Hà Tĩnh dự kiến hơn 218 tỷ đồng tiền hàng hóa tham gia bình ổn thị trường Tết

(Baohatinh.vn) - UBND tỉnh Hà Tĩnh dự báo sức mua cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sẽ tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 5 - 8% và tăng 20 - 25% so với ngày thường.

Hà Tĩnh dự kiến hơn 218 tỷ đồng tiền hàng hóa tham gia bình ổn thị trường Tết

Không khí tết đã về tại các siêu thị với những mặt hàng mang đậm sắc xuân.

Dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, các hoạt động kinh tế đang được hồi phục nên công tác chuẩn bị Tết Nguyên đán đã được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chủ động triển khai sớm. Tuy nhiên, theo dự báo, thói quen dự trữ hàng hóa thiết yếu trong các ngày Tết Nguyên đán của người dân đã giảm nên tình trạng đầu cơ, găm hàng để tăng giá đột biến sẽ ít xảy ra so với trước đây.

Hà Tĩnh hiện có 1 trung tâm thương mại, 3 siêu thị cung cấp hàng tiêu dùng thiết yếu (Co.op mart, Winmart tại TP Hà Tĩnh và Winmart Kỳ Anh), 151 chợ truyền thống, 37 cửa hàng Winmart+, 3 cửa hàng Co.op Food và hệ thống các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện ích, siêu thị mini phân bổ tại các huyện, thành phố, thị xã đang cung cấp đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trên địa bàn.

3 năm trở lại đây, lượng hàng hóa dự trữ của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hóa trong tỉnh chuẩn bị phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán tăng bình quân từ 20 - 40%. Dự báo sức mua cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sẽ tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước (khoảng 5 - 8%) và tăng 20 - 25% so với ngày thường.

Trong thời gian tới, thị trường vào giai đoạn cuối năm sẽ sôi động hơn, nhu cầu hàng hóa, đi tại tăng. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã cơ bản phục hồi, nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, giá một số loại hàng hóa có thể biến động tăng do ảnh hưởng của giá thế giới và chi phí sản xuất, kinh doanh tăng; nguồn cung, giá xăng dầu trong tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, phụ thuộc vào nguồn cung, giá cả xăng dầu thế giới và sự điều hành của Trung ương.

Hằng năm, hàng hóa chuẩn bị Tết tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu...

Thời điểm bắt đầu diễn ra hoạt động mua sắm hàng Tết Nguyên đán và Rằm tháng Giêng dự kiến bắt đầu từ ngày 23/12/2022 (tức ngày 1/12 năm Nhâm Dần 2022) đến hết ngày 19/2/2023 (tức ngày 29/1 năm Quý Mão 2023).

Từ tình hình thực tế cung cầu thị trường và số lượng hàng hóa tham gia dự trữ qua các năm, dự kiến lượng hàng hóa tham gia bình ổn thị trường Tết Nguyên đán năm nay có trị giá khoảng 218,7 tỷ đồng; thời gian dự trữ dự kiến 2 tháng (kể từ ngày 23/12/2022 đến hết ngày 19/02/2023).

Trong đó: mặt hàng gạo tẻ trị giá khoảng 17,23 tỷ đồng, thịt lợn khoảng 49,14 tỷ đồng, thịt gà khoảng 23,4 tỷ đồng, trứng gia cầm (gà, vịt) khoảng 7,8 tỷ đồng, bột ngọt - bột nêm khoảng 1,36 tỷ đồng, nước mắm khoảng 2,73 tỷ đồng, dầu ăn khoảng 3,86 tỷ đồng, rau - củ khoảng 37,44 tỷ đồng...

Lượng hàng hóa tham gia dự trữ được xây dựng trên cơ sở số dân trên địa bàn tỉnh thời điểm hiện tại (khoảng 1,3 triệu người); định mức nhu cầu của 1 người trong 30 ngày căn cứ hướng dẫn của Bộ Công Thương tại Công văn số 1998/BCT-TTTN ngày 20/3/2020; tỷ lệ dự trữ căn cứ theo tình hình thực tế qua các năm, từ 3% đến 10% dân số trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, dự kiến có 8 đơn vị tham gia dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường, gồm: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sài Gòn Hà Tĩnh (Siêu thị Coop.mart Hà Tĩnh); Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Tổng hợp Wincommerce - chi nhánh Hà Tĩnh (Siêu thị Winmart Hà Tĩnh; Hệ thống các cửa hàng Winmart+); Công ty Cổ phần Thương mại Hà Tĩnh; Công ty TNHH KC Hà Tĩnh; Công ty Cổ phần Thương mại Hoàng Lâm Bân; Công ty TNHH Thương mại Hợi Đồng; Công ty Cổ phần Lương thực Hà Tĩnh; Công ty Cổ phần Nước khoáng và Du lịch Hà Tĩnh.

Chủ đề Thị trường Tết

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast