Thắng lợi của chính nghĩa và khát vọng hòa bình
45 năm đã trôi qua, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, được sự ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè quốc tế, đã làm nên chiến thắng vĩ đại 30/4/1975. Đó là thắng lợi của một cuộc chiến tranh chính nghĩa, là thành quả to lớn của Nhân dân ta, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, khát vọng hòa bình, độc lập thống nhất của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu
Năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta kết thúc thắng lợi. Thế nhưng, để thực hiện mưu đồ chính trị của mình, đế quốc Mỹ đã phủ nhận Hiệp định Giơ-ne-vơ, dựng nên chính quyền tay sai ở miền Nam Việt Nam, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Trong 21 năm (1954 - 1975), đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai đã gieo rắc bao đau thương, mất mát cho Nhân dân Việt Nam ở cả hai miền đất nước.
Trước những hành động leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai, cách mạng Việt Nam không thể tiếp tục đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, mặc dù khát vọng hòa bình luôn cháy bỏng trong lòng mỗi người dân đất Việt nhưng khát vọng ấy phải được thực hiện bằng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng. Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định con đường tiến lên của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân, ngoài ra không có con đường nào khác. Chủ trương đúng đắn đó mở đường cho phong trào đấu tranh vũ trang trên toàn miền Nam, trở thành động lực thúc đẩy cách mạng miền Nam vững bước tiến lên.
Dưới ánh sáng soi đường của Đảng, bao thế hệ người dân Việt Nam yêu nước, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, với tinh thần “sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, quyết tâm thực hiện cho bằng được chân lý “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, nguyện hi sinh tất cả để cho “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”.
Tấn công sân bay. Ảnh tư liệu
Những ngày tháng 4 lịch sử cách đây 45 năm trước, khắp mọi nẻo đường, ngọn núi, dòng sông vang vọng mệnh lệnh của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới chiến trường giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng". Đó là mệnh lệnh của khát vọng hòa bình, của ý chí độc lập, thống nhất non sông mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã ấp ủ mấy chục năm; là nghệ thuật chớp thời cơ trong chiến tranh Nhân dân thời đại mới và cũng là "lời báo tử" cho chính quyền Sài Gòn và chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ ở Việt Nam.
10h45" ngày 30/4, xe tăng của ta húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ ngụy quyền Sài Gòn. Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện. 11h30’ cùng ngày, lá cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập báo hiệu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Mốc son chói lọi, thế giới ngưỡng mộ, tôn vinh
Có thể khẳng định, chiến thắng 30/4/1975 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.
Nhân dân chào đón quân giải phóng. Ảnh tư liệu
Điều gì đã làm nên sức mạnh Việt Nam - một nước đất không rộng, người không đông, tiềm lực kinh tế quốc phòng ở thời điểm ấy vô cùng nhỏ bé so với đế quốc Mỹ hùng mạnh? Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đó chính là tính chính nghĩa của cuộc chiến, là khát vọng hòa bình, độc lập và thống nhất dân tộc của Nhân dân Việt Nam. Chính những yếu tố đó đã đưa đến thất bại đầu tiên, và tồi tệ nhất trong lịch sử 200 năm lập quốc của Hoa Kỳ.
Đánh giá về cuộc chiến tranh Việt Nam 1954 - 1975, Tờ Asahi Shimbun - tờ báo hàng đầu Nhật Bản, ngày 29/4/2006 (khi chiến thắng lịch sử 30/4/1975 đã trôi qua hơn 3 thập kỷ) đăng bài “Việt Nam: Vinh quang và thiện ý”. Bài báo viết: Người Việt Nam đã dũng cảm đứng lên trong cuộc đấu tranh chính nghĩa, giành lại quyền sống của Nhân dân, nền độc lập của nước nhà, nhưng họ đã giành lấy vinh quang đó bằng tất cả sự nhân đạo, nhân ái của mình.
Không phải ngẫu nhiên mà tờ báo hàng đầu ở một quốc gia đồng minh của Mỹ dành những lời đánh giá đó, cũng không phải ngẫu nhiên mà dư luận thế giới dành những lời thán phục, tôn vinh cuộc chiến đấu chính nghĩa của Nhân dân Việt Nam. Có điều đó, bởi ngay trong lòng cuộc chiến, suốt chiều dài cuộc chiến, người Việt Nam đã luôn thể hiện sự cao thượng, nhân văn, chính nghĩa của mình.
Giá trị của hòa bình
Nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI, toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, hội nhập, phát triển trở thành xu thế tất yếu của mỗi quốc gia. Thế nhưng, chủ nghĩa khủng bố, xung đột sắc tộc, tôn giáo, nội chiến, bạo loạn khiến cho tiếng súng của chiến tranh vẫn chưa ngừng lại và máu vẫn đổ ở nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Chúng ta có thể cảm nhận được sự đau thương của chiến tranh tại những vùng chiến sự như Syria, Iraq, Yemen, Libya…
Cuộc sống của người dân và đặc biệt là trẻ em những nơi này không khác nào địa ngục, tương lai vô cùng mờ mịt. Ở đó, ngay cả “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” của người dân cũng bị tước đoạt. Bom đạn đã cướp đi những quyền cơ bản nhất, những niềm vui sống bình dị nhất của con người.
Thành phố mang tên Bác phát triển mạnh mẽ. Ảnh Internet
Từ thực tế đó mới thấy được ý nghĩa to lớn của chiến thắng 30/4/1975 ở Việt Nam, mới cảm nhận hết giá trị của những năm tháng hòa bình và sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Để có được ngày hôm nay, bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, xương máu của các thế hệ cha, anh đã nằm lại nơi chiến trường, ngấm sâu vào lòng đất mẹ. Vì thế, hơn ai hết, người Việt Nam càng quý trọng những ngày tháng hòa bình, quý trọng những thành quả cách mạng, của sự nghiệp đổi mới hôm nay.
Giá trị, ý nghĩa và tầm vóc lịch sử của Đại thắng mùa xuân 1975 đã được cả thế giới ghi nhận, tôn vinh. Vậy nhưng,thật buồn thay, cho đến nay vẫn có những tiếng nói lạc lõng, giọng điệu hằn học phủ nhận chiến thắng vĩ đại 30/4/1975 của quân và dân Việt Nam; phủ nhận thành quả của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đòi đánh giá lại lịch sử để phục vụ cho những mưu đồ chính trị đen tối. Mỗi dịp cả nước hướng về “Ngày hội non sông”, trên các phương tiện truyền thông lại xuất hiện những bài viết xuyên tạc lịch sử với những luận điệu xuyên tạc. Đó là những luận điệu sai trái, là lối suy nghĩ ảo tưởng, vô trách nhiệm; phủ nhận lịch sử, cố tình bóp méo sự thật; phản bội sự hy sinh của hàng triệu người dân Việt Nam, có tội với Tổ quốc, có tội với tiền nhân và có tội với cả các thế hệ mai sau.
Trước tình hình trên, chúng ta phải nhận thức đúng tính chất nguy hiểm của những quan điểm sai trái, thù địch, cũng như trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại những quan điểm lệch lạc đó. Cần kiên quyết, kịp thời, thẳng thắn phê phán, bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch, phản động; uốn nắn những nhận thức lệch lạc, những quan điểm mơ hồ, góp phần làm thất bại mọi âm mưu “Diễn biến hòa bình”.
Kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Ảnh Internet
45 năm đã trôi qua kể từ đại thắng mùa xuân năm 1975. Dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam kiên cường, anh dũng trong chiến tranh ái quốc lại tiếp tục phát huy trí tuệ, bản lĩnh, vượt qua những khó khăn, thử thách, tiến hành thành công công cuộc đổi mới, hội nhập, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Với bản chất nhân văn, hòa hiếu, Nhân dân Việt Nam đã và đang cùng nhân dân Mỹ gác lại quá khứ, cùng nhau hợp tác để phát triển, vì lợi ích chính đáng của nhân dân mỗi nước; cùng bạn bè năm châu hội nhập sâu rộng.
Nhân loại đang đối mặt với đại dịch Covid-19, cuộc chiến với kẻ thù vô hình virus SARS-CoV-2 đòi hỏi sự hợp tác của tất cả các quốc gia, dân tộc. Trong khó khăn, thử thách ấy, Việt Nam một lần nữa chứng minh cho thế giới thấy một dân tộc anh hùng trong đấu tranh cách mạng, bản lĩnh, trí tuệ trong đổi mới, hội nhập.Là một quốc gia chủ động, tích cực, thành viên có tránh nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Tinh thần chiến thắng 30/4 đã và đang cổ vũ chúng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay. Với khát vọng độc lập, hòa bình, vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh”, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp phát huy sức mạnh nội tại, sẵn sàng chia sẻ cùng với các quốc gia, dân tộc trên thế giới vượt qua khó khăn để hướng tới vinh quang.