Tổng đàn lợn toàn tỉnh đạt trên 402.000 con, sản lượng thịt hơi cung ứng cuối năm đạt trên 6.200 tấn.
Gần 10.000 tấn thịt gia súc, gia cầm cung ứng cho thị trường cuối năm
Hiện nay, tại các trang trại chăn nuôi, nông dân đang tập trung chăm sóc, vỗ béo đàn lợn để bảo đảm nguồn cung cho thị trường dịp cuối năm. Ông Trương Xuân Bính - Giám đốc HTX Chăn nuôi, tổng hợp và xây dựng Minh Lộc (Cẩm Minh, Cẩm Xuyên) cho biết: “Dịp cuối năm cơ sở sẽ xuất bán khoảng 200 - 300 con lợn ra thị trường trong tỉnh. Chúng tôi đang kỳ vọng giá lợn hơi sẽ tăng lên trong giai đoạn này để đảm bảo chăn nuôi có lãi”.
Sản lượng thịt gà cung ứng thị trường cuối năm gần 2.300 tấn.
Đối với người chăn nuôi gà, dịp cuối năm cũng là giai đoạn được quan tâm, chú trọng đầu tư nhất do nhu cầu tiêu thụ của thị trường tăng cao. Ông Nguyễn Kim Hà (thôn Tân Văn, xã Thạch Văn) cho biết: “Dịch COVID-19 được kiểm soát giúp việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi nên chúng tôi yên tâm tái đàn. Trong khoảng 15 ngày nữa, gia đình tôi sẽ bán hơn 1.500 con gà thịt. Hiện nay, mức giá bán trung bình đạt 72 - 75.000 đồng/kg và có thể tăng lên mức 80 - 81.000 đồng/kg vào những ngày cận tết”.
Các trang trại, hợp tác xã, hộ chăn nuôi đang tập trung phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Anh Lê Ngọc Dân (xã Cẩm Sơn, Cẩm Xuyên) cho biết: "Hiện tại, trang trại đang duy trì 800 con lợn thịt/lứa và 40 con lợn nái để giảm chi phí mua con giống. Giai đoạn cuối năm nhiều loại dịch bệnh thường phát sinh do sức đề kháng của vật nuôi giảm nên chúng tôi phải giữ ấm chuồng nuôi, đảm bảo chế độ dinh dưỡng, khẩu phần nhiều chất dinh dưỡng; khâu vệ sinh chuồng trại cũng được công nhân thực hiện đều đặn 2 lần/ngày ”.
Người chăn nuôi Hà Tĩnh đang kỳ vọng giá thịt lợn hơi sẽ “nhích” lên khi nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng cao.
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, dự kiến sản lượng thịt hơi xuất chuồng phục vụ thị trường cuối năm đạt khoảng 6.200 tấn; trâu, bò đạt hơn 1.300 tấn; gà đạt gần 2.300 tấn. Hà Tĩnh đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng thịt tươi sống của người dân trong dịp tết Nguyên đán sắp tới.
Giá lợn hơi, gà thịt xuất chuồng sẽ có xu hướng tăng trong tháng cuối năm 2022 góp phần giảm bớt áp lực chi phí đối với các cơ sở chăn nuôi trong bối cảnh giá thức ăn vẫn “neo” ở mức cao.
Kiểm soát tốt quy trình giết mổ
Cuối năm cũng là thời điểm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ thịt ở Hà Tĩnh bắt đầu tăng cao, đòi hỏi công tác kiểm soát giết mổ tại các địa phương cần siết chặt để cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho thị trường.
TP Hà Tĩnh là nơi tiêu thụ lượng thịt gia súc (bò, lợn) đứng đầu toàn tỉnh nên công tác kiểm soát càng được chú trọng. Hiện nay, 2 cơ sở giết mổ gia súc tập trung tại xã Đồng Môn và phường Tân Giang đang giết mổ trung bình đạt 50 - 60 con/ngày/lò.
Vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh phối hợp UBND TP kiểm tra đột xuất công tác giết mổ tập trung trên địa bàn và điều tra về nguồn gốc bò được đưa vào giết mổ. Qua kiểm tra, công tác kiểm soát giết mổ được thực hiện tốt, bò chủ yếu được nhập trên địa bàn tỉnh, không có bò nhập ngoại. Đoàn kiểm tra cũng đã tiến hành lấy mẫu để kiểm nghiệm thành phần thịt bò.
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh phối hợp UBND TP kiểm tra đột xuất công tác giết mổ tập trung trên địa bàn.
Thời điểm này, lượng gia súc đến các lò giết mổ tập trung đã tăng cao hơn từ 5 - 7%. Vì thế, các địa phương đang thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh thú y đối với các cơ sở giết mổ, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn.
Ông Trần Hậu Sinh - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Thạch Hà cho biết: “Tỷ lệ gia súc đưa vào giết mổ tập trung trên địa bàn đạt trên 95%. Cán bộ chuyên môn kiểm tra từ khâu nhập gia súc vào chuồng đến xuất thịt thành phẩm ra thị trường. Thạch Hà có địa bàn rộng, nhiều lò mổ mang tính liên vùng nên huyện cũng vừa ban hành kế hoạch tăng cường kiểm soát hoạt động giết mổ, kinh doanh sản phẩm thịt động vật dịp tết Nguyên đán”.
Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan trên diện rộng. Trong ảnh: Cơ quan chuyên môn lấy mẫu xét nghiệm gia súc bị dịch bệnh viêm da nổi cục tại thôn Bắc Kinh (xã Ích Hậu).
Theo ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, lượng gia súc giết mổ sẽ còn tăng cao vào giai đoạn thới, trong khi dịch bệnh trên gia súc, gia cầm vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan diện rộng. Do vậy, ngành chuyên môn khuyến cáo các địa phương cần tiếp tục theo dõi để ngăn chặn những hoạt động giết mổ gia súc tại hộ gia đình không đảm bảo theo quy định pháp luật; kiểm soát tốt quy trình vận hành các lò giết mổ tập trung.
Đồng thời, thường xuyên kiểm tra tất cả các sản phẩm từ gia súc trước khi đưa vào chợ dân sinh, kiên quyết không cho các sản phẩm không có dấu kiểm dịch giết mổ vào chợ kinh doanh hay kinh doanh trôi nổi tại địa phương; tuyên truyền để người dân sử dụng sản phẩm động vật có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan thú y kiểm soát (có đóng dấu hoặc dán tem vệ sinh thú y trên thân thịt)...