Là trung tâm buôn bán lớn nhất tỉnh, chợ TP Hà Tĩnh được xem là một trong những nơi tập trung nhiều hộ kinh doanh thức ăn sẵn với đa dạng các chủng loại, phục vụ nhu cầu của “thượng đế”. Theo ghi nhận của chúng tôi, các quầy hàng ăn sẵn đều được quy hoạch theo từng góc riêng, tùy theo các mặt hàng, nhưng nhìn chung, đều tiềm ẩn nguy cơ mất ATVSTP.
11h trưa, các chủ quán đã chuẩn bị tươm tất thực phẩm để sẵn sàng phục vụ khách hàng. Bún, phở, bánh mướt, giò, chả rồi chè, bánh các loại… kèm những lời mời chào hấp dẫn, làm cho thực khách khó lòng cưỡng lại. Dừng chân tại một quán bánh mướt, ram, giò đối diện hàng rau, củ ở chợ. Gọi là quán, nhưng thực chất chỉ có vài chiếc ghế dài cũ kỹ cùng chiếc bàn loại thấp ghép thành chỗ ngồi, phía trong là nơi tráng bánh. Cùng với mùi dầu mỡ bốc lên từ chiếc chảo rán là mùi khó chịu của các loại rau, củ thối được vứt trên lối đi. Dãy hàng ăn này đều nằm lọt thỏm giữa hàng rau, củ. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, vào giờ cao điểm, hầu hết, các hàng quán này vẫn luôn đông khách bởi giá “mềm” hơn so với hàng quán phía ngoài.
Quầy bán thức ăn "di động" trước cổng Trường THCS Nam Hà (TP Hà Tĩnh) thu hút nhiều học sinh |
Chị Mai Liên - một thực khách cho biết: “Tôi là lao động tự do ở xã Hộ Độ (Lộc Hà) lên đây tìm việc làm, vì thế, buổi trưa thường ở lại. Đây cũng là quán quen tôi hay đến bởi sự tiện lợi và giá cả phải chăng. Mùa này cơm đùm, cơm nắm cũng bất tiện vì phải đi từ sáng sớm, đến trưa, đưa cơm nắm ra thì đã nguội ngắt”.
Không khá hơn hàng bún, bánh mướt, vị trí của hàng chè, các loại bánh bèo, bánh ngào, nước giải khát cũng được bố trí cách khu nhà vệ sinh của chợ chỉ một bức tường. Thế nhưng, các quầy hàng vẫn nườm nượp khách và các “thượng đế” vẫn vô tư thưởng thức hương vị những món ăn vặt mà mình ưa thích.
Thực tế, lâu nay, sử dụng thức ăn bán sẵn đã trở thành thói quen của nhiều người dân. Thực phẩm nấu sẵn vừa tiện lợi, vừa đa dạng, nhất là ở các đô thị. Cùng với số lượng lớn hàng quán ăn sẵn tại các chợ, hệ thống nhà hàng, quán ăn bình dân mọc lên trên hầu hết các tuyến đường nội thị, thì các quầy hàng di động bán bánh mỳ, gà quay, thịt quay, chả viên… cũng nở rộ.
Chị Phạm Mỹ (phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Tôi thường đi làm về muộn nên việc chuẩn bị bữa trưa hết sức vất vả, vì thế, thức ăn đường phố đã trở thành lựa chọn giúp tôi rút ngắn thời gian chuẩn bị bữa ăn. Tôi cũng rất lo ngại vấn đề ATVSTP, tuy nhiên, chưa thấy biểu hiện gì nên vẫn tiếp tục sử dụng”.
Một quầy thịt quay trên đường Nguyễn Huy Tự (TP. Hà Tĩnh) |
Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Phan Văn Hùng cho biết: “Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có khoảng 700 cơ sở chế biến thức ăn sẵn trên vỉa hè, đường phố. Tuy nhiên, việc quản lý và kiểm soát các cơ sở này đang gặp nhiều khó khăn bởi đặc tính lưu động, không có trụ sở, đó là chưa kể một số người kinh doanh theo thời vụ”. Theo phân cấp của tỉnh thì các cơ sở này thuộc chính quyền cấp xã, phường quản lý nhưng thực tế, tất cả chỉ mới dừng lại ở việc tổ chức cho các cơ sở này ký cam kết đảm bảo ATVSTP, bởi liên quan đến công tác chuyên môn thì cấp xã, phường chưa có điều kiện thực hiện việc kiểm tra, giám sát. Luật ATVSTP quy định, những cơ sở này phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện, ATVSTP, song, thực tế, số này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn người tiêu dùng đã quen với hàng ăn sẵn và thức ăn đường phố bởi sự tiện lợi và giá rẻ...
Để góp phần đảm bảo ATVSTP, thời gian qua, Chi cục ATVSTP đã vào cuộc quyết liệt, phối hợp với đoàn liên ngành tăng cường kiểm tra, giám sát. Đặc biệt, đối với thức ăn đường phố, hàng tháng, chi cục đều lấy mẫu kiểm tra bằng cách test nhanh tại chi cục hoặc gửi lên phòng xét nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Trong số 3.952 mẫu, bao gồm cả dụng cụ chế biến, có 3.577 mẫu đạt tiêu chuẩn, chiếm tỷ lệ 94%; làm xét nghiệm 473 mẫu thịt lợn quay, chả xiên, bún, bánh phở, dầu, mỡ rán, phát hiện 21 mẫu nhiễm vi khuẩn coliform, 1 mẫu nhiễm ecoli, nhưng trong giới hạn cho phép.
Dẫu vậy, người tiêu dùng không được chủ quan, bởi vấn đề nguồn gốc, chất lượng thực phẩm trước khi chế biến vẫn chưa được kiểm tra, kiểm soát. Đó là chưa kể thức ăn đường phố, thức ăn sẵn tại các chợ đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm từ bụi bặm, ruồi muỗi và được bán tại những địa điểm dọc cống rãnh, gần nhà vệ sinh công cộng... Trên thực tế, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm do dùng thức ăn sẵn đã xẩy ra.
Vào cuối năm, nhu cầu của người tiêu dùng càng lớn, thực phẩm “bẩn” càng có nhiều cơ hội tung hoành trên thị trường. Các cơ quan hữu quan cần tăng cường công tác hậu kiểm, nhằm tăng hiệu quả việc quản lý và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.