Ngành ngân hàng Hà Tĩnh vững vàng trong “sóng lớn”

(Baohatinh.vn) - Năm 2020, dù liên tục phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, cắt giảm lợi nhuận để chia sẻ với nền kinh tế nhiều tổn thương do dịch Covid-19 và lũ lụt nhưng ngành Ngân hàng Hà Tĩnh vẫn vượt qua “sóng lớn”, đạt chỉ số tăng trưởng cao…

Ngành ngân hàng Hà Tĩnh vững vàng trong “sóng lớn”

Năm 2020, hoạt động ngân hàng diễn ra sôi động trên các lĩnh vực, từ huy động vốn, tín dụng đến dịch vụ ngân hàng điện tử

Huy động vốn cao nhất trong 3 năm

Đến cuối năm 2020, nguồn vốn huy động của toàn ngành đạt 64.832 tỷ đồng, tăng 19,21% so với cuối năm 2019 và vượt kế hoạch năm gần 46%. Con số này cũng đưa chỉ số tăng trưởng huy động vốn đạt cao nhất trong vòng 3 năm qua và trở thành một trong những năm có nguồn huy động cao nhất từ trước tới nay.

Ông Trần Hữu Cần - Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Tĩnh cho biết: “Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế khó khăn, song tiền gửi vào ngân hàng của các tổ chức, cá nhân vẫn dồi dào. Điều này cho thấy, ngân hàng vẫn là kênh đầu tư hiệu quả, an toàn, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng huy động nguồn vốn, chủ động đầu tư cho nền kinh tế. Dư nợ toàn ngành ngân hàng Hà Tĩnh đạt hơn 56.049 tỷ đồng, tăng gần 15% so với thời điểm 31/12/2019, đạt kế hoạch đề ra”.

Ngành ngân hàng Hà Tĩnh vững vàng trong “sóng lớn”

Người dân Hương Khê tiếp cận dòng vốn từ Agribank Hà Tĩnh II để phát triển sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh Covid- 19

Mặc dù bối cảnh khó khăn, tiền của ngân hàng vẫn được đầu tư khá mạnh mẽ cho nền kinh tế. Trong đó, động thái điều hành miễn, giảm lãi suất từ Ngân hàng Nhà nước nhằm chia sẻ với người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 và lũ lụt đã quyết định tăng trưởng vững vàng của thị trường tín dụng. Toàn tỉnh có gần 250 tỷ đồng dư nợ được miễn giảm lãi do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 và lũ lụt; gần 8.500 tỷ đồng dư nợ hiện hữu được hạ lãi suất.

Lãi suất cho vay giảm (ngắn hạn phổ biến 5 - 9%/năm, trung - dài hạn phổ biến 9 - 11%/năm) trong khi tín dụng “rộng cửa” cho vay tiêu dùng, mua sắm, vay mua đất làm nhà, mua ô tô… đã giúp các ngân hàng tận dụng cơ hội, đầu tư mạnh mẽ cho tín dụng bán lẻ, tạo ra thị trường khá sôi động. Tại Vietcombank Hà Tĩnh, chỉ số tăng trưởng tín dụng bán lẻ vào đầu tháng 12/2020 đã đạt 17,8%/năm, cao hơn kế hoạch Vietcombank Việt Nam giao 7,3%/năm.

HDBank Hà Tĩnh là một trong những chi nhánh giành được ngôi hạng nhất trong nhóm ngân hàng cổ phần về tốc độ tăng trưởng nhờ 90% vốn vay đầu tư cho các lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đến nay, tổng dư nợ của chi nhánh đạt 1.300 tỷ đồng.

Ngành ngân hàng Hà Tĩnh vững vàng trong “sóng lớn”

Agribank tỉnh Hà Tĩnh luôn chủ động với kịch bản kinh doanh trong điều kiện dịch Covid-19

Trong khi đó, lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, dư nợ tăng ngay từ đầu năm đã góp phần quan trọng trong “kích thích” sự phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình sản phẩm chủ lực trong xây dựng NTM. Trên thị trường này, ngoài 2 “chủ công” Agribank tỉnh Hà Tĩnh và Agribank Hà Tĩnh II thì kênh Ngân hàng Chính sách Xã hội và hệ thống quỹ tín dụng nhân dân với nguồn vốn tập trung cho vay hộ nghèo, thoát nghèo, hộ SXKD nhỏ… đã tạo thế vững cho thị trường tín dụng chủ lực.

Bà Nguyễn Thị Hải Sâm - Phó Giám đốc Chi nhánh Agribank tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Đến đầu tháng 12/2020, dư nợ của chi nhánh đã đạt hơn 7.841 tỷ đồng. Lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực ưu tiên chỉ ở mức 5 - 6%/năm, ngân hàng chấp nhận giảm lợi nhuận để chia sẻ với người dân và kích cầu tăng trưởng. Đây chính là bước chạy đà quan trọng để chi nhánh tiếp tục mở rộng tín dụng trong năm 2021”.

Nợ xấu tiếp tục giảm

Chất lượng tín dụng được đo bằng tỷ lệ nợ xấu mà các ngân hàng hiện có. Trước khi năm kinh doanh 2020 khép lại, nợ xấu nội bảng của toàn ngành ngân hàng Hà Tĩnh đạt hơn 1.093 tỷ đồng từ nhóm 3 đến nhóm 5, chiếm 1,95%/tổng dư nợ. Theo đó, nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1) đạt hơn 56.200 tỷ đồng, chiếm trên 97% tổng dư nợ.

Ngành ngân hàng Hà Tĩnh vững vàng trong “sóng lớn”

Vietcombank Hà Tĩnh đảm bảo sự tiếp cận tốt nhất của khách hàng đến với dịch vụ ngân hàng, vừa nâng cao chất lượng tín dụng

Đến những tháng cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của BIDV Hà Tĩnh đã giảm thêm một bước so với năm ngoái, chỉ còn 3,06%/tổng dư nợ. Được biết, năm nay, chi nhánh tập trung cao cho xử lý nợ xấu, vừa thu hồi nợ quá hạn, vừa trích lập quỹ dự phòng rủi ro để kiểm soát nợ.

Ngành ngân hàng Hà Tĩnh vững vàng trong “sóng lớn”

Doanh nghiệp “sống khỏe” là điều kiện để các ngân hàng phát triển trong điều kiện an toàn, bền vững

Nhóm các ngân hàng: Agribank tỉnh Hà Tĩnh, Agribank Hà Tĩnh II, Chính sách Xã hội, Quỹ Tín dụng nhân dân, HTX, HDBank… đang có tỷ lệ dư nợ thấp nhất, dao động từ 0,06 - 0,2%.

Năm 2020 khép lại, ngành ngân hàng đã giành thắng lợi ở cả 2 mục tiêu, tăng trưởng tín dụng và kiểm soát nợ xấu. Điều này cũng chứng minh khả năng “đề kháng” khá tốt và tiềm lực nội tại của ngành ngân hàng Hà Tĩnh hiện nay.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast