Thủ tướng: Tiếp tục nghiên cứu sản xuất vaccine phòng Covid-19 nội

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tăng cường đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng Covid-19 trong nước.

Phát biểu tại phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra sáng 6/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dù ở thời điểm hiện tại, cả nước đã kiểm soát được dịch bệnh nhưng vẫn đang phải tiếp tục khắc phục hậu quả do dịch bệnh còn tác động tới sức khỏe, tâm lý, đời sống người dân, nền kinh tế…

Thủ tướng: Tiếp tục nghiên cứu sản xuất vaccine phòng Covid-19 nội

Thủ tướng nêu rõ mục tiêu dứt khoát không để dịch Covid-19 bùng phát trở lại (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Dịch bệnh vẫn có nguy cơ diễn biến phức tạp

Theo Thủ tướng, dịch bệnh vẫn có nguy cơ diễn biến phức tạp, khó dự báo, trong khi khả năng miễn dịch suy giảm theo thời gian; mặt khác, khi dịch bệnh vừa được kiểm soát thì tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác lại xuất hiện.

Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh, dứt khoát không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trước dịch bệnh, không say sưa, ngủ quên với những kết quả đã đạt được.

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ mục tiêu dứt khoát không để dịch bệnh bùng phát trở lại. Cơ quan, địa phương nào để dịch bệnh bùng phát trở lại phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, trước nhân dân.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu trong tháng 8, các địa phương phải hoàn thành việc tiêm mũi 3, 4 cho các đối tượng chỉ định và mũi thứ 2 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi; bảo đảm đủ vaccine, trang thiết bị, sinh phẩm, vật tư y tế cho phòng, chống dịch bệnh.

Đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung, yêu cầu tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của Covid-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch.

Thủ tướng yêu cầu làm tốt hơn nữa, đồng bộ, quyết liệt, bài bản, hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người dân và các cấp, các ngành trong phòng, chống dịch.

Cùng với đó, các địa phương, các cơ quan liên quan phải đẩy mạnh, thần tốc hơn nữa việc tiêm vaccine, bởi vaccine vẫn là vũ khí quan trọng nhất, quyết định nhất trong phòng, chống dịch.

Thủ tướng: Tiếp tục nghiên cứu sản xuất vaccine phòng Covid-19 nội

Quang cảnh phiên họp sáng 6/8 (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn việc nghiên cứu, sản xuất vaccine

Đối với Bộ Y tế, Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm đủ, phù hợp, kịp thời vaccine phòng Covid-19, không để tình trạng thiếu vaccine; tăng cường đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn và thúc đẩy việc tổ chức tiêm vaccine tại các địa phương; tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.

Thủ tướng nêu rõ, phải phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiêm chủng; biểu dương, khen thưởng những người làm tốt, phê bình những người làm chưa tốt, xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm.

Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần đặc biệt chú ý việc thúc đẩy tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, do số học sinh đông, không gian học tập tại trường hạn chế hơn các địa phương khác, nếu các cháu mắc bệnh thì cha mẹ cũng phải nghỉ làm để chăm sóc.

Riêng Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch chịu trách nhiệm chỉ đạo tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 đạt chỉ tiêu đề ra; bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch và phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân.

Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan liên quan tích cực, chủ động hơn nữa để khẩn trương triển khai, xử lý các vấn đề cấp bách, bức xúc, với các vấn đề vượt thẩm quyền thì kịp thời đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đối với Bộ Tài chính cần phản ứng chính sách nhanh, bảo đảm kinh phí cho công tác phòng, chống dịch; Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần kịp thời hướng dẫn thủ tục đấu thầu liên quan tới mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Thủ tướng cũng nêu rõ, phòng, chống dịch đi đôi với rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định để bảo đảm công khai, minh bạch, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong phòng, chống dịch; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng, xuyên tạc, thông tin sai sự thật để chống phá Đảng, Nhà nước…

Ca mắc có xu hướng tiếp tục tăng, có thể gây quá tải hệ thống y tế

Trước đó, báo cáo tại phiên họp, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, ở trong nước, số ca mắc đang gia tăng trở lại và có xu hướng tiếp tục tăng, có thể gây quá tải hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra “dịch chồng dịch” do một số bệnh dịch lưu hành khác (cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng...) đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...).

Theo bà Lan, hiện trên thế giới dịch vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện của biến chủng Omicron và các biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1. Số ca nhập viện và số ca tử vong đã gia tăng trở lại; trong tháng 7 đã ghi nhận trên 30 triệu ca mắc mới (tăng gấp 1,7 lần so với cùng tháng trước đó).

Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế thế giới hiện vẫn cảnh báo dịch Covid-19 là đại dịch toàn cầu và khuyến cáo duy trì các biện pháp ứng phó, nhất là tiêm chủng vaccine.

Tính đến ngày 4/8, Việt Nam đã triển khai tiêm được hơn 247 triệu liều vaccine phòng Covid-19, vẫn là quốc gia có số liều vaccine sử dụng và tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên thế giới (tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%); tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trên tổng dân số là 52%, cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới; tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia phát triển...

Dù tiến độ tiêm chủng có xu hướng tăng trở lại trong thời gian gần đây nhưng các ý kiến tại phiên họp cũng đánh giá việc tiêm chủng vaccine vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra; tốc độ tiêm vaccine ở một số địa phương không đạt tiến độ, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Theo Dân trí

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Tiếp tục chuyển trọng tâm sang dân số và phát triển

Tiếp tục chuyển trọng tâm sang dân số và phát triển

Năm 2025, ngành dân số Hà Tĩnh quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, đẩy mạnh các đề án, mô hình nâng cao chất lượng dân số… góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Một số trang thông tin nước ngoài đưa tin về đợt bùng phát dịch bệnh xảy ra tại Trung Quốc với nhiều ca mắc bệnh do virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) và lo ngại về một cuộc khủng hoảng y tế khác sau COVID-19.
Động lực thúc đẩy công tác dân số ở Hà Tĩnh

Động lực thúc đẩy công tác dân số ở Hà Tĩnh

Với nhiều chính sách hỗ trợ đội ngũ cán bộ, cộng tác viên, Nghị quyết 221/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh thực sự là động lực thúc đẩy công tác dân số trên địa bàn Hà Tĩnh phát huy hiệu quả.
Tôn vinh di sản "Y thánh của Việt Nam”

Tôn vinh di sản "Y thánh của Việt Nam”

Thông qua triển lãm "Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác" tại Hà Tĩnh, người dân sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp và những giá trị di sản của Hải Thượng Lãn Ông, từ đó tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị mà Đại danh y để lại.
 Vinamilk - 30 năm đồng hành hỗ trợ bệnh nhân nghèo

Vinamilk - 30 năm đồng hành hỗ trợ bệnh nhân nghèo

Hơn 1.300 trường hợp bệnh nhân nghèo đã được hỗ trợ phẫu thuật tim và mắt từ chương trình của Vinamilk đồng hành cùng Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP. Hồ Chí Minh với tổng kinh phí hơn 8,2 tỷ đồng.