Trung, Nga chưa thấy nồng độ phóng xạ sau thử hạt nhân Triều Tiên

Ngày 9/9, Bộ Môi trường Trung Quốc thông báo rằng vụ thử hạt nhân trước đó cùng ngày của Triều Tiên đã không ảnh hưởng tới các mức độ phóng xạ hiện nay ở Trung Quốc.

trung nga chua thay nong do phong xa sau thu hat nhan trieu tien

Một chuyên gia Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc phân tích các dư chấn đo được sau vụ nổ được cho là vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, tại Seoul ngày 9/9. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các hãng tin của Nga cũng dẫn lời người đứng đầu Cơ quan giám sát an toàn người tiêu dùng Rospotrebnadzor Anna Popova khẳng định cho tới nay chưa phát hiện nồng độ phóng xạ cao do vụ thử hạt nhân của Triều Tiên gây ra gần khu vực Viễn Đông của Nga.

Phía Triều Tiên thông báo tiến hành thành công vụ nổ mang đầu đạn hạt nhân vào sáng 9/9. Đây là vụ thử hạt nhân thứ năm của Bình Nhưỡng, diễn ra 8 tháng sau vụ thử trước đó.

Sau khi Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc lên án vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh Federica Mogherini cũng lên tiếng cho rằng vụ thử hạt nhân của Triều Tiên là vi phạm các nghị quyết của Liên hợp quốc, đồng thời là hiểm họa đối với hòa bình ở châu Á.

Trong một tuyên bố, bà Mogherini đề nghị Triều Tiên "phải tuân thủ các nghĩa vụ và từ bỏ toàn bộ vũ khí hạt nhân, chương trình hạt nhân hiện nay một cách toàn diện, có thể thẩm tra và không thể đảo ngược."

Bà cho rằng hành động này (của Triều Tiên) là sự vi phạm trực tiếp các nghĩa vụ quốc tế, theo đó không được sản xuất hoặc thử vũ khí hạt nhân như được quy định trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời là mối đe dọa nghiêm trọng cho hòa bình và an ninh của toàn bộ khu vực và cả ngoài khu vực.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho rằng vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, nếu được xác định, sẽ là hành động khiêu khích nghiêm trọng và là hiểm họa lớn đối với sự ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương Jens Stolenberg đã lên án mạnh mẽ vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng phải chấm dứt mọi hoạt động về hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Cùng ngày, tại Hàn Quốc, Ủy ban Tình báo của Quốc hội nước này đã tiến hành họp khẩn sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.

Tại cuộc họp kín này, Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) của Hàn Quốc bày tỏ lo ngại về những nỗ lực nhanh hơn dự kiến của Triều Tiên trong việc thu nhỏ các loại vũ khí hạt nhân. NIS cũng cho rằng mặc dù vụ này có sức công phá mạnh hơn các vụ trước nhưng đây không có vẻ gì là một vụ nổ bom H, đồng thời nhận định rằng Bình Nhưỡng có thể tiến hành các vụ thử tiếp theo vào bất kỳ lúc nào.

Cũng trong ngày 9/9, trong một động thái hiếm hoi cho thấy tinh thần đoàn kết, đảng Saenuri cầm quyền cùng với các đảng đối lập là Minjoo và đảng Nhân dân của Hàn Quốc đã đạt được một nghị quyết tại Ủy ban Đối ngoại và Thống nhất của Quốc hội lên án vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.

Nghị quyết này sẽ được thông qua tại phiên họp thường kỳ của Quốc hội Hàn Quốc vào ngày 20/9 tới. Các nghị sỹ đã nhất trí rằng động thái này của Triều Tiên là hành động khiêu khích đối với cuộc sống và sự an toàn của người dân Hàn Quốc, tuyên bố Quốc hội Hàn Quốc sẽ không dung thứ cho việc Triều Tiên phát triển các loại vũ khí hạt nhân, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng từ bỏ mọi chương trình liên quan đến hạt nhân.

Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Hàn Quốc cũng đạt được một nghị quyết tương tự, lên án mạnh mẽ Bình Nhưỡng về động thái trên./.

Theo Vietnamplus

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.