Chính phủ chốt không giảm 2% VAT với ngân hàng, viễn thông

Chính phủ trình Quốc hội giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% nhưng trừ nhóm hàng viễn thông, bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng.

Việc giảm 2% thuế VAT với một số hàng hóa dịch vụ chịu thuế suất từ 10% xuống 8% sẽ được áp dụng trong nửa cuối năm 2023, theo đề xuất của Chính phủ trình Quốc hội chiều 24/5. Đây cũng là phương án đã áp dụng năm 2022 theo Nghị quyết 43 của Quốc hội.

Như vậy, việc giảm thuế VAT về 8% sẽ không áp dụng với nhóm hàng hóa như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền Thủ tướng, trình bày tờ trình, cho rằng việc giảm thuế này nhằm kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh sớm phục hồi.

Chính phủ chốt không giảm 2% VAT với ngân hàng, viễn thông

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp chiều 23/5. Ảnh: Hoàng Phong

Thẩm tra, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cho biết, một số ý kiến tại Ủy ban đề nghị cân nhắc giảm thuế VAT với tất cả nhóm hàng hóa đang chịu mức thuế suất 10% vì hiện các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều đang gặp khó khăn.

Cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc nên giảm thuế này về 6%, tức giảm 4% so với mức thuế đang áp dụng để “khoan sức dân”, nuôi dưỡng nguồn thu. Thời hạn giảm thuế này có thể cân nhắc kéo dài hơn thời gian Chính phủ đề xuất (đến hết 31/12/2023) để đảm bảo ổn định và đủ thời gian chính sách phát huy hiệu quả.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn tác động của việc giảm thuế để bảo đảm đạt được mục tiêu đặt ra như kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh để đóng góp trở lại cho ngân sách Nhà nước.

Chính phủ ước tính ngân sách hụt thu khoảng 24.000 tỷ đồng khi đưa thuế này về 8% trong nửa cuối năm nay, tức giảm 9.000 tỷ đồng so với phương án giảm thuế với tất cả hàng hóa, dịch vụ.

Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ giải trình cụ thể hơn phương án, giải pháp bù đắp các khoản giảm thu và khả năng cân đối của ngân sách năm nay.

Chính phủ cũng cần đẩy nhanh gỡ vướng trong hoàn thuế VAT cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm gỗ để tránh gây ứ đọng vốn và ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp. Hiện số vốn thuế VAT các doanh nghiệp gỗ đang bị tồn, chưa được hoàn lên tới hàng trăm tỷ đồng, theo Ủy ban Tài chính ngân sách.

Bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu đồng tình với đề xuất giảm thuế VAT của Chính phủ để kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh tổng cầu giảm, kinh tế khó khăn hiện nay.

Ông Lê Thanh Vân cho rằng nên giảm thuế này ở mức cao hơn, 3-5%, để giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng doanh số, kích thích tăng trưởng. “Doanh nghiệp có lợi nhuận nhiều hơn, sẽ quay lại nộp thuế.”Khoan sức dân“trong bối cảnh này là cần thiết”, ông nói.

Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách Trần Văn Lâm nêu quan điểm việc giảm thuế VAT 2% như đã áp dụng trong năm 2022 là phù hợp. Bởi theo ông, trong hàng loạt nhóm hàng hóa dịch vụ, không phải mặt hàng nào cũng cần khuyến khích tiêu dùng. Tức là không nên giảm thuế đồng đều tất cả các hàng hóa dịch vụ như nhau.

Bên cạnh đó, các đại biểu đều cho rằng thời gian giảm thuế này nên kéo dài hơn, tức có thể kéo dài sang 2024 để đảm bảo “chính sách áp dụng là dài hạn, ổn định, tránh giật cục” khiến doanh nghiệp và cơ quan thực thi gặp khó.

Theo Anh Minh/VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast