Nông dân Hương Sơn tích cực chăm hươu chờ hái “lộc”

(Baohatinh.vn) - Nông dân huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh) đang tích cực chăm sóc hươu để nhung phát triển tốt, chờ hái “lộc” vào dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Nông dân Hương Sơn tích cực chăm hươu chờ hái “lộc”

Cho hươu ăn thêm các thức ăn thô xanh, tinh bột và che chắn chuồng trại kín gió là cách mà anh Nhuần giữ sức khỏe cho đàn hươu.

Nuôi đàn hươu 20 con, trong đó 15 con hươu đực đã đến tuổi cho nhung nên anh Nguyễn Trọng Nhuần (thôn 7, xã Sơn Trường) đang gấp rút bổ sung thêm thức ăn cho hươu để chăm sóc những cặp nhung vừa mới mọc, dự kiến sẽ cho hái “lộc” vào dịp tết này.

Anh Nhuần chia sẻ: “Giai đoạn này, gia đình tôi rất quan tâm tới việc bổ sung chất dinh dưỡng cho hươu, đặc biệt là 5 con hươu đực vừa đổ đế, mọc nhung. Để hươu khỏe mạnh, nhung phát triển tốt, chúng tôi ưu tiên bổ sung các loại cỏ như: cỏ voi, cỏ sữa hoặc thức ăn giàu tinh bột (sắn, ngô)… Đặc biệt, thức ăn luôn phải sạch, có như vậy hươu mới không bị mắc các bệnh về đường ruột”.

Nông dân Hương Sơn tích cực chăm hươu chờ hái “lộc”

Vợ anh Nhuần - chị Nguyễn Thị Loan thường xuyên cắt sắn thành từng khúc nhỏ để làm thức ăn cho hươu.

“Tết năm ngoái, gia đình tôi có 7 cặp nhung gần 7kg, được bán trước tết với giá 12 triệu đồng/kg. Tôi hy vọng tết năm nay, với sự chăm sóc kỹ lưỡng, 5 cặp nhung sẽ phát triển tốt, giúp gia đình tôi có một cái tết sung túc, đủ đầy”, anh Nhuần nói thêm.

Thời điểm này, nhiệt độ tại huyện miền núi Hương Sơn thường xuyên ở ngưỡng thấp, dao động từ 17-20 độ C nên những gia đình nuôi hươu phải che chắn chuồng trại kín gió, giữ gìn vệ sinh để đảm bảo sức khỏe cho đàn hươu, tránh ảnh hưởng đến việc phát triển của nhung hươu.

Nông dân Hương Sơn tích cực chăm hươu chờ hái “lộc”

Ông Lý thường bổ sung bột ngô vào khẩu phần ăn của hươu trong giai đoạn nhung hươu phát triển.

Không chỉ tại xã Sơn Trường mà người dân nhiều địa phương khác tại huyện Hương Sơn như: Sơn Châu, Sơn Hàm, Sơn Phú, Sơn Giang, Sơn Trung, Quang Diệm… cũng đang tích cực chăm sóc hươu để chờ ngày hái “lộc” vào dịp tết này.

Có kinh nghiệm nuôi hươu hơn 20 năm, nên năm nay, khi 6 con hươu đực trong tổng đàn hươu 10 con bắt đầu mọc nhung, ông Trần Hải Lý (thôn Đình, xã Sơn Châu) đã tích cực bổ sung thức ăn giàu tinh bột cho vật nuôi. Bên cạnh đó, ông Lý còn bổ sung các loại khoáng, vitamin, cho hươu uống nước ấm để tăng cường sức khỏe, nhung phát triển đạt trọng lượng chuẩn.

Ông Lý cho biết: “Nếu mỗi con hươu lúc chuẩn bị đổ đế, lên nhung, được chăm sóc đầy đủ thì nhung sẽ đạt trọng lượng khá. Vì thế, tôi luôn ưu tiên việc bổ sung dưỡng chất cho hươu, nhờ đó, năm nào, đàn hươu của tôi cũng cho những cặp nhung hơn 1kg, đặc biệt, có những cặp nặng tới 1,5 – 2kg".

Cũng theo ông Lý, với giá bán nhung hươu dao động từ 12 – 13 triệu đồng/kg thì gia đình đã có nguồn thu nhập khá, cộng thêm việc bán hươu con, năm qua, ông đã thu được hơn 170 triệu đồng.

Nông dân Hương Sơn tích cực chăm hươu chờ hái “lộc”

Khi hươu đổ đế, chuẩn bị lên nhung cần phải chăm sóc, bổ sung dưỡng chất cho hươu.

Sở hữu đàn hươu 7 con, trong đó có 4 con hươu đực, dự kiến tết này, gia đình anh Nguyễn Đức (thôn Đông, xã Sơn Châu) sẽ hái lộc nhung của 2 con hươu.

Anh Đức chia sẻ: “Nhung hươu Hương Sơn hiện đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, nhung cắt tới đâu, bán ra tới đó nên gia đình rất yên tâm trong việc chăm sóc và phát triển đàn hươu. Dự kiến, tết này đàn hươu của tôi sẽ có 2 con cho lộc nhung. Đây cũng là 2 con hươu cho 2 lần nhung trong năm, mỗi lần cắt, nhung đều có trọng lượng từ 1,8 - 2kg/cặp nên tết này, gia đình sẽ có nguồn thu khá tốt".

Nông dân Hương Sơn tích cực chăm hươu chờ hái “lộc”

Thức ăn cho hươu thường được anh Đức xay nhỏ, trộn với bột ngô hoặc các loại vitamin.

Ông Hồ Phạm Tuân – Chủ tịch UBND xã Sơn Châu cho biết: đàn hươu của địa phương có hơn 2.200 con với hơn 600 hộ nuôi, dự kiến năm nay, toàn xã thu được hơn 1 tấn nhung hươu. Hươu sao đã trở thành vật nuôi chủ lực của địa phương, góp phần vào sự phát triển kinh tế nên luôn được bà con ưu tiên chăm sóc, phát triển.

Cũng theo ông Tuân, thời điểm này, nhiều hộ đang tích cực chăm hươu để hái “lộc” tết. Để có một mùa nhung thắng lợi, địa phương thường xuyên nhắc nhở bà con bổ sung dưỡng chất, nhất là giữ ấm cho hươu trong những ngày nhiệt độ xuống thấp.

Nông dân Hương Sơn tích cực chăm hươu chờ hái “lộc”

Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ là việc làm thường xuyên để đàn hươu phát triển khỏe mạnh.

Được biết, việc thu hoạch lộc nhung thường bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 4 âm lịch hằng năm, rộ nhất là vào tháng 2 âm lịch. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều con hươu đực đã bắt đầu cho nhung, gần tết sẽ cho thu hoạch nên giúp cho người dân Hương Sơn có một khoản thu nhập khá để đón tết sung túc hơn.

Nông dân Hương Sơn tích cực chăm hươu chờ hái “lộc”

Tết năm nay, dự kiến toàn huyện Hương Sơn sẽ có khoảng 11.000 con hươu cho lộc nhung.

Toàn huyện Hương Sơn hiện có đàn hươu hơn 41.000 con, tết năm nay, dự kiến sẽ có khoảng 11.000 con cho nhung với sản lượng ước tính khoảng hơn 13 tấn. Với giá bán 13 triệu đồng/kg, toàn huyện ước đạt sẽ thu được gần 170 tỷ đồng từ việc bán lộc nhung.

Ở thời điểm này, khi hươu chuẩn bị lên lộc nhung, người dân cần tích cực chăm sóc, bổ sung khoáng chất, thức ăn xanh cho hươu; đặc biệt, cần giữ vệ sinh chuồng trại, giữ ấm trước thời tiết rét đậm, rét hại để hươu phát triển khỏe mạnh, nhung hươu đạt trọng lượng tốt nhất.

Ông Phan Xuân Đức - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, đến nay, Công ty TNHH Bảo Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trở thành đơn vị hàng đầu trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh.
Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Những ngày qua, khi màn đêm buông xuống, hàng chục hộ dân ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lại ra đồng soi đèn “săn” rươi, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Nông dân Hà Tĩnh cần theo dõi đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu keo, bệnh khô vằn, đốm lá... gây hại trên một số diện tích ngô đông để tránh ảnh hưởng năng suất.
"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

Thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Hà Tĩnh đã vào vụ cao điểm, chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết năm 2025.
Rộn ràng mùa lúa mới

Rộn ràng mùa lúa mới

Cuối tháng 11, những cánh đồng ở Hà Tĩnh lại rền vang tiếng máy, tiếng người rộn ràng chuẩn bị sản xuất vụ đầu tiên của năm tới.
Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) công nhận sản phẩm “Chả cá sông Lam” và sản phẩm “Rau sạch An Tâm” đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao đợt 5 năm 2024.