Tỏa sáng phẩm chất người lính giữa thời bình

(Baohatinh.vn) - Chiến tranh đã lùi xa, đất nước yên bình, nhưng với sứ mệnh của mình, những người lính vẫn luôn âm thầm, lặng lẽ bảo vệ cuộc sống bình yên cho Nhân dân.

Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Trung, mảnh đất thường chịu nhiều hậu quả của thiên tai, bão lũ. Ngày bão lũ, tôi đã quen với hình ảnh những người lính xuất hiện ở những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai.

Họ như những chiến binh dũng cảm, băng mình trong dòng nước lũ để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân. Rồi cũng chính họ cũng là những người đồng hành, giúp bà con khắc phục hậu quả của thiên tai, tái thiết cuộc sống.

Cán bộ, chiến sĩ tìm kiếm nạn nhân mất tích ở Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên, Lào Cai). Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân điện tử.

Gần đây nhất, bão Yagi gây hậu quả nghiêm trọng cho người dân các tỉnh phía Bắc, trong đó thảm họa lũ quét ở làng Nủ đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng khiến tôi không thể nào quên. Giữa tiếng gầm gào của dòng nước lũ, những quả đồi đổ sập, những ngôi nhà, làng bản bị cuốn trôi, nhấn chìm trong lớp bùn đất.

Trong hoang tàn đổ nát, trong mất mát đau thương, hình ảnh những người lính đã hiện lên như những vị anh hùng. Với một trái tim, tấm lòng quả cảm, những con người bằng xương, bằng thịt sẵn sàng vượt qua nguy hiểm, dám đối mặt với cái chết, đương đầu với dòng lũ dữ để cứu Nhân dân. Những trận chiến của họ giờ đây không có tiếng súng, nhưng lại là cuộc đấu trí, đấu lực với thiên tai, với thời gian và đôi khi là với cả giới hạn của bản thân mình.

Quân nhân, dân quân tự vệ Hà Tĩnh tham gia phát dọn thực bì những vùng rừng dễ cháy.

Không chỉ trong bão lũ, hình ảnh người lính còn hiện hữu trong những trận chiến với lửa rừng. Những người lính không chút do dự, lao vào ngọn lửa cuồng nộ, quần áo cháy sém, mồ hôi chảy thành dòng. Có người đã ngã xuống vì kiệt sức, vì khói độc, nhưng không một ai bỏ cuộc.

Tôi đã nhìn thấy họ qua các bản tin, khi mọi việc đã xong, ngọn lửa đã được dập tắt. Nhưng trong tôi, niềm vui không thể trọn vẹn, thay vào đó là những cảm giác nghẹn ngào, đau nhói khi biết rằng một vài người lính đã không thể trở về. Những người lính ấy đã sống và chiến đấu như những ngọn đuốc sáng, để rồi, chính họ hóa thân thành bất tử.

Những người lính cần mẫn soạn hàng cho người dân tại TP Hồ Chí Minh trong dịch COVID-19. (Ảnh: Báo Tin tức).

Còn nhớ những ngày dịch bệnh COVID-19 hoành hành, hình ảnh người lính hiện lên trong lòng Nhân dân như một điểm tựa. Những người lính ấy bước vào “trận chiến” với COVID-19 với tâm thế “Chống dịch như chống giặc”, đặt sức khỏe, tính mạng của Nhân dân lên trên hết.

Trong “trận chiến” ấy còn có biết bao câu chuyện về những người lính phải quấn khăn tang, lập bàn thờ bái vọng người thân từ xa vì họ còn phải “lao mình” chiến đấu với “giặc” COVID-19. Họ nhường doanh trại, nơi ăn, chốn ngủ cho Nhân dân, tận tình chăm sóc người dân bị nhiễm bệnh. Hàng ngàn sinh viên, bác sĩ quân y cũng xung phong vào “trận chiến”, hỗ trợ đồng đội dập dịch. Đã có nhiều đồng chí bị nhiễm bệnh, thậm chí có người hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ… Sự cống hiến, sức hy sinh của những người lính trong phòng chống dịch bệnh đã làm đẹp thêm hình ảnh bộ đội Cụ Hồ - bộ đội của Nhân dân.

Thế hệ trẻ cần trân trọng sự hy sinh của những người lính bằng cách sống có lý tưởng, biết sẻ chia và sẵn sàng hành động khi Tổ quốc cần.

Sự hy sinh của họ không chỉ dừng lại ở những trận chiến với thiên tai hay dịch bệnh mà đó còn là những chuyến tuần tra trên miền biên giới xa xôi, nơi cái lạnh cắt da và nỗi cô đơn vây kín, là sự hình thành của những công trình nơi rừng sâu núi thẳm, những cây cầu, ngôi trường học được dựng lên từ đôi bàn tay chai sạn. Họ đã gác lại giấc mơ riêng, hạnh phúc cá nhân, để canh giữ sự bình an cho cuộc sống của đồng bào. Họ là biểu tượng của lòng quả cảm và tình yêu thương con người.

Những người lính là thế, âm thầm, lặng lẽ hy sinh vì nhiệm vụ. Họ chiến đấu với một niềm tin mãnh liệt vào sứ mệnh của mình khi khoác lên màu xanh áo lính. Họ là những người bảo vệ và xây dựng hòa bình theo cách giản dị nhất, đó là mang đến sự bình yên cho cuộc sống của Nhân dân.

Hôm nay, được sống trong hạnh phúc, an yên, tôi càng trân trọng sự hy sinh lặng thầm của những người lính, càng trân quý hơn giá trị của cuộc sống này. Không chỉ là niềm biết ơn mà chúng ta cần phải sống thật xứng đáng với những gì họ đã đánh đổi. Và tôi nghĩ, trách nhiệm giữ gìn những giá trị cao đẹp ấy đặt lên vai thế hệ trẻ chúng ta - những người đang ngồi trên ghế nhà trường. Học tập không chỉ để thành công cho bản thân, mà quan trọng hơn là trở thành người có ích, sống có trách nhiệm, cống hiến cho đất nước, nối tiếp truyền thống hào hùng của những thế hệ đi trước. Chúng ta cần trân trọng sự hy sinh ấy bằng cách sống có lý tưởng, biết sẻ chia và sẵn sàng hành động khi Tổ quốc cần. Bởi những giá trị lớn lao mà người lính trao lại không chỉ là một di sản, mà còn là lời nhắc nhở sâu sắc rằng: mỗi chúng ta đều có trách nhiệm chung tay xây dựng và bảo vệ hòa bình cho đất nước.

Người lính, dù ở thời chiến hay thời bình, vẫn mãi là những người hùng. Sự cống hiến thầm lặng của họ sẽ luôn là ánh sáng soi đường, làm gương cho thế hệ trẻ chúng ta biết trân trọng hơn mỗi phút giây yên bình mà ta đang có, để từ đó không ngừng nỗ lực, rèn luyện, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội.

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói