Trung Quốc: 76.288 ca mắc và 2.345 người tử vong do dịch COVID-19

Theo thống kê của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC), tính đến 21h tối 22/2, tổng số ca tử vong trên toàn cầu vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là 2.363 người và tổng số ca nhiễm là 77.932.

Hiện đã có 20.863 trường hợp được điều trị khỏi bệnh. Tại Trung Quốc đại lục, đến hết ngày 22/2, số trường hợp nhiễm là 76.288 và 2.345 người đã tử vong.

Trung Quốc: 76.288 ca mắc và 2.345 người tử vong do dịch COVID-19

Bệnh nhân nhiễm COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Tính đến nay, có 18 ca tử vong được ghi nhận ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục, gồm 5 người ở Iran, 3 trường hợp ở Nhật Bản, 3 trường hợp ở Hàn Quốc, 2 ca ở Italy, 2 người ở Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), một người ở Đài Loan (Trung Quốc), một trường hợp ở Pháp và một ca ở Philippines.

Đặc biệt, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia có tốc độ lây lan COVID-19 nghiêm trọng thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc đại lục. Chỉ trong ngày 22/2, giới chức nước này thông báo có tới 229 ca nhiễm mới, nhiều hơn tổng số các ca nhiễm của tất cả các ngày trước đó cộng lại và nâng số người nhiễm nCoV ở Hàn Quốc lên con số 433.

Xét về số bệnh nhân COVID-19, Hàn Quốc hiện đứng thứ 3, sau Nhật Bản (751 người) và Trung Quốc đại lục (76.288 người). Có tới 80% số ca lây nhiễm ở “Xứ Kim chi” liên quan đến nhà thờ giáo phái Shincheonji ở thành phố Daegu.

Trong ngày 22/2, cả Italy và Iran đều ghi nhận thêm các ca tử vong do COVID-19. Các nguồn tin y tế Italy cho biết bệnh nhân trong ca tử vong thứ hai vì nhiễm COVID-19 tại nước này là một phụ nữ sống tại thành phố Milan, thủ phủ vùng Lombardy. Cho đến nay Italy đã ghi nhận 30 ca nhiễm COVID-19, tất cả đều tại khu vực phía Bắc quốc gia bên bờ Địa Trung Hải.

Tại Iran, Bộ Y tế nước này thông báo có thêm 10 ca nhiễm COVID-19 mới, trong số này có một ca tử vong. Như vậy số ca tử vong do COVID-19 ở Iran hiện đã tăng lên 5 ca, số ca nhiễm là 28. Ngày 22/2, kênh truyền hình quốc gia Iran đưa tin, quốc gia Hồi giáo này sẽ đóng cửa các trường học, trường đại học và các trung tâm giáo dục ở 2 thành phố miền Trung nhằm ngăn chặn COVID-19. Thời gian đóng cửa sẽ bắt đầu từ hôm 23/2 và kéo dài trong 2 ngày ở thành phố Qom - địa phương đã chứng kiến 2 người thiệt mạng vì nCoV - và trong thời gian 1 tuần ở thành phố Arak.

Ngày 22/2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã bày tỏ quan ngại về khả năng phòng ngừa dịch COVID-19 của hệ thống y tế các nước châu Phi trong trường hợp dịch bệnh bùng phát. Trong một cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo bộ y tế các nước châu Phi tại trụ sở của Liên minh châu Phi (AU) tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, Tổng Giám đốc WHO - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi các nước thành viên liên minh “cùng hợp lực để tăng cường khả năng chống đỡ với cuộc tấn công của COVID-19”. Ông nhấn mạnh quan ngại lớn nhất của WHO là nguy cơ virus nCoV gây COVID-19 lây lan tới các nước có hệ thống y tế yếu kém hơn.

Tổng Giám đốc Ghebreyesus nêu rõ nếu COVID-19 bắt đầu lan rộng tại châu Phi, các hệ thống y tế của châu lục sẽ phải chữa trị cho các bệnh nhân có các triệu chứng như khó thở, nhiễm trùng nặng và tổn thương đa tạng. Những bệnh nhân này đòi hỏi phải được điều trị tích cực với sự hỗ trợ của các trang thiết bị y tế hiện đại như máy thở... là những thứ mà nhiều cơ sở y tế tại châu Phi còn thiếu. Và đây là một trong những lý do khiến giới chức WHO lo ngại.

COVID-19 cũng trở thành chủ đề nóng trong cuộc họp Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng tác động của dịch bệnh là một quỹ đạo “hình chữ V”, với sự sụt giảm mạnh về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc ở thời điểm hiện tại và sau đó là sự phục hồi mạnh mẽ của nước này. Tuy nhiên, người đứng đầu IMF cảnh báo rằng tình hình này có thể gây ra hậu quả thảm khốc hơn cho các quốc gia khác, khi những tác động của dịch bệnh lan rộng.

Theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire, trọng tâm chương trình nghị sự của G20 là nhằm thảo ra một kế hoạch hành động để bảo vệ nền kinh tế thế giới - vốn đang tăng trưởng chậm lại - trước tác động của sự bùng phát dịch COVID-19. Bộ trưởng Le Maire cho biết: “Câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ: Liệu đó sẽ là hình chữ V với sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế thế giới hay liệu nó sẽ dẫn đến hình chữ L với sự chậm lại liên tục trong đà tăng trưởng kinh tế thế giới”.

Cuộc họp của G20 diễn ra trong bối cảnh Viện Tài chính quốc tế (IFF) mới đây dự báo sự bùng phát dịch COVID-19 có thể làm giảm nhu cầu đối với dầu mỏ tại Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác, đẩy giá dầu xuống mức 57 USD/thùng và phủ bóng lên triển vọng tăng trưởng kinh tế tại khu vực Trung Đông.

Ông Garbis Iradian - nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA) tại IFF - cho biết dịch COVID-19 có thể khiến GDP của Trung Quốc giảm 0,5-0,7% - yếu tố tác động mạnh đến giá “vàng đen” hiện đứng ở mức khoảng 57,75 USD/thùng.

Theo Báo Tin tức

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.