Ngày 29/9/1930, trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản, Hồ Chí Minh đã nói đến các cuộc biểu tình của nông dân các huyện Can Lộc, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh. Kể từ khi phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh nổ ra cho tới mãi sau này, bất cứ ở đâu, lúc nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng theo dõi, chỉ đạo phong trào đánh giá một cách đúng mực, động viên và dành tình cảm đối với Xô viết Nghệ Tĩnh.
Trong lời viết cho Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh ngày 3/2/1964, Người viết: “Dù đế quốc Pháp và bọn phong kiến đã tạm thời nhấn chìm phong trào cách mạng trong biển máu, nhưng truyền thống oanh liệt của Xô viết Nghệ Tĩnh đã thúc đẩy phong trào cách mạng trong cả nước tiến lên và đưa đến Cách mạng tháng Tám thành công rực rỡ” [1.78].
Bác Hồ và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh bên ao sen ở Hà Tĩnh. Ảnh tư liệu
Từ năm 1945-1969 là thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt đối với Hà Tĩnh trên tất cả các lĩnh vực, nhưng tập trung là phong trào thi đua ái quốc, bình dân học vụ, phong trào sản xuất, chiến đấu.
Tháng 8/1948, trong thư gửi ông Trưởng ty Bình dân học vụ Hà Tĩnh, sau khi gửi lời khen những làng đã thanh toán nạn mù chữ, Người đã nêu lên 3 nhiệm vụ trọng tâm về công việc bình dân học vụ trong toàn tỉnh. Đó là: Toàn tỉnh phải nhanh chóng thanh toán nạn mù chữ. Nâng cao chất lượng học tập toàn diện, gắn với tuyên truyền, cổ động cho công việc kháng chiến, kiến quốc. Bức thư đã kịp thời động viên, cổ vũ phong trào bình dân học vụ các địa phương trong toàn tỉnh.
Tháng 11/1948, huyện Cẩm Xuyên đã thanh toán xong nạn mù chữ, Người đã gửi thư khen: “Thế là huyện Cẩm Xuyên đã tranh được cái vinh dự xung phong cho Hà Tĩnh và Liên khu IV trên mặt trận văn hóa bình dân”. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ những nguyên nhân đạt được thành tích, nhưng thành tích ấy chỉ là bước đầu mà phải “xung phong tăng gia sản xuất tự cấp, tự túc để diệt giặc đói”, “xung phong tổ chức dân quân du kích”, “tham gia vệ quốc quân để diệt giặc ngoại xâm”, “vì diệt giặc dốt chỉ là một trong ba mặt trận kháng chiến, kiến quốc của ta”.
Tháng 2/1949, Bộ Giáo dục đã công nhận Hà Tĩnh là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước thanh toán nạn mù chữ trên phạm vi toàn tỉnh. Ngày 15/5/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã điện gửi toàn thể đồng bào tỉnh Hà Tĩnh. Bức thư của Người viết: “Hà Tĩnh là một tỉnh thanh toán xong nạn mù chữ trước nhất trong cả nước”. Lại xung phong đỡ đầu dân quân, nhất là các xã ở Can Lộc đã giúp 80 - 200 vạn đồng. Đó là kết quả đầu tiên của thi đua ái quốc”. [1.35].
Cùng với điện khen, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký quyết định tặng thưởng nhân dân Hà Tĩnh Huân chương Độc lập hạng Nhì, bậc huân chương cao nhất, rất hiếm lúc bấy giờ.
Sự quan tâm của Bác không chỉ có phong trào bình dân học vụ chung của tỉnh mà cả những điển hình cá nhân trên lĩnh vực này. Người đã viết bài “Có công mài sắt, có ngày nên kim” để biểu dương chiến sỹ diệt dốt Trần Nghệ đã tự mình phấn đấu thoát được nạn mù chữ, lại mở lớp dạy cho nhiều người.
Trong kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo: “Nhớ người chiến sỹ anh hùng” ca ngợi anh hùng liệt sỹ Phan Đình Giót, tấm gương “hy sinh oanh liệt để mở đầu cuộc đại thắng ở Điện Biên Phủ mà tiếng tăm đã vang lừng khắp thế giới” [1.44]. Anh thanh niên xung phong Trịnh Văn Huyền đã được Người khen “siêng năng”, “nhiều sáng kiến”, “gan dạ”, “có tinh thần đoàn kết”. Người còn viết bài “Một chiến sỹ gương mẫu” nói về đồng chí Thân - một cán bộ làm tốt công tác vận động quần chúng giảm tô. Viết bài “Thanh niên anh hùng Lý Tự Trọng” để góp phần giáo dục, khích lệ tuổi trẻ, Người nhắc nhở: “Ngày nay, được Đảng giáo dục, có đoàn dìu dắt, thanh niên chúng ta phải xung phong gương mẫu trong đạo đức, trong sinh hoạt, trong học tập, trong lao động, phải thực hiện khẩu hiệu “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” [1.83].
TP. Hà Tĩnh hôm nay
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hà Tĩnh vừa là hậu phương nhưng cũng là tiền tuyến có nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam và trực tiếp đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn theo dõi sát phong trào Hà Tĩnh. Ngày 23/8/1966, Người đã có thư khen quân và dân Hà Tĩnh bắn rơi 100 máy bay Mỹ. Người viết: “Ngày 26/3/1965, quân và dân Hà Tĩnh lập chiến công vẻ vang bắn rơi 12 máy bay giặc Mỹ. Từ đó đến nay, Hà Tĩnh chiến đấu và sản xuất có nhiều tiến bộ. Tính đến ngày 18/8/1966, tỉnh nhà đã bắn rơi cộng tất cả 100 máy bay giặc Mỹ” [1.92].
Cũng như trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên, cổ vũ Hà Tĩnh phong trào bình dân học vụ; năm 1964, khi Trường Cấp III Đức Thọ đổi tên thành Trường Trần Phú, Người đã có điện chúc mừng và coi đó là một vinh dự lớn cho nhà trường, “để thi đua học thật tốt làm gương mẫu tốt cho các trường khác”. Nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 79 của Người (19/5/1969), Người đã thưởng cho xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) lá cờ về giáo dục, tấm chân dung của Người và bút tích với dòng chữ “Thân ái gửi lời khen đồng bào và cán bộ xã Cẩm Bình tổ chức tốt việc giáo dục văn hóa. Bác Hồ” [2.245].
Ngoài các bức điện, thư, viết bài động viên, định hướng cho phong trào Hà Tĩnh, đặc biệt là ngày 15/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Hà Tĩnh, trực tiếp nói chuyện với đại biểu cán bộ, đảng viên Hà Tĩnh và nói chuyện với Hội nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh. Ngày 6/7/1966, đoàn cán bộ tỉnh đi tham quan tỉnh Thái Bình về tại Phủ Chủ tịch đã được Người trực tiếp gặp gỡ và nói chuyện, Người rất am hiểu, tỏ tường mọi việc của Hà Tĩnh và luôn thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ và đặt niềm tin vào Đảng bộ, nhân dân Hà Tĩnh.
Trong cách nói chuyện của Người với thành tích biểu dương đúng mực, có khuyết điểm chỉ trích nghiêm khắc, công việc sắp tới, Người đề ra cụ thể, với tình cảm thẳng thắn, chân tình. Ngay ngôn ngữ của Người dùng cũng mộc mạc, giản dị. Người dùng từ “choa”, là rất gần gũi, thông cảm. Người nói “sau 50 năm, lần đầu tiên tôi trở lại Hà Tĩnh, tôi nói thật có mếch lòng không?” [1.63]. Hay Người còn nói “về quê mà không ăn mắm, ăn cà”. Đó không chỉ là câu nói vui, không chỉ là sự đồng cảm muốn nếm vị quê hương mà còn là ước mong của Người muốn được sống đời sống của quần chúng nhân dân lao động.
Tài liệu tham khảo:
Bác Hồ với Hà Tĩnh: Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996.
Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh: Nxb, Nghệ Tĩnh, 1990.