Lấy sức khỏe của khách hàng làm thước đo giá trị để sản xuất bền vững

(Baohatinh.vn) - Với phương châm “Lấy sức khỏe của khách hàng làm thước đo giá trị”, hiện nay, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Lộc Hà (Hà Tĩnh) chú trọng thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

Lấy sức khỏe của khách hàng làm thước đo giá trị để sản xuất bền vững

Từ nguyên liệu đầu vào, lá gói, túi đựng đến nhà xưởng, máy móc của cơ sở sản xuất nem, giò, chả Hoa Thanh Quế (thị trấn Lộc Hà) đảm bảo an toàn, sạch sẽ.

Cách đây hơn 1 năm, gia đình chị Đỗ Thị Hoa và anh Trần Văn Bé ở TDP Phú Mậu, thị trấn Lộc Hà đã thành lập cơ sở sản xuất, buôn bán giò, chả, nem chua, nem nướng Hoa Thanh Quế. Tùy lượng khách đặt, mỗi ngày, cơ sở này sản xuất và bán ra thị trường trong, ngoài tỉnh khoảng 1.000 – 2.000 nem các loại, 20 – 30 kg giò, 20 – 30 kg chả (cả năm ước khoảng 12.000 kg sản phẩm). Ngoài đảm bảo chất lượng, giữ hương vị đặc trưng của sản phẩm truyền thống thì cơ sở sản xuất này luôn chú trọng đến công tác ATVSTP.

Lấy sức khỏe của khách hàng làm thước đo giá trị để sản xuất bền vững

Các loại thực phẩm được bảo quản cẩn thận để đảm bảo an toàn.

Anh Trần Văn Bé chia sẻ: “Chúng tôi luôn đặt công tác ATVSTP, sức khỏe của khách hàng làm thước đo giá trị để sản xuất bền vững. Vì vậy, ngoài giữ môi trường sản xuất luôn sạch sẽ, có đầy đủ hồ sơ thủ tục thì chúng tôi đã đầu tư gần 200 triệu đồng để mua sắm các loại máy móc chế biến, bảo quản, lọc da, ép trộn, xay thịt, hút chân không... Trong quá trình sản xuất, cơ sở đã ký hợp đồng lâu dài để lựa chọn nguyên liệu đầu vào đảm bảo chất lượng, không sử dụng các loại chất cấm, số lượng sản xuất dựa theo nhu cầu thị trường, hạn chế hàng tồn đọng...”.

Chị Trần Thị Huệ ở TDP Phú Mậu (thị trấn Lộc Hà) cho biết: “Chúng tôi chuyên phục vụ mâm cỗ đám cưới, đám vui, giỗ chạp nên sử dụng lượng giò chả, nem chua khá nhiều. Để đảm bảo uy tín khi phục vụ, chúng tôi thường tư vấn cho khách hàng lựa chọn thực phẩm ở các cơ sở sản xuất đảm bảo chất lượng, trong đó có cơ sở Hoa Thanh Quế. Sau khi sử dụng, khách hàng đều đánh giá cao, tin tưởng để lựa chọn lần sau”.

Lấy sức khỏe của khách hàng làm thước đo giá trị để sản xuất bền vững

Bún gạo truyền thống thôn Đại Lự thơm ngon nức tiếng.

Là một trong những làng nghề sản xuất bún lớn nhất huyện Lộc Hà nói riêng và Hà Tĩnh nói chung, 80 hộ dân làm nghề ở làng Đại Lự (xã Hồng Lộc) luôn lấy chất lượng sợi bún và công tác đảm bảo ATVSTP làm yếu tố căn bản để giữ nghề truyền thống của cha ông. Mỗi ngày, nơi đây sản xuất khoảng 70 - 80 kg gạo (tương đương với 170 – 200 kg bún) nhưng môi trường vẫn luôn sạch sẽ, không sử dụng chất phụ gia.

Ông Đặng Đình Bát - Trưởng thôn Đại Lự cho biết: “Để bảo tồn và phát huy nghề truyền thống của cha ông, ngoài kinh nghiệm, bí quyết được lưu truyền thì bà con nơi đây đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại, ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm".

Lấy sức khỏe của khách hàng làm thước đo giá trị để sản xuất bền vững

Người làm bún ở thôn Đại Lự (xã Hồng Lộc) đưa sản phẩm đến các khu chợ, nhà hàng để tiêu thụ (ảnh T.L)

Đảm bảo ATVSTP, ngay từ khâu sản xuất nguyên liệu, những người làm nghề sản xuất bún ở làng Đại Lự đã chú ý lựa chọn những mẻ nguyên liệu tốt nhất. Trong quá trình sản xuất, luôn chú ý đến nhà xưởng, dụng cụ, máy móc phải đảm bảo sạch sẽ. Đặc biệt là không sử dụng chất cấm, chất phụ gia khi làm bún nên khách hàng luôn tin dùng, ưa chuộng.

Anh Phan Hải (ở thôn Hà Ân, xã Thạch Mỹ) cho biết: “Cách đây hai tháng, gia đình tôi mở quán bán đồ ăn sáng. Khi nghe người quen giới thiệu bún Đại Lự chất lượng tốt nên tôi đã tiến hành tìm hiểu và đặt mua. Ăn loại bún này, khách hàng rất thích vì sợi trắng, dai, thơm ngon nên quán ngày càng đông khách. Khi các lực lượng chức năng đến lấy mẫu kiểm tra và được công nhận đạt chuẩn an toàn thực phẩm nên tôi và khách hàng của quán càng tin dùng hơn”.

Lấy sức khỏe của khách hàng làm thước đo giá trị để sản xuất bền vững

Bánh vừng Tâm Anh (xã Ích Hậu) được chế biến từ những nông sản sạch, bằng máy móc hiện đại, nhà xưởng sạch sẽ.

Không chỉ có 2 cơ sở nêu trên mà công tác đảm ATVSTP đã được chính quyền các cấp, ngành chuyên môn cùng người sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở Lộc Hà chú trọng. Bình quân mỗi năm, các cơ quan chuyên môn, các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn đã tổ chức tập huấn 8 - 9 cuộc về công tác ATVSTP gắn với bảo vệ môi trường cho khoảng 1.200 – 1.300 người tham gia.

Hoạt động kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên, nhất là các dịp lễ, tết và Tháng hành động vì an toàn thực phẩm hằng năm. Chỉ riêng 4 tháng đầu năm nay, lực lượng liên ngành đã tiến hành kiểm tra 40 cơ sở (không phát hiện cơ sở vi phạm ATVSTP). Hiện nay, các lực lượng liên ngành đang triển khai kế hoạch kiểm tra của tháng cao điểm về lĩnh vực này.

Lấy sức khỏe của khách hàng làm thước đo giá trị để sản xuất bền vững

Đoàn kiểm tra liên ngành Lộc Hà kiểm tra VSATTP đối với sản phẩm giò, chả tại chợ Phủ (xã Thạch Châu).

Ông Nguyễn Minh Hoàng – Trưởng phòng Y tế huyện Lộc Hà thông tin: "Hiện nay, toàn huyện có 712 hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm (trong đó ngành y tế quản lý 157 cơ sở, ngành NN&PTNT quản lý 222 cơ sở, ngành công thương quản lý 333 cơ sở). Qua nắm bắt cho thấy, phần lớn các hộ gia đình, cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn đã tuân thủ các quy định về đảm bảo ATVSTP.

Tuy nhiên, để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về ATVSTP, ngăn ngừa thực phẩm bẩn, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, nhắc nhở gắn với kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm".

Chủ đề An toàn vệ sinh thực phẩm

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast