Ngày 18/1/2017, Ban Điều phối dự án SRDP - IWMC Hà Tĩnh và Tập đoàn PUTMAN.S.A ký kết biên bản ghi nhớ “Nghiên cứu đầu tư dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn TP Hà Tĩnh”. Sau biên bản ghi nhớ, hai bên đã phối hợp nghiên cứu về hệ thống thoát nước và xử lý nước thải của TP Hà Tĩnh.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Trưởng đại diện Tập đoàn PUTMAN tại Việt Nam: “Nếu Hà Tĩnh không đưa ra được Quy hoạch Quỹ đất thì Tập đoàn không thể đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại đây. Để có được có được gói đầu tư này thì Hà Tĩnh phải cam kết về vốn đối ứng 10%”.
Theo nghiên cứu, hệ thống thoát nước của TP Hà Tĩnh hiện vẫn đang dùng chung hệ thống thoát nước mưa và nước thải. Nước thải được thu gom vào các hào, mương, rãnh thoát nước trước khi đổ ra sông, gây ô nhiễm một số vùng như: Kênh Hào Thành, sông Cụt, sông Rào Cái...
Ông Lê Quang Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh: Thực trạng xử lý nước thải của Hà Tĩnh còn nhiều bất cập, nước mưa và nước thải chảy chung một hệ thống nên gây ô nhiễm nghiêm trọng một số khu vực. Đặc biệt, xây dựng hệ thống xử lý nước thải là điều kiện bắt buộc trong lộ trình xây dựng thành phố đạt đô thị loại II.
Với nghiên cứu xây dựng dự án “Thoát nước và xử lý nước thải cho TP Hà Tĩnh”, Tập đoàn PUTMAN.S.A đề xuất các phương án xử lý nước thải như: Thu gom nước thải (từ trung tâm thành phố qua tuyến kênh T7, từ hệ thống thoát nước hiện nay đang đổ vào kênh Hào Thành, từ tuyến kênh T1 (làm các giếng tách trên tuyến kênh); xây dựng trạm xử lý nước thải TXL2 công suất 5.000 – 6.000 m3/ngày đêm cho giai đoạn đầu, sau đó có thể mở rộng dần lên đến 14.000 m3/ngày đêm trong tương lai...
Ông Phạm Quang Sơn, Phó giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Hà Tĩnh:Hiện nay, phí xử lý nước thải được thu trong giá nước sạch, sau đó được điều tiết về UBND TP Hà Tĩnh.
Nguồn vốn thực hiện dự án sẽ huy động nguồn từ ODA của Bỉ với tổng giá trị 11 triệu EUR, trong đó, vốn vay ODA của Bỉ khoảng 10 triệu EUR (8 triệu EUR là vốn vay và 2 triệu EUR là vốn tài trợ không hoàn lại), vốn đối ứng từ phía Việt Nam 1 triệu EUR. Dự kiến, thời gian triển khai các hoạt động của dự án khoảng 54 tháng.
Ông Phan Lam Sơn, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường: “Đề nghị phía Tập đoàn PUTMAN trình bày rõ hơn về công nghệ xử lý. Công nghệ này có gì khác so với công nghệ xử lý của Việt Nam. Ngoài ra, cần tính toán chi phí vận hành duy tu bảo dưỡng để chủ động cân đối ngân sách”.
Thảo luận tại buổi làm việc, nhiều đại biểu cho rằng: Phía đối tác cần tính toán kỹ chi phí vận hành sau này để địa phương cân đối ngân sách; đây là vốn vay nên phương án trả nợ phải được tính toán kỹ trước khi triển khai dự án…
Ông Phan Thành Biển, Giám đốc Ban điều phối Dự án SRDP – IWMC Hà Tĩnh:“Phía Tập đoàn PUTMAN cần tính toán chi phí vận hành duy tu bảo dưỡng để địa phương chủ động cân đối ngân sách”.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn nhấn mạnh đây là dự án cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển của thành phố. Tiếp cận dự án vốn vay ODA của Bỉ sẽ giúp địa phương giải quyết những tồn tại về môi trường, góp phần xây dựng thành phố đạt đô thị loại II. Tuy nhiên, đây là dự án theo nguồn vốn vay ODA nên chúng ta cần tính toán kỹ về phương án trả nợ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Ban điều phối dự án SRDP – IWMC và UBND thành phố Hà Tĩnh phối hợp để tính toán phương án tài chính. Trong đó, sau vận hành, cần tính toán kỹ phương án trả nợ, hình thức xã hội hóa sẽ là ưu tiên số 1. Ban điều phối cần tổ chức tham quan những cơ sở đã triển khai dự án để có thông tin đa chiều về dự án; thực hiện quy trình lấy ý kiến về việc triển khai dự án một cách nghiêm túc. UBND thành phố cần xác định địa điểm đặt nhà máy, tính toán quỹ đất để dự án triển khai khả thi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đối tác (Tập đoàn PUTMAN.S.A) tính toán kỹ về địa điểm quy hoạch, khung kế hoạch cụ thể để đự án sớm được triển khai.