Thủ tướng không mua xe mới: Thẳng thắn, nói thật, làm thật!

Ngày 1/8, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những phát biểu thẳng thắn về những ưu, nhược điểm và kể cả những “thói hư, tật xấu” của Chính phủ mà lâu nay chưa được khắc phục.

Hình ảnh, vai trò của người đứng đầu của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào cũng vô cùng quan trọng. “Thủ trưởng nào phong trào đấy”, câu ví von rất đời thường ấy luôn đúng khi nói về ảnh hưởng của người đứng đầu đối với một hệ thống, tổ chức, cơ quan.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. Ảnh: Quang Hiếu

Câu chuyện về nợ công, mua sắm công luôn nóng trong nhiều năm qua. Tại các diễn đàn Quốc hội, kinh tế, các phiên họp Chính phủ... luôn được nhắc tới, nhưng các mối nguy rình rập sự an toàn của ngân sách thì không hề suy giảm, thậm chí đang gia tăng. Đặc biệt, một thực trạng luôn gây nhức nhối là việc mua sắm xe công vượt quá tiêu chuẩn qui định, quá khả năng ngân sách đã trở thành “căn bệnh” khó chữa và chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Theo số liệu từ Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính), mỗi năm cả nước mua sắm khoảng 1500 xe công, hiện tổng số xe ô tô của các cơ quan hành chính sự nghiệp công lập, tổ chức (chưa bao gồm xe của lực lượng vũ trang nhân dân, doanh nghiệp Nhà nước) là 37.960 chiếc. Cả nước hiện dôi dư khoảng 7.000 xe công nhưng chưa có hướng xử lý, do tới nay cơ quan này chưa nhận được văn bản báo cáo kết quả rà soát và đăng ký mua sắm tài sản công, trong đó có xe ô tô từ phía các bộ, ngành địa phương.

Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách năm 2016 đã được Quốc hội phê duyệt, mức bội chi ngân sách năm 2016 là 254.000 tỷ đồng, tương đương 4,95% GDP. Vì thế, trong các chỉ đạo, Thủ tướng luôn đặt yêu cầu với các bộ, ngành địa phương phải chủ động điều hành, giữ mức bội chi trong phạm vi Quốc hội quyết định.

Với Thủ tướng, ngay trong ngày tái cử, đã yêu cầu không nhận hoa chúc mừng. Mỗi lẵng hoa, so với ngân sách các đơn vị được cấp thì chẳng thấm tháp gì, nhưng cả trăm, cả nghìn lẵng hoa thì số tiền sẽ lớn tới mức nào, hình thức, lãng phí lớn.

Số hoa ấy có thể được mua bằng tiền cá nhân và có thể bằng ngân sách. Nhưng dù bằng nguồn tiền nào thì những thứ phô trương, hình thức ấy lâu nay vẫn bị dư luận phê phán là lãng phí.

Một việc khác, Thủ tướng cũng từ chối việc mua xe công vụ mới trong lúc “nạn” mua sắm xe công chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Chuyện Thủ tướng từ chối mua xe mới là một việc rất đáng nêu gương. Bởi từ trước tới nay, dường như thành thông lệ, cứ mỗi vị được thăng chức thì lại có chuyện sửa sang trụ sở, mua xe mới... Kèm theo đó, thường là những khoản “hoa hồng”, phần trăm... mà ai cũng biết mà chẳng dám nói ra.

Người đứng đầu chỉ cần hy sinh phần lợi ích cá nhân sẽ đem lại hiệu quả vô cùng lớn đối với cả hệ thống.

Tuy vậy, lời nói, hành động của Thủ tướng cũng chưa đủ để đẩy lùi tình trạng lãng phí tài sản công mà cần sự đồng thuận, quyết tâm của các thành viên chính phủ, các vị trưởng ngành, người đứng đầu các địa phương.

Hay nhớ rằng nhân dân không kính trọng một vị lãnh đạo đi xe sang, xài hàng hiệu... Dân chỉ kính trọng những ông quan “xắn quần” lội vào việc, làm những gì có lợi cho nước cho dân và dám chịu trách nhiệm về việc làm, hành động của mình.

Một quyết tâm nữa được Thủ tướng đề cập là việc “truy tới cùng, làm tới cùng”. Bởi theo Thủ tướng, lâu nay “ta đã bắn chỉ thiên quá nhiều, không trúng vào ai cả, bây giờ phải bắn có địa chỉ, không thể nói xong là xong việc. Ngay ngày hôm nay phải thành lập tổ công tác theo dõi kết luận của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng thực hiện đến đâu” – Thủ tướng chỉ đạo.

Nhiệm kỳ mới của Chính phủ mới khởi đầu là hàng loạt khó khăn phải giải quyết. Người đứng đầu Chính phủ đã thể hiện rõ sự gương mẫu và thái độ quyết tâm hành động. Đó là một tín hiệu tốt thúc đẩy cả bộ máy hành chính phải chuyển động theo. Chính phủ mới phải là Chính phụ thực sự kiến tạo phát triển, vì nước vì dân phục vụ./.

Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói