Ông Lê Thanh Trúc trú tại thôn 3 - xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) là một trong 48 hộ của xã tình nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Con cái mưu sinh ở xa, chỉ còn ông bà ở với nhau trong một căn nhà nhỏ.
Mảnh vườn nhỏ và con bò giống được tổ chức từ thiện hỗ trợ là sinh kế thoát nghèo của vợ chồng ông Trúc
“Đầu năm 2019, vợ chồng tôi được Tập đoàn VinGroup hỗ trợ một con bò giống trị giá 10 triệu đồng. Đó là cả cơ nghiệp của chúng tôi. Hai ông bà cố gắng chăm sóc nó, đến nay, bò đã mang thai được khoảng 3 tháng rồi” - ông Trúc cho biết.
Khi được nhận hỗ trợ sinh kế, ông bà đã bàn bạc với nhau sẽ xin thoát nghèo để đỡ gánh nặng cho xã hội. Ông Trúc thành thật chia sẻ: “Năm nay, tôi đã gần 75 tuổi rồi, lại là Chi hội trưởng Người cao tuổi của thôn, nói gì thì nói cũng là “cán bộ”, mình phải đi đầu, bước trước cho bà con theo chứ. Hơn nữa, chính quyền, xã hội cũng hỗ trợ mình nhiều rồi, thoát nghèo là hợp lý!”.
Hiện nay, ngoài nuôi bò, ông bà còn tận dụng mảnh vườn nhỏ để trồng hành tăm và một ít ngô, chuối. Từ bàn tay chăm bón của ông bà, vườn đã cho thu nhập, dù không đáng kể nhưng cũng đủ để trang trải cuộc sống.
Hoàn cảnh khó khăn hơn gia đình ông bà Trúc, chị Phạm Thị Thủy - trú thôn 6 (xã Cẩm Lĩnh) là mẹ đơn thân nuôi 2 con ăn học.
Chị Thủy cần mẫn với gánh đồng nát để nuôi con ăn học
Ba mẹ con sống trong căn nhà dột nát, mùa nóng thì bức bí, mưa bão thì dột tứ bề. Chạy ăn từng bữa còn chật vật nên chẳng bao giờ chị Thủy dám mơ đến một mái nhà vững chãi.
Cán bộ mặt trận và các đoàn thể đã soát xét và đề xuất Quỹ Vì người nghèo của tỉnh hỗ trợ chị 50 triệu đồng. Cùng nguồn vay mượn từ ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi, chị đã cất được căn nhà nhỏ nhưng khang trang, ấm áp.
Ước mong về một mái nhà vững chãi, ấm cúng của ba mẹ con chị Thủy đã thành hiện thực.
Chị Thủy xúc động: “Ước mơ lớn nhất là có một mái nhà cho 3 mẹ con thì nay đã toại nguyện. Còn sức khỏe, hàng ngày đi buôn đồng nát kiếm tiền nuôi con nên tôi xin thoát nghèo. Mẹ con tôi khó khăn nhưng còn nhiều nhà còn khó khăn hơn”.
Những lá đơn xin thoát nghèo là tinh thần tự giác, trách nhiệm vì cộng đồng
Trong câu chuyện thoát nghèo, ngoài sự sát sao của chính quyền, đoàn thể các cấp, sự chung tay của cộng đồng là “bệ đỡ” quan trọng. Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh Nguyễn Công Tùng cho biết: “Công tác rà soát, đánh giá hộ nghèo được xã làm rất bài bản. Đối tượng nào có khả năng lao động thì chúng tôi hỗ trợ sinh kế; hộ tuổi cao, sức yếu thì có chính sách phù hợp. Người dân cũng rất đoàn kết, động viên nhau nỗ lực để thoát nghèo”.
Sự đồng hành của chính quyền, tinh thần đoàn kết của cộng đồng là “bệ đỡ” cho các hộ dân thoát nghèo. (Trong ảnh: Cán bộ Mặt trận Tổ quốc xã Cẩm Lĩnh trò chuyện cùng vợ chồng ông Lê Thanh Trúc)
Cũng như Cẩm Lĩnh, từ sự chung tay của xã hội, sự đồng lòng của người dân, tại nhiều địa phương ở Hà Tĩnh, phong trào viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo lan tỏa mạnh mẽ và tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội.
Tại xã Thạch Vĩnh (Thạch Hà), vợ chồng cụ Phạm Văn Nuôi (gần 90 tuổi) gia cảnh khó khăn, thuộc diện hộ nghèo của xã nhiều năm nay. Năm 2017, ông bà cất được căn nhà nhỏ từ số tiền 40 triệu đồng theo chính sách hỗ trợ xây nhà ở cho hộ nghèo.
“Từ năm nay, vợ chồng tôi sẽ xin ra khỏi danh sách hộ nghèo” - ông Nuôi quyết tâm.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng cho rằng, đã nhận nhiều hỗ trợ từ cộng đồng, ông Phan Văn Nuôi vẫn vui vẻ thoát nghèo.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thạch Vĩnh Phan Quang Đăng cho biết: “Đợt rà soát năm nay, chúng tôi đến từng nhà vận động những hộ có khả năng thoát nghèo. Hầu hết những hộ được vận động đều đã nhận được sự hỗ trợ của các chương trình, chính sách trước đó nên họ đồng thuận”.
Câu chuyện từ những lá đơn thoát nghèo không chỉ là tinh thần tự giác, trách nhiệm giảm gánh nặng cho xã hội của người dân, mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng xã hội.