“Phủ sóng” thương mại điện tử tại Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Hiện nay, giao dịch qua thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn Hà Tĩnh đã trở thành phương thức khá phổ biến, được cả doanh nghiệp (DN) sản xuất, phân phối và người tiêu dùng chủ động khai thác.

Theo đánh giá của Sở Công thương, đến nay, hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh đã sử dụng internet... trong giao dịch với khách hàng. Trong đó, nhiều DN đăng ký website thực hiện các dịch vụ TMĐT cũng như tham gia cung ứng các sản phẩm, hàng hóa, hỗ trợ và thông tin trực tiếp cho người tiêu dùng cá nhân trên internet.

“Phủ sóng” thương mại điện tử tại Hà Tĩnh

Công ty TNHH Nước sạch Hà Tĩnh sử dụng các hình ảnh, video về các dịch vụ của mình để thu hút khách hàng.

Là DN chuyên cung cấp các dịch vụ về xử lý nguồn nước sinh hoạt như: lọc tổng đầu nguồn, máy lọc, vệ sinh đường ống…, thời gian qua, Công ty TNHH Nước sạch Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh) đã sử dụng khá hiệu quả TMĐT. Anh Phan Văn Thống – Giám đốc công ty cho biết: “Chúng tôi sử dụng các video, hình ảnh trực tiếp xử lý nguồn nước đăng lên các mạng xã hội như zalo, facebook… để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng khách hàng. Tôi thấy kênh kinh doanh này khá hiệu quả vì thông qua đây tôi nhận được khá nhiều đơn hàng.”

Đặc biệt, một số DN đã bắt đầu tìm hiểu, xây dựng các kênh quảng bá sản phẩm trên các trang TMĐT quốc tế để mở rộng cơ hội, kết nối với đối tác nước ngoài.

“Phủ sóng” thương mại điện tử tại Hà Tĩnh

Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH 1TV KC Hà Tĩnh.

Anh Nguyễn Khánh Tùng – Giám đốc Công ty TNHH 1TV KC (Thạch Hà) cho biết: "Để tăng cường quảng bá sản phẩm, ngoài website của công ty, từ đầu năm nay, chúng tôi đã tham gia vào các sàn giao dịch thương mại quốc tế là Alibaba và Amazon.

Việc tham gia vào các sàn quốc tế đòi hỏi chúng tôi phải có 1 nhóm gồm 4 người thành thạo ngoại ngữ, công nghệ, marketing để kịp thời trao đổi với khách hàng trên sàn cũng như chi phí để tham gia các sàn này khá cao. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng, TMĐT là một phương thức kinh doanh hiện đại, hiệu quả nên vẫn chủ động đầu tư, xem đây là chi phí cơ hội trong kinh doanh."

“Phủ sóng” thương mại điện tử tại Hà Tĩnh

Sàn TMĐT Voso.vn tổ chức livestream tại vườn và chốt đơn hơn 10.000 quả bưởi Phúc Trạch cho khách hàng thời điểm tháng 9/2021

Được biết, thực hiện kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025 (đã được phê duyệt tại Quyết định 2783/QĐ-UBND ngày 26/8/2020 của UBND tỉnh), thời gian qua, Sở Công thương và các đơn vị liên quan đã tập trung các nhiệm vụ như: phát triển thị trường, hoàn thiện hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử, kinh tế số; kỹ năng mua bán hàng trực tuyến, tăng khả năng nhận biết, ứng phó với gian lận trong thương mại điện tử cho người dân và DN; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, gia tăng giá trị sản phẩm chủ lực tỉnh…

Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Sở Công thương đã tập trung cao việc triển khai các giải pháp phát triển kênh tiêu thụ nông sản qua sàn TMĐT như: tổ chức tập huấn kỹ năng bán hàng trên sàn; phối hợp các sàn: Voso, Postmart chạy banner trang chủ; tổ chức các chương trình livestream quảng bá; phối hợp Bộ Công thương triển khai hiệu quả mô hình “Gian hàng Việt trực tuyến” đối với sản phẩm cam Hà Tĩnh và bưởi Phúc Trạch; tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại trực tuyến…

“Phủ sóng” thương mại điện tử tại Hà Tĩnh

Hộ kinh doanh nhỏ lẻ ở chợ truyền thống cũng đã bắt nhịp TMĐT khi sử dụng facebook, zalo để bán hàng.

Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan cũng tích cực hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất trên toàn tỉnh tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử hatiplaza.com, hatinhtrade.com.vn..; quảng bá, kết nối các gian hàng OCOP của tỉnh trên 10 sàn giao dịch thương mại điện tử các tỉnh trong cả nước…

Với các giải pháp phát triển TMĐT được tập trung cao, theo thống kê, tổng doanh thu bán lẻ trực tuyến của DN, hộ kinh doanh Hà Tĩnh trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 đạt trên 141 tỷ đồng.

“Phủ sóng” thương mại điện tử tại Hà Tĩnh

Sàn TMĐT hatiplaza hiện có gần 400 gian hàng.

Theo kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025, Hà Tĩnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có 70% website TMĐT có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 50% DN nhỏ và vừa tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch TMĐT; 40% DN tham gia hoạt động TMĐT trên ứng dụng di động…

"Để thực hiện kế hoạch này, bên cạnh các giải pháp về đầu tư hạ tầng, công tác quản lý, với vai trò của mình, Sở Công thương đang phối hợp với Bộ Công thương hỗ trợ DN trên địa bàn xây dựng gian hàng và bán hàng trên các sàn TMĐT trong và ngoài nước; hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người dân tiếp cận, khai thác ứng dụng các nền tảng TMĐT; tiếp tục phát huy hiệu quả các sàn TMĐT của tỉnh; tăng cường tập huấn, tuyên truyền về xu hướng phát triển TMĐT và các quy định pháp luật trong hoạt động TMĐT…” - Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa cho biết.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast