Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục: Giáo viên, phụ huynh Hà Tĩnh nói gì sau nhiều năm áp dụng đại trà?

(Baohatinh.vn) - Tại Hà Tĩnh, chương trình Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục (viết tắt là TV1-CGD) của Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã triển khai đại trà trong toàn tỉnh từ năm học 2014 - 2015. Từ thực tiễn dạy, học trong những năm qua, các giáo viên, phụ huynh đã chia sẻ về những ưu điểm, hạn chế và kiến nghị một số điểm cần điều chỉnh trong chương trình TV1-CGD.

Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục: Giáo viên, phụ huynh Hà Tĩnh nói gì sau nhiều năm áp dụng đại trà?

100% học sinh lớp 1 ở 257 trường tiểu học và 8 trường liên cấp THCS-TH trên toàn tỉnh học chương trình TV1-CGD

Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Lộc Hà: "Con tôi đọc thông viết thạo chỉ sau 3 tháng"

"Đồng hành bên con trong năm đầu cấp, tôi mới được biết đến chương trình TV1 - CGD. Ban đầu tôi cũng hết sức ngỡ ngàng bởi chương trình này hầu như khác biệt với chương trình trước đây chúng tôi đã từng được học, đặc biệt là cách đánh vần, phát âm. Chưa tiếp cận được chương trình nên tôi không thể hướng dẫn thêm cho con trong việc học ở nhà. Vì thế, việc học của con tôi gửi gắm hoàn toàn cho giáo viên trên lớp.

Chỉ sau 3 tháng, nỗi lo lắng của tôi đã giải tỏa. Tôi cũng cảm thấy rất bất ngờ khi con đọc thông, viết thạo những âm vần đã học. Cháu nắm vững luật âm tiết, luật chính tả khi viết và đọc được những câu dài một cách suôn sẻ, mạch lạc".

Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục: Giáo viên, phụ huynh Hà Tĩnh nói gì sau nhiều năm áp dụng đại trà?

Hình vuông, tròn, tam giác là vật đếm tượng trưng cho số tiếng trong câu ở bài học đầu tiên, sau đó chữ viết sẽ được dùng để ghi lại tiếng

Chị Mai Thị Hồng Hạnh - TP Hà Tĩnh: Cần chỉnh sửa văn phong

"Cả 2 con đều học chương trình TV1-CGD nên tôi rất quan tâm tìm hiểu cách học để đồng hành với con. Tôi nhận thấy, ưu điểm của chương trình học này là các cháu đọc thông viết thạo nhanh hơn so với chương trình cũ. Tuy nhiên, theo tôi, văn phong, ngôn ngữ trong sách cần được chỉnh sửa cho phù hợp, nên sử dụng ngôn ngữ phổ thông để dễ hiểu hơn. Có thể khi biên soạn bộ sách này, tác giả cũng muốn đưa ra nhiều từ láy để rèn luyện cách đánh vần, cách đọc, để học sinh so sánh, nhưng tôi thấy có quá nhiều từ mới lạ mà bản thân phụ huynh cũng rất khó hiểu và khó giải thích cho các con như: Gà qué, tréo ngoe, quàu quạu…

Nhiều câu tục ngữ đưa vào chương trình cũng quá sức đối với các cháu như: Vắt chanh bỏ vỏ, trăm thứ bà giằn… Ngoài ra, chương trình học cũng hơi nặng đối với học sinh lớp 1, nếu cháu nào có thể lực và học lực yếu so với độ tuổi thì cũng rất khó theo kịp chương trình. Vì vậy, đòi hỏi các nhà trường, giáo viên có giải pháp linh hoạt trong quá trình dạy học".

Cô Nguyễn Thị Thu Sen - Trường Tiểu học Nam Hà: Giáo viên cần có kiến thức sâu, phương pháp dạy linh hoạt

"So với chương trình cũ, chương trình TV1-CGD hoàn toàn khác. Đó là yêu cầu học sinh viết chính tả (nghe đọc - viết) ngay từ những bài học âm đầu tiên chứ không phải nhìn chữ rồi tập chép như chương trình hiện hành.

Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục: Giáo viên, phụ huynh Hà Tĩnh nói gì sau nhiều năm áp dụng đại trà?

Dạy TV1-CGD đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức sâu, phương pháp giảng dạy linh hoạt

Với học sinh lớp 1, chưa học hết phần âm mà đã học luật chính tả nên thời gian đầu nhiều em không tránh khỏi lúng túng. Thêm vào đó, cách đánh vần ở TV1-CGD cũng không theo kiểu truyền thống trước đây mà đánh vần theo cơ chế phân đôi nên phụ huynh không hiểu và không hướng dẫn được thêm cho con. Vì thế mà những ngày đầu tiên, kết quả học tập của các em chưa đạt được như chương trình hiện hành.

Đặc điểm nổi bật của chương trình theo tôi đó là tính vững chắc. Học sinh nắm vững cấu tạo ngữ âm, phân biệt và nắm chắc nguyên âm, phụ âm, nắm rõ vần, tiếng, 1 tiếng cụ thể ghép được với nhiều thanh.

Để chương trình đạt được hiệu quả như mong muốn, vai trò của người giáo viên hết sức quan trọng. Qua nhiều năm giảng dạy chương trình này, tôi nhận thấy, giáo viên trực tiếp giảng dạy đòi hỏi phải có kiến thức sâu, nắm chắc phương pháp và quy trình dạy TV1-CGD theo quy trình 4 việc: Chiếm lĩnh ngữ âm, viết, đọc, viết chính tả. Phương pháp dạy học cũng phải linh hoạt nhưng rõ ràng ở từng phần như: Phần học âm, phần học vần, các kiểu vần, dạy luật chính tả. Đặc biệt, để khắc phục cái khó của học sinh khi tiếp cận luật chính tả, đòi hỏi giáo viên phải dẫn dắt nội dung một cách nhẹ nhàng, tự nhiên".

Thầy Nguyễn Quốc Anh- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh: TV1-CGD giúp giáo viên đổi mới phương pháp dạy, học sinh có cách học tốt hơn

"Được sự cho phép của Bộ GD&ĐT và UBND tỉnh, sau 1 năm thực hiện thí điểm, năm học 2014- 2015, chương trình TV1-CGD được áp dụng đại trà tại 100% trường tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 257 trường tiểu học và 8 trường liên cấp THCS-TH thực hiện chương trình này.

Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục: Giáo viên, phụ huynh Hà Tĩnh nói gì sau nhiều năm áp dụng đại trà?

TV1-CGD giúp học sinh nắm chắc luật chính tả

Qua 6 năm thực hiện, TV1-CGD được các nhà trường, các thầy, cô giáo, phụ huynh Hà Tĩnh đón nhận. Thế mạnh của tài liệu tiếng Việt công nghệ này là học sinh nắm chắc ngữ âm tiếng Việt, luật chính tả và không tái mù. Đây cũng là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt lớp 1, giúp giáo viên đổi mới phương pháp dạy, học sinh đổi mới cách học tốt hơn.

Theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội, chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đang được xây dựng với chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa". Trong khi chờ áp dụng chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới từ năm học 2019-2020 dành cho lớp 1, các trường học vẫn đang học chương trình TV1-CGD. Vì vậy, các địa phương, phòng giáo dục, trường học nên tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân và các bậc phụ huynh, học sinh, không để những dư luận trái chiều đang diễn ra hiện nay ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy, học".

Đọc thêm

Học sinh Trí Đức rộn ràng chào xuân mới 2025

Học sinh Trí Đức rộn ràng chào xuân mới 2025

Các hoạt động chào xuân là dịp để các bạn nhỏ Trường Mầm non Trí Đức (TP Hà Tĩnh) được vui chơi, hiểu thêm về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Muôn sắc màu tại Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025

Muôn sắc màu tại Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025

Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025 trưng bày nhiều ấn phẩm báo chí, phản ánh sự sáng tạo và đổi mới trong công tác tuyên truyền của báo chí Hà Tĩnh và cả nước trong kỷ nguyên số.
Quản chứ không cấm dạy thêm, học thêm

Quản chứ không cấm dạy thêm, học thêm

Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư có hiệu lực từ 14/2/2025, với rất nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
Nối những niềm vui trên “cánh đồng” tri thức

Nối những niềm vui trên “cánh đồng” tri thức

Ngành GD&ĐT Hà Tĩnh khép lại năm 2024 với những niềm vui trên “cánh đồng” tri thức. Nỗ lực của thầy và trò đã đơm hoa, kết trái bằng những thành tích ấn tượng trên mỗi sân chơi kiến thức.