Xăng dầu, nhu yếu phẩm thiết yếu tăng giá, người dân Hà Tĩnh nặng nỗi lo

(Baohatinh.vn) - Gas, xăng dầu, gạo và một số thực phẩm tươi sống tăng giá khiến người dân Hà Tĩnh thêm nhiều nỗi lo khi tết gần kề.

Xăng dầu, nhu yếu phẩm thiết yếu tăng giá, người dân Hà Tĩnh nặng nỗi lo

Giá xăng hiện đang ở mức cao nhất 9 tháng qua.

Chiều qua (26/1), giá các loại xăng, dầu được điều chỉnh tăng hơn 300 đồng/lít, đánh dấu lần tăng thứ 5 liên tiếp trong hơn 2 tháng trở lại đây với tổng mức tăng khoảng 2.400 đồng/lít. Theo đó, mặt hàng này hiện đang ở mức giá cao nhất trong 9 tháng qua. Đây là thông tin “kém vui” đối với người dân bởi xăng, dầu là mặt hàng thiết yếu “nuôi sống” phương tiện đi lại hằng ngày và cũng là chi phí đầu vào cho hoạt động kinh doanh, sản xuất.

Ngay đầu tháng 1/2021, giá gas cũng tăng gần 20.000 đồng/bình. Hiện tại, một bình gas 12kg trên thị trường Hà Tĩnh có giá từ 330.000 – 390.000 đồng/bình tùy thương hiệu.

Ông Võ Khắc Sơn – chủ cửa hàng kinh doanh gas Trung Sơn (đường Phan Đình Phùng, TP Hà Tĩnh) cho biết: "Giá gas tăng liên tiếp từ tháng 10/2020 tới nay và lần tăng mới nhất là vào đầu tháng 1/2021. Tháng 10 chúng tôi bán chỉ 280.000 đồng bình nhưng đến nay đã lên đến 330.000 đồng/bình. Lợi nhuận mỗi bình gas bán ra chẳng tăng lên nhưng giá cao, lượng bán giảm nên việc giá gas tăng gây khó khăn cho cả người tiêu dùng lẫn tiểu thương chúng tôi”.

Xăng dầu, nhu yếu phẩm thiết yếu tăng giá, người dân Hà Tĩnh nặng nỗi lo

Sau khi tăng giá vào đầu tháng 1, mỗi bình gas 12kg trên thị trường hiện có giá 330.000 - 390.000 đồng.

Trong hơn 1 tuần qua, giá gạo, nếp các loại trên thị trường Hà Tĩnh cũng tăng khoảng 10%. Theo bà Hòa – tiểu thương chợ TP Hà Tĩnh, cuối năm nhu cầu tiêu thụ gạo, nếp cao vì ngoài tiêu dùng hằng ngày thì nhiều cơ sở còn chuẩn bị nguyên liệu để làm bánh chưng, xay bột làm bánh nên giá các loại gạo quê, nếp Thái đều tăng 1.000 – 3.000 đồng/kg, tương đương khoảng 10%.

Ghi nhận tại các chợ dân sinh, các loại thực phẩm như thịt bò, gà, thịt lợn tăng giá nhẹ, từ 10.000 – 20.000 đồng/kg, cụ thể thịt lợn hiện có giá 130.000 – 140.000 đồng/kg, thịt bò 250.000 đồng/kg...

Bà Mai – tiểu thương chợ TP Hà Tĩnh cho biết: “Giá thịt lợn giảm được thời gian ngắn xuống chỉ còn 120.000 – 130.000 đồng/kg nhưng nay lợn hơi đắt trở lại nên giá thịt lợn thành phẩm cũng tăng lên 140.000 đồng/kg loại ngon. Giá tăng nên chúng tôi buôn bán khó khăn hơn”.

Chị Hiền Hòa (xã Cương Gián, Nghi Xuân) cho hay: “Bình thường tôi chỉ mua thức ăn gia đình, mua ít không để ý. Hôm trước nhà tôi làm đám giỗ, mua lượng thịt lớn mới thấy giá tăng so với trước, chỉ có rau xanh là khá rẻ.

Mức tăng như hiện nay không quá cao nhưng sợ rằng càng cận tết, giá các hàng thiết yếu tiếp tục tăng thì người dân càng thêm gánh nặng, nhất là những người thu nhập thấp”.

Xăng dầu, nhu yếu phẩm thiết yếu tăng giá, người dân Hà Tĩnh nặng nỗi lo

Lợn hơi tăng giá trở lại khiến thịt lợn thành phẩm cũng tăng khoảng 10.000 đồng/kg, đưa mức giá lên 140.000 đồng/kg.

Chị Phan Thị Yến Nhi (xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) bày tỏ: “Nhà tôi nấu nướng hoàn toàn bằng bếp gas, chưa đến 2 tháng là thay 1 bình loại 12kg. Mấy tháng gần đây, giá gas tăng liên tiếp nên tính ra, mỗi tháng tôi phải chi gần 200.000 đồng tiền gas.

Năm vừa qua kinh tế khó khăn, thu nhập giảm, cuối năm thì gas tăng, xăng tăng, thực phẩm tăng, không chỉ nhà tôi mà nhiều gia đình khác cũng sẽ đối mặt với vô vàn khó khăn".

Xăng dầu, nhu yếu phẩm thiết yếu tăng giá, người dân Hà Tĩnh nặng nỗi lo

Các mặt hàng thiết yếu tăng giá khiến người dân thêm áp lực khi tết cận kề.

Cận tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng tăng cao nên xu hướng chung một số mặt hàng có “nhích” giá so với ngày thường. Bên cạnh đó, diễn biến giá gas, xăng, dầu trên địa bàn tỉnh tăng - giảm phụ thuộc vào diễn biến thị trường thế giới và trong nước. Tuy nhiên, đối với người tiêu dùng, cùng lúc các hàng hóa thiết yếu tăng giá khiến không ít người phải thắt chặt chi tiêu, nhất là khi tết sắp đến.

Để đảm bảo ổn định thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán, Sở Công thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp chủ động phương án cân đối cung - cầu, dự trữ nguồn hàng, thực hiện bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu và đẩy mạnh đưa hàng về khu vực nông thôn…

Cùng đó, phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, không để tăng giá đột biến và xử lý hành vi găm hàng, tăng giá trái pháp luật”.

Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast