Tìm luận chứng khoa học để xây dựng quy trình kỹ thuật chăn nuôi hươu sao ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Đề tài “Nghiên cứu tập tính sinh học, khả năng ứng dụng công nghệ sinh sản và một số bệnh thường gặp trong chăn nuôi hươu sao tại Hà Tĩnh” do cán bộ Chi cục Thú y tỉnh đã cung cấp luận chứng khoa học để xây dựng quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định chăn nuôi loài mới này.

Sản lượng nhung hươu hằng năm ở Hà Tĩnh đạt gần 18 tấn, giá trị tương đương khoảng 185 tỷ đồng/năm. Ảnh: Văn Chung

Giai đoạn 2012 - 2022, đàn hươu toàn tỉnh tăng bình quân trên 3%/năm. Tổng đàn hươu hiện có trên địa bàn tỉnh gần 38.500 con, trở thành địa phương có tổng đàn hươu lớn nhất cả nước (chiếm 63%). Sản lượng nhung hằng năm đạt gần 18 tấn, giá trị tương đương khoảng 185 tỷ đồng/năm, đưa lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân. Năm 2019, sản phẩm nhung hươu Hà Tĩnh được cấp chỉ dẫn địa lý.

Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, với việc Luật Chăn nuôi (năm 2018) bổ sung hươu sao vào danh mục đối tượng vật nuôi đã tạo hành lang pháp lý, mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy sản xuất và chế biến sản phẩm (trước đó, hươu sao được xem là động vật rừng).

Tuy nhiên, trên thực tế, nghề chăn nuôi hươu đang tự phát, người dân chủ yếu nuôi ở quy mô nông hộ, trang trại nhỏ; kỹ thuật nuôi, chăm sóc dựa vào kinh nghiệm và truyền miệng. Hiện chưa có quy trình, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật như các đối tượng vật nuôi khác, chưa có nhiều nghiên cứu trên đối tượng hươu sao...

Luật Chăn nuôi năm 2018 đã bổ sung hươu sao vào danh mục đối tượng vật nuôi, tạo hành lang pháp lý mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy sản xuất và chế biến sản phẩm từ hươu sao.

Bên cạnh đó, chăn nuôi hươu sao đang gặp một số vấn đề hạn chế có thể dẫn đến nguy cơ giảm sự đa dạng sinh học do công tác quản lý giống và quy trình chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh. Do vậy, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) được giao chủ trì thực hiện đề tài: “Nghiên cứu tập tính sinh học, khả năng ứng dụng công nghệ sinh sản và một số bệnh thường gặp trong chăn nuôi hươu sao tại Hà Tĩnh”. Đây là những nghiên cứu quan trọng với mục tiêu ứng dụng vào thực tiễn phát triển chăn nuôi, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập bền vững cho người nuôi hươu.

Nhóm nghiên cứu thực hiện lấy mẫu trên hươu sao.

Ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, chủ nhiệm đề tài cho biết: “Sau 18 tháng triển khai, đến nay, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện, xây dựng báo cáo chuyên đề về thực trạng nuôi hươu sao và bản đồ phân bố hươu sao tại các huyện Hương Sơn và Hương Khê. Từ các nghiên cứu về tập tính sinh học của hươu sao, chúng tôi đã đưa ra các khuyến cáo phù hợp với thực tiễn và cải tiến trong chăm sóc nuôi dưỡng nâng cao hiệu quả sản xuất chăn nuôi. Bên cạnh đó, việc xác định các chỉ tiêu sinh lý, sinh hóa máu sẽ là cơ sở cho các nghiên cứu về giống loài, chẩn đoán, xác định các bệnh trên hươu...”.

Lấy mẫu nghiên cứu trên hươu.

Đề tài cũng đã nghiên cứu, đánh giá khả năng ứng dụng công nghệ sinh sản, trong đó thực hiện việc đánh giá tình trạng sinh sản, nghiên cứu phương pháp tiếp cận hươu sao (chế tạo dụng cụ cố định), phân tích các chỉ tiêu tinh trùng hươu sao, mở ra các hướng cho nghiên cứu chuyên sâu về ứng dụng công nghệ sinh sản.

Thông qua kết quả thực hiện các nội dung nghiên cứu các tập tính sinh học, đánh giá khả năng ứng dụng công nghệ sinh sản cho hươu sao, đơn vị đã xây dựng báo cáo chuyên đề về “Tập tính sinh học của hươu sao nuôi tại Hà Tĩnh và khả năng ứng dụng công nghệ sinh sản”.

Trong khuôn khổ đề tài, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng chế tạo ra vật dụng có thể cố định hươu trong các trường hợp thực hiện việc điều trị, tiêm truyền hoặc cắt nhung.

Cùng đó là lấy mẫu bệnh phẩm, đánh giá sự lưu hành của một số loại dịch bệnh, kết quả điều tra, khảo sát tại các hộ chăn nuôi, làm việc với thú y viên cơ sở, tham vấn kinh nghiệm người nuôi và các chuyên gia, Chi cục Thú y đã xây dựng “Sổ tay Hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị một số bệnh thường gặp trên hươu sao”. Đây là tài liệu có giá trị đối với người chăn nuôi hươu trên địa bàn tỉnh. Quá trình nghiên cứu, đề tài cũng góp phần đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ chuyên môn các cấp từ tỉnh đến cơ sở.

Kết quả nghiên cứu của đề tài góp phần giúp cho các cơ quan quản lý tại tỉnh Hà Tĩnh trong việc xây dựng chính sách để phát triển chăn nuôi có hiệu quả.

Phó Trưởng phòng Quản lý Khoa học (Sở KH&CN) Lê Ngọc Nhân cho hay, đề tài đã hoàn thành các mục tiêu đề ra. Bên cạnh việc cung cấp một số sản phẩm khoa học có giá trị, kết quả nghiên cứu là cơ sở để hệ thống hóa hiểu biết về hươu sao nuôi tại Hà Tĩnh, giúp cung cấp thông tin, số liệu cụ thể và những luận chứng khoa học về hiện trạng chăn nuôi hươu sao, các đặc điểm sinh học, tập tính, đánh giá khả năng ứng dụng công nghệ sinh sản...

Kết quả nghiên cứu của đề tài còn góp phần giúp các cơ quan quản lý xây dựng chính sách để phát triển chăn nuôi có hiệu quả, đồng thời cung cấp luận chứng khoa học để xây dựng các quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định trong chăn nuôi hươu sao.

Kết quả của nghiên cứu là nguồn tài liệu quan trọng phục vụ cho giảng dạy, đạo tạo, đồng thời là tiền đề cho các nghiên cứu chuyên sâu đối với hươu sao.

Chủ đề Khoa học - kỹ thuật

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói