Sáng cuối tuần, ở góc quán cà phê nhỏ trên con phố quen, tôi cùng chị bạn thân hẹn nhau hàn huyên tâm sự. Trên gương mặt chị thoáng nét thảng thốt, hoang mang, không còn vẻ háo hức như thường thấy mỗi lần hai chị em gặp mặt.
Tôi gặng hỏi, chị mới dè dặt chia sẻ việc vừa phát hiện ra sự thật “động trời” là đứa con gái ngoan ngoãn, ít nói đang học lớp 9 đã có bạn trai và tệ hại hơn là bọn trẻ thường xuyên “chat sex” với nhau. Chị cho tôi xem những đoạn chat mà đến người lớn đọc lên còn thấy ngượng, những video cô bé tự quay với hình ảnh rất nhạy cảm so với lứa tuổi học sinh.
Nghe chuyện, tôi cũng bất ngờ như chị vậy, bởi tôi chơi thân với chị nhiều năm nay, tiếp xúc với cô bé từ khi cháu còn nhỏ. Đó là một cô bé dễ thương, lễ phép và sống khá tình cảm. Thật khó khi tin, cô bé lại có một “phiên bản” khác trong một “thế giới” khác ngoài những gì mà nó đang thể hiện ở đời thực.
Trách con “lớn nhanh” quá nhưng chị bạn tôi cũng phải thừa nhận một điều là trách nhiệm của bản thân không hề nhỏ khi để xảy ra sự việc như thế này. Vì tin tưởng con, vì bận rộn với công việc chuyên môn, gia đình mà vợ chồng chị đã chưa thật sự đồng hành cùng con trong giai đoạn “ẩm ương”.
Con có phòng riêng, có điện thoại di động riêng, được trang bị máy tính riêng để phục vụ việc học, được tự do dùng mạng xã hội… Thế nhưng, ngoài việc học, trao đổi với thầy cô và bạn bè thì con cũng được tự do lạc vào thế giới ảo với đầy rẫy những cạm bẫy, nguy cơ, thông tin xấu độc không phù hợp với lứa tuổi, nhận thức.
Những đêm con đóng kín cửa phòng, vợ chồng chị vẫn nghĩ con bận học nên không quấy rầy, kiểm tra, nhưng đâu biết rằng, đằng sau cánh cửa ấy, sau màn hình điện thoại là những hành vi khiến con đánh mất đi sự trong sáng vốn có của tuổi học trò và có thể là lạc mất cả tương lai phía trước.
Một nghiên cứu, khảo sát gần đây của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng (thuộc Bộ TT&TT) cho biết, tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em nông thôn dùng internet là 88%, thành thị là 93%; tỷ lệ cao nhất ở nhóm tuổi từ 12-15 và có 98% trẻ em tiếp cận, sử dụng internet thông qua điện thoại di động.
Trên môi trường mạng, trẻ em dễ dàng tiếp cận với đủ loại thông tin, trong đó, có những thông tin, hình ảnh khiêu dâm, rất dễ gây tâm lý tò mò, thích khám phá của lứa tuổi dậy thì. Từ tò mò tìm hiểu, nhiều em đã “thực hành” khi chưa đủ chín chắn, nhận thức những tác động tiêu cực đến sức khỏe, tâm lý, tình cảm, đạo đức, lối sống…
Để hạn chế tình trạng trẻ em phải tiếp cận với những thông tin không phù hợp, cơ quan chức năng, các nền tảng mạng xã hội đã có những biện pháp như: rà soát, phát hiện, xử lý những website đăng tải nội dung độc hại cho trẻ em; dán nhãn “16+”, “18+” cho các thông tin, hình ảnh hiển thị trên mạng internet…
Đó là những động thái đáng ghi nhận của các bên liên quan, tuy nhiên, không ai có thể thiết lập “hàng rào” bảo vệ, tạo lập môi trường sống an toàn cho con em mình bằng chính cha mẹ.
Tôi cho rằng, nếu pháp luật Việt Nam chưa cấm việc trẻ em dùng mạng xã hội thì cha mẹ phải cản. Cản bằng cách giới hạn thời gian, cách thức sử dụng thiết bị điện tử, tài khoản mạng xã hội của con là một trong những cách quản lý, kiểm soát; cản bằng cách gần gũi con hơn, giáo dục ý thức, trang bị cho con những kiến thức cần thiết về giới tính, tình dục, tình bạn, tình yêu và các mối quan hệ xã hội để con phòng tránh được những nguy cơ trên thế giới ảo.