Thương lắm những mùa bão miền Trung

(Baohatinh.vn) - Mỗi mùa mưa bão đến, chẳng hiểu sao tôi lại thấy lòng mình có gì đó cứ chông chênh, chới với, nơm nớp một nỗi lo khó tả dù nhà mình bây giờ đã tương đối kiên cố, bền trên kín dưới.

Chỉ cần trận mưa lớn kéo dài là nhiều ngôi làng ở miền Trung đã chìm sâu trong nước lũ.

Làng tôi thuộc vùng chiêm trũng. Chỉ một trận mưa vừa kéo dài vài ba tiếng đồng hồ là một số nhà đã ngập sâu trong nước. Thời bao cấp, nhà tôi làm bằng tre, mái lợp tranh, tường thưng phên đất, tọa lạc ngay đầu làng, giữa mênh mông ao hồ.

Tôi cũng chẳng hiểu nổi tại sao, hồi ấy, bố tôi lại chọn nơi ẩm thấp, đầu sóng, ngọn gió để dựng nhà nữa. Sau này khi tôi lớn lên, bố bảo, mảnh đất chúng tôi đang ở là đầu nguồn nước nên sẽ được ấm no, an yên.

Thời đó bố có chiếc đài bán dẫn trông rất oách. Ông thường kè kè bên người để mở nghe tin tức, ca nhạc. Vốn là người am hiểu về địa lý và thiên văn nên lúc nào ông cũng nắm rất chắc tình hình bão lũ thông qua tin tức trên đài. Mỗi lần có tin bão gần, trông bố rất lo lắng.

Hình ảnh chạy lũ như thế này đều có trong ký ức của nhiều người dân miền Trung.

Cũng đúng thôi, nhà chỉ mấy cột tre làm sao chống nổi những trận gió bão kia cơ chứ. Nghe tin xong, bố lẳng lặng ra vườn bứt ít dây chuối khô hoặc đi loanh quanh trong làng xin ít lạt tre về xoắn lại cho thêm độ bền rồi tự tay chằng néo các cánh cửa thật chắc chắn.

Chèn chống, cột néo xong đâu vào đấy, bố bắt đầu thúc giục vợ con chuẩn bị quần áo và một vài nhu yếu phẩm cần thiết mang đi “sơ tán” bên nhà hàng xóm để trú bão. Vốn đông người, không thể ở nhờ vào một gia đình vì sợ thêm phiền phức về chỗ ăn, chỗ ngủ nên mẹ thường chia ra 2 “tốp” đến tá túc tại hai gia đình.

Anh và chị cả đi theo mẹ. Tôi lẽo đẽo theo bố. Thi thoảng bố lại cõng tôi vượt qua những đoạn đường ngập nặng vì sợ nguy hiểm. Tôi và mấy đứa nhỏ lít nhít con bác cứ vô tư trêu đùa nhau hết trên giường lại nhảy xuống nhà mà không mấy quan tâm đến sự lo lắng của người lớn.

Bố trú bão mà lòng chẳng yên chút nào, cứ trằn trọc đi đi lại lại làm tôi cũng sốt ruột theo. Chờ khi gió bão giảm hoặc mưa ngớt, bố lại xắn quần liêu xiêu lội về để kiểm tra nhà cửa, lợn gà. Trong trí nhớ của tôi vẫn còn nhớ trận lũ năm 1989, tuy không lớn lắm nhưng cũng đủ để cho gia đình tôi khốn khổ và thiệt hại rất nhiều.

Nước lũ ngập đến nửa cửa sổ, toàn bộ lúa má bị ướt rồi nẩy mầm hết. Hai chú lợn tầm vài chục cân mà mẹ ngày đêm chăm bẵm từng ly từng tí trong phút chốc bị nước lũ cuốn trôi làm cả nhà lội nước bạc đến rã chân cũng chẳng thấy dấu vết đâu cả. Tiếc nhất là bầy vịt hơn 40 con gần tháng tuổi sắp ra hoa vai (lông tơ ở cánh) dù đã được nhốt trong ràng tre đặt ở vị trí cao bên hông nhà nhưng vì bị đói và rét kéo dài nhiều ngày nên cũng chết hơn một nửa.

Trong khó khăn, hoạn nạn, sự chia sẻ của đồng bào khiến người dân vùng lũ thêm kiên cường.

Chẳng biết tuổi thơ tôi đã trải qua bao lần phải cùng bố mẹ và các anh chị tay xách nách mang ngồn ngộn tư trang chạy bão và tránh lũ nữa. Nó nhiều đến mức không thể đếm xuể. Lớn lên biền biệt xa quê, mỗi mùa mưa bão đến, tôi cứ bị ám ảnh mãi và thương quê mẹ nghèo nơi rốn lũ miền Trung.

Quên làm sao được bước chân mẹ xiêu vẹo mò mẫm trong mênh mông dòng nước. Còn rưng rưng trong ký ức là hình ảnh bố ngẩn ngơ đứng nhìn tài sản của gia đình “ra đi” trong nước lũ đục ngầu…

Mấy ngày qua xem thời sự thấy người dân miền Trung quê mình quằn quại chống đỡ với bão lũ dập dồn mà lòng xót xa. Cầu mong mưa ngớt hẳn, nước hạ nhanh, núi đồi dừng sạt lở để người dân sớm được bình an, ổn định cuộc sống sau những ngày mệt mỏi, khốn khó chống chọi với lũ dữ.

Chủ đề Mưa lũ ở Hà Tĩnh

Chủ đề Lũ lụt Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói