/2024. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Thị trưởng Hiroshima Matsui tuyên bố: "Tôi nghĩ Nihon Hidankyo đang được ghi nhận vì chiến dịch ký kết quốc tế nhằm thiết lập Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân, đã thu thập được hơn 13,7 triệu chữ ký và trở thành động lực thúc đẩy hiệp ước có hiệu lực. Xem xét tình hình thế giới hiện tại, tôi nghĩ rằng việc nâng cao nhận thức về những nỗ lực này và đóng vai trò như một lời cảnh báo để thay đổi tình hình hiện tại và ngăn chặn xu hướng này là điều có ý nghĩa."

Ông nhấn mạnh: "Tôi tin rằng Giải Nobel Hòa bình cuối cùng đã công nhận lời kêu gọi của chúng tôi nhằm vượt qua sự thù hận và đau buồn và giải quyết vấn đề này như một vấn đề chung của toàn thể nhân loại, hy vọng rằng thiệt hại mà chúng tôi phải chịu sẽ không bao giờ xảy ra với các thế hệ tương lai. Nhiều người đã tiếp tục kêu gọi và đã qua đời, nhưng tôi tin rằng mong muốn của họ cuối cùng đã đến được với thế giới."

Thị trưởng Hiroshima, ông Kazumi Matsui lên án vũ khí hạt nhân là "tội ác tuyệt đối." Theo ông, những người sống sót sau thảm họa đang già đi nhanh chóng và ngày càng ít người có thể làm chứng cho sự vô nghĩa của việc sở hữu bom nguyên tử.

Ông cho rằng: "Những thế hệ tương lai phải biết rằng những gì đã xảy ra không chỉ là thảm kịch đối với Hiroshima và Nagasaki, mà còn là thảm kịch liên quan đến toàn thể nhân loại và không được phép lặp lại."

Thị trưởng Nagasaki Suzuki Shiro bình luận: "Tôi hy vọng rằng đây sẽ là cơ hội để thế giới thay đổi hướng đi hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân trong bối cảnh tình hình quốc tế vô cùng hỗn loạn."

Một người đàn ông 83 tuổi tại Hiroshima, có cha là Hibakusha, cho biết, "Tôi nghĩ giải thưởng này thật tuyệt vời và tôi thực sự vui mừng. Tôi hy vọng rằng Chính phủ Nhật Bản, với tư cách là một quốc gia bị ném bom, sẽ vận động chống lại vũ khí hạt nhân."

Những con người đã bị tổn thương vì vũ khí hạt nhân đang làm tất cả những gì có thể với mong muốn rằng trên thế giới không còn ai phải chịu những nỗi đau mà họ đang gánh chịu.

Giải Nobel Hòa bình chính là sự ghi nhận lớn nhất dành cho những nỗ lực bền bỉ vì một mục đích chính nghĩa, đồng thời cũng là lời kêu gọi vang vọng nhất về một thế giới không còn vũ khí hạt nhân./.

vietnamplus.vn

Đọc thêm

Người vô gia cư ở Mỹ tăng kỷ lục

Người vô gia cư ở Mỹ tăng kỷ lục

Số người vô gia cư ở Mỹ tăng 18% trong năm 2024, mức cao chưa từng thấy, khi giá thuê nhà tăng, lạm phát cao và dòng người nhập cư đổ vào nước này.
Hàn Quốc: Phó Thủ tướng Choi Sang Mok đảm nhiệm vai trò quyền Tổng thống

Hàn Quốc: Phó Thủ tướng Choi Sang Mok đảm nhiệm vai trò quyền Tổng thống

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, chiều 27/12, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Choi Sang Mok đã chính thức đảm nhiệm vai trò quyền Tổng thống Hàn Quốc sau khi Quốc hội do đảng Dân chủ (DP) đối lập chiếm đa số đơn phương thông qua nghị quyết luận tội quyền Tổng thống Han Duck Soo. Ông Han tuyên bố chấp hành nghị quyết của Quốc hội và chờ phán quyết của Tòa án Hiến pháp.