Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Không tái cơ cấu sẽ tụt hậu"

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này và yêu cầu tìm cách tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu.

Phát biểu khai mạc phiên họp lần thứ nhất Ban chỉ đạo Quốc gia cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, giai đoạn 2016-2020 diễn ra sáng 2/8 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cuộc họp này nhằm đánh giá tình hình thực hiện các Nghị quyết của BCH Trung ương, của Quốc hội và Chính phủ trong việc tái cơ cấu những ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế và đặc biệt là đổi mới mô hình tăng trưởng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Không tái cơ cấu sẽ tụt hậu”

Thủ tướng phát biểu tại phiên họp

Do đó, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo nêu lên những tồn tại, hạn chế, những giải pháp mới trong việc tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó đánh giá việc thực hiện 120 nhiệm vụ được nêu tại Nghị quyết 27 của Chính phủ.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo nhấn mạnh đến một số yếu tố mang tính động lực mới cho tăng trưởng, đó là đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy phát triển giáo dục và đào tạo. Và điều quan trọng là các định hướng này phải được cụ thể hóa để đi vào cuộc sống. Ví dụ cụ thể là trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều địa phương đã rất thành công trong ứng dụng khoa học công nghệ, tạo đột phá trong phát triển, giúp sản phẩm vươn ra thị trường thế giới mạnh mẽ, trong đó có sản phẩm tôm của Đồng bằng sông Cửu Long.

Với việc trong nước đang có nhiều dự án trọng tâm, trọng điểm được triển khai, một số thành viên đề nghị hỗ trợ thuận lợi nhất cho các dự án này để sớm đưa vào hoạt động, tạo sự lan tỏa trong phát triển và làm động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đề nghị cần tập trung điều hành theo hướng duy trì những kết quả tái cơ cấu và tăng trưởng đạt được, làm tiền đề tăng trưởng cao hơn.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, cần tìm kiếm thêm một số động lực mới ngay trong nội tại nền kinh tế. Ví dụ 3 đầu tàu kinh tế là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, nếu cùng tăng trưởng thêm 1% thì nền kinh tế đã tăng trưởng thêm 0,5%. Có thể tiền chưa có, nhưng có thể điều hành về thể chế và tháo gỡ vướng mắc cho ba đầu tàu này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Không tái cơ cấu sẽ tụt hậu”

Nhấn mạnh nếu không tái cơ cấu sẽ tụt hậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không chủ quan

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, với sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành địa phương, tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng đã đạt những kết quả tích cực.

Dù trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, chúng ta vừa giải quyết các tồn tại với khối lượng công việc lớn, vừa phát triển. Hầu hết nhiệm vụ của tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng đạt nhiều kết quả, đi vào cuộc sống, giúp kinh tế vĩ mô củng cố và duy trì ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao.

Cùng với đó, chất lượng tăng trưởng dần đi vào chiều sâu và được nâng lên. Đặc biệt mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) cho tăng trưởng kinh tế dần tăng lên, năm 2016 đạt 40,68%, năm 2017 đạt 45,19%, trong khi giai đoạn 2011-2015 chúng ta chỉ đạt trên 33%. Quy mô nợ công trong giới hạn cho phép. Cơ cấu lại các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế như đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tín dụng đều có chuyển biến tích cực…

Tuy vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, vẫn có những ngành, địa phương chậm ban hành chương trình hành động Nghị quyết 27 của Chính phủ. Một số nhiệm vụ được giao còn chậm, thậm chí xin lùi thời hạn. Mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới; năng suất lao động tăng vẫn phụ thuộc vào vốn đầu tư thay vì đổi mới công nghệ và quản lý…

Nêu lên nhiều nguyên nhân, Thủ tướng nhấn mạnh đến những tồn tại về cơ chế, chính sách, pháp luật hiện nay kìm hãm thực hiện các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó vấn đề thể chế thị trường về yếu tố sản xuất chậm phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh, nguyên lý của tái cơ cấu nền kinh tế là phải phát huy vai trò của cả Nhà nước và cả thị trường. Thị trường phải có sức mạnh tự thân có thể tái cơ cấu nền kinh tế một cách tự nhiên. Do đó, nhiệm vụ đặt ra là phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo sự lành mạnh và đồng bộ, liên thông giữa các loại thị trường.

Về nhiệm vụ tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tán thành với nhiều thành viên Ban Chỉ đạo nêu ra, trong đó cần duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn, kéo dài hơn; tìm động lực mới cho tăng trưởng; đặc biệt liên hệ đến tình hình mới, nhân tố mới của sự phát triển đất nước.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Động lực để thực hiện tái cơ cấu từ kinh nghiệm, thực tiễn đất nước, đó là vai trò của thể chế, chính sách và pháp luật. Các địa phương phải có nghị quyết HĐND tốt để thực hiện. Trung ương càng phải vận dụng thể chế pháp luật mà Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua. Thứ hai là vai trò động lực của kinh tế tư nhân. Vai trò động lực của hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là các hiệp định thương mại tự do chúng ta đã ký thời gian qua. Không có thị trường mới trong tình trạng sản xuất của Việt Nam dư thừa thế này thì không thể phát triển được".

Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò động lực của khoa học công nghệ mà nền tảng là giáo dục đào tạo, đặc biệt là chiến lược 4.0. “Thoát ly khỏi cái này là các đồng chí tự trói mình, không thể nào phát triển kịp”, Thủ tướng nêu rõ.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung cho các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển; đẩy mạnh chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

"Các bộ, ngành, địa phương cần đổi mới cách nghĩ, cách làm; phải xác định đây là trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong công tác điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành địa phương. Từ đó cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện thực chất, hiệu quả hơn, để tạo bước đột phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Đây cũng là yếu tố quyết định nền kinh tế nước ta bước vào quỹ đạo phát triển bền vững, tránh tụt hậu. Nếu không tái cơ cấu sẽ tiếp tục tụt hậu, tôi xin nói với các địa phương, các ngành như thế. Cho nên tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu", Thủ tướng đề nghị.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung vào hai nội dung chính, là đổi mới toàn diện phương thức quản lý Nhà nước về kinh tế, cải cách; để tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng Chính phủ Kỷ cương-Liêm chính-Hành động-Sáng tạo-Hiệu quả.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không được chủ quan với kết quả đạt được.

"Ngay Bộ Công thương là bộ tái cơ cấu mạnh mẽ nhất trong hệ thống các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, nhưng cũng chưa thấy nhân tố mới tốt hơn để có một động lực tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở các cấp, các ngành, nhất là chính sách, bộ máy để hỗ trợ cho tái cơ cấu. Làm sao có năng lực sản xuất mới tạo động lực phát triển. Chúng ta phải liên tục tăng trưởng cao trong thời gian đến để tăng quy mô nền kinh tế, giải quyết việc làm và tích lũy cần thiết phát triển đất nước. Không chỉ những năm tới mà nhiệm kỳ tới phải tiếp tục tính toán để thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Đây là yêu cầu rất lớn của Ban Chỉ đạo và Thủ tướng", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo tích cực hơn, đôn đốc phối hợp với các bộ, ngành, thúc đẩy tháo gỡ khó khăn để tái cơ cấu đi vào cuộc sống mạnh mẽ hơn. Thủ tướng giao Bộ Công thương cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tư nhân lớn đầu tư dài hạn, tạo dựng sản phẩm, thương hiệu mạnh, cạnh tranh trong nước và quốc tế…/.

Theo VOV.VN

Đọc thêm

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm cấp quốc gia 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương dự và đọc Diễn văn kỷ niệm.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) diễn ra lễ kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm.
Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Sáng 19/12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 và trao giải Búa Liềm vàng cấp tỉnh lần thứ XII – năm 2024.