Tác dụng của mũi vaccine sau mắc COVID-19
Tác giả nghiên cứu Daniel Ayoubkhani và cộng sự thuộc Cục thống kê quốc gia Anh cho rằng: “Việc tiêm chủng cho những người đã nhiễm bệnh trước đó có thể giúp giảm gánh nặng của COVID-19 kéo dài đối với sức khỏe cộng đồng, ít nhất là trong vài tháng đầu tiên sau khi tiêm chủng”.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu của hơn 28.000 người trưởng thành, từ 18 đến 69 tuổi ở Anh, những người đã nhận được ít nhất 1 liều vaccine phòng COVID-19 sau khi xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong hơn 7 tháng theo dõi, 24% đối tượng nghiên cứu đã gặp các triệu chứng COVID-19 kéo dài ở bất kỳ mức độ nào ít nhất 1 lần. Theo nhóm nghiên cứu, mũi vaccine đầu tiên có liên quan đến việc giảm 13% nguy cơ mắc COVID-19 kéo dài, nhưng liệu mức giảm này có duy trì cho đến khi những đối tượng này nhận được 1 liều vaccine khác vào 12 tuần sau đó hay không thì vẫn chưa rõ.
Mũi vaccine thứ hai có liên quan đến việc giảm thêm 9% tỷ lệ bị tình trạng COVID-19 kéo dài, và điều này được duy trì trong thời gian theo dõi trung bình ít nhất là 9 tuần.
Kết quả tương tự cũng được nhận thấy ở nhóm đối tượng nghiên cứu bị tình trạng COVID-19 kéo dài gây hạn chế các hoạt động hàng ngày.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, kết quả nghiên cứu này là đồng nhất vì đã xem xét đến các yếu tố nhiễu như mức thu nhập, các yếu tố liên quan đến sức khỏe, loại vaccine và khoảng thời gian từ khi nhiễm bệnh đến khi tiêm chủng.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 sau khi mắc COVID-19 có thể giúp giảm nguy cơ bị COVID-19 kéo dài.
Cần nghiên cứu thêm về mối liên quan giữa tiêm chủng và COVID-19 kéo dài
Theo các nhà khoa học, do đây là một nghiên cứu quan sát nên chưa thể khẳng định chắc chắn được rằng việc tiêm phòng sau khi mắc COVID-19 giúp phòng ngừa tình trạng COVID-19 kéo dài. Vì vậy, họ cho rằng cần nghiên cứu sâu hơn về mối liên quan giữa tiêm chủng và COVID-19 kéo dài, và cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu khác để hiểu rõ cơ chế sinh học nhằm giúp tăng cường hiệu quả các phương pháp điều trị tình trạng COVID-19 kéo dài.
Manoj Sivan và cộng sự tại Đại học Leeds (Anh) cho biết: “Mặc dù vẫn chưa rõ việc tiêm chủng sau khi mắc COVID-19 có thể giúp bảo vệ một số người tránh bị tình trạng COVID-19 kéo dài hay không, nhưng rõ ràng rằng việc tiêm chủng để giảm nguy cơ tái nhiễm là rất quan trọng”.
“Cho đến nay, vẫn còn nhiều điều chưa biết liên quan đến tình trạng COVID kéo dài, bao gồm tác dụng của mũi vaccine tăng cường hoặc tái nhiễm COVID-19. Do vậy, cần tiến hành nghiên cứu thêm để đưa ra đánh giá chính xác về tác động của tiêm chủng đối với sức khỏe con người” – Sivan nhấn mạnh.