Ngày 19/5, Thượng viện Pháp đã thông báo kết quả cuộc điều tra liên quan tới vụ bê bối quy trình xử lý sản phẩm nước khoáng nổi tiếng Perrier của “đại gia” thực phẩm Nestle.
Báo cáo do một ủy ban điều tra của Thượng viện Pháp tiến hành nêu rõ Nestle đã che giấu có chủ đích những sai phạm trong quy trình xử lý nước khoáng.
Báo cáo được công bố sau cuộc điều tra kéo dài 6 tháng của Thượng viện và liên quan đến hơn 70 phiên điều trần.
Cuối năm 2020, ban lãnh đạo mới của Nestle Waters thông báo đã phát hiện việc sử dụng các phương pháp xử lý bị cấm đối với nước khoáng tại các cơ sở Perrier, Hepar và Contrex.
Giữa năm 2021, công ty này đã đệ trình lên Chính phủ Pháp kế hoạch thay thế phương pháp xử lý bằng tia cực tím và bộ lọc than hoạt tính bị cấm bằng phương pháp lọc vi mô, sau đó kế hoạch này đã được chính quyền chấp thuận.
Phương pháp này có thể được dùng để loại bỏ sắt hoặc mangan, nhưng nhà sản xuất phải chứng tỏ được rằng nước không bị biến đổi.
Theo quy định của Liên minh châu Âu, nước khoáng thiên nhiên không được khử trùng hoặc xử lý theo bất kỳ cách thức nào làm thay đổi đặc tính của nước.
Báo cáo cho biết bất chấp hành vi gian lận của Nestle Waters trong việc khử trùng nước, Chính phủ Pháp chưa có hành động pháp lý nào để xử lý vấn đề này.
Năm 2024, Nestle Waters thừa nhận sử dụng các bộ lọc bị cấm và xử lý bằng tia cực tím đối với nước khoáng. Công ty đã nộp khoản tiền phạt 2 triệu euro (2,2 triệu USD) để tránh hành động pháp lý.
Một cơ quan giám sát thực phẩm độc lập đã đệ đơn khiếu nại Nestle Waters, cáo buộc công ty này lừa dối người tiêu dùng.
Perrier là một trong những sản phẩm nước khoáng nổi tiếng nhất thế giới, có nguồn gốc từ một con suối ở miền Nam nước Pháp và được Nestle mua lại vào đầu những năm 1990.
Ngoài ra, Nestle cũng phải chịu áp lực ở Pháp sau khi công ty con của họ tại nước này bị cáo buộc có liên quan đến vụ nhiễm khuẩn bánh pizza nhãn hiệu Buitoni, bị nghi dẫn đến cái chết của 2 trẻ em vào năm 2022./.