Chỉ số giá tiêu dùng 8 tháng của Hà Tĩnh tăng 1,77%

(Baohatinh.vn) - Theo số liệu của Cục Thống kê Hà Tĩnh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 8 tháng năm 2022 tăng 1,77% so với cùng kỳ năm trước. Những tháng cuối năm dự kiến chỉ số giá tiêu dùng chung sẽ tăng mạnh hơn.

Chỉ số giá tiêu dùng 8 tháng của Hà Tĩnh tăng 1,77%

Nhóm hàng lương thực, thực phẩm được người tiêu dùng lựa chọn khá nhiều tại các siêu thị.

Tính riêng trong tháng 8, chỉ số CPI Hà Tĩnh tăng 0,14% so với tháng trước, tăng 2,63% so với tháng 8/2021. Cụ thể, trong 11 nhóm hàng thì 6 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng so với tháng trước gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,16%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,13%; giáo dục tăng 0,03%; thuốc và dịch vụ y tế cùng nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số tăng 0,02%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,01%.

3 nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm so với tháng trước gồm: Giao thông giảm 4,52%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,49%; bưu chính viễn thông giảm 0,02%. 2 nhóm không có biến động về chỉ số so với tháng trước gồm: Đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón, giày dép.

Theo phân tích của Cục Thống kê Hà Tĩnh, một số yếu tố chính tác động đến sự biến động của chỉ số CPI tháng 8/2022 như giá thực phẩm, lương thực tăng mạnh trong Rằm tháng 7. Bên cạnh đó thời tiết thất thường ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng của các loại rau, củ, quả khiến chỉ số chung nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng cao trong tháng.

Giá một số mặt hàng văn phòng phẩm tăng do nhu cầu của học sinh và phụ huynh phục vụ năm học mới; giá nhiên liệu xăng, dầu qua hai kỳ điều chỉnh giảm trong tháng tác động vào chỉ số giá nhóm giao thông và chi phí trung gian các nhóm hàng hóa khác.

Tính chung CPI bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 1,77% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực thành thị, nông thôn đều tăng 1,77%.

Chỉ số giá tiêu dùng 8 tháng của Hà Tĩnh tăng 1,77%

Những tháng cuối năm dự kiến chỉ số giá tiêu dùng chung sẽ tăng mạnh hơn. Ảnh Loan Giang.

Nhìn chung, từ đầu năm đến nay, các mặt hàng có mức biến động mạnh chủ yếu tập trung ở các nhóm lương thực, thực phẩm, xăng dầu, điện nước sinh hoạt. Một số mặt hàng thiết yếu giảm giá khiến chỉ số giá chung vẫn được kiểm soát. Tuy nhiên, những tháng cuối năm dự kiến chỉ số giá tiêu dùng chung sẽ tăng mạnh hơn. Cụ thể, tháng 9/2022, nhóm giá các loại lương thực, thực phẩm, đồ uống sẽ tăng do kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 khá dài ngày.

Bên cạnh đó, giá các loại gạo nếp, đậu, hạt tăng do nhu cầu nguyên liệu sản xuất phục vụ tết Trung thu. Thêm vào đó, nhu cầu tiêu thụ đồ dùng gia đình những tháng cuối năm xu hướng tăng. Hàng may mặc, văn phòng phẩm, sách vở tăng mạnh trong tháng bước vào năm học mới 2022-2023.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast