Dưới triều đại của HLV Philippe Troussier, ĐT Việt Nam đã khởi đầu với tổng cộng 6 trận đấu giao hữu trong dịp FIFA Days. Có thể khu biệt rất rõ ràng trình độ các đối thủ mà chúng ta từng đối đầu. Nhóm đầu tiên là 3 đội bóng có trình độ ngang bằng hoặc thấp hơn ĐT Việt Nam. Kết quả, các học trò của ông Troussier đã toàn thắng cả 3 trận trước Hong Kong (TQ), Syria (cùng với tỷ số 1-0) và Palestine (2-0).
Trước 3 đối thủ nói trên, đội bóng của ông Troussier luôn nhập cuộc với các phương án cố gắng giành quyền kiểm soát bóng, áp đặt lối chơi với đối thủ. Thực tế, ĐT Việt Nam đã giành tỷ lệ kiểm soát bóng vượt trội nhưng cũng có những thời điểm đối phương đã chủ động nhường sân. Do vậy, chúng ta chỉ mới hài lòng về con số, còn về chất lượng thật khó có thể nói là tốt. Thêm một vấn đề nữa, ĐT Việt Nam đã gặp khó khăn ở những đường chuyền cuối cùng, cũng như khả năng dứt điểm. Mọi thứ tồi tệ hơn khi 3 trận còn lại, ĐT Việt Nam đều không ghi bàn.
Ba đối thủ của Việt Nam trong tháng 10 đều có đẳng cấp cao hơn rất nhiều. HLV Troussier vẫn áp dụng triết lý mà ông theo đuổi, nhưng cả ba trận đều thất bại. Trước Trung Quốc, ĐT Việt Nam đã gây bất ngờ khi giành tỷ lệ kiểm soát bóng lên đến 63%. Thậm chí có những thời điểm lên đến 65,2%. Thế nhưng trong hơn 90 phút so giày, các học trò của HLV Troussier chỉ có 9 pha dứt điểm so với 13 của Trung Quốc. Hai trong số những cơ hội mà đội chủ nhà có được đã được chuyển hóa thành bàn thắng.
Ở trận đấu với Uzbekistan, mọi thứ đã hoàn toàn đổi thay. Vẫn lối chơi ấy nhưng Việt Nam gần như đánh mất quyền kiểm soát bóng vào tay đối phương. Các học trò của HLV Troussier cũng không tạo ra cơ hội thực sự ngon ăn nào, và chúng ta đã phải nhận thất bại với tỷ số 0-2. Tương tự trước Hàn Quốc, đội bóng của ông Troussier tạo ra thế giằng co, nhưng trước một đối thủ quá đẳng cấp, Hoàng Đức và các đồng đội chỉ biết chơi phòng ngự và chờ cơ hội phản công.
HLV Troussier thừa nhận, đối đầu với các đội mạnh như Uzbekistan hay Hàn Quốc, Việt Nam chỉ có thể kiểm soát 30-35% thời lượng bóng. Phần thời gian không bóng còn lại phải có kỷ luật phòng ngự tổ chức tốt. Các cầu thủ phải tập trung hơn nữa vào các thời điểm cần phòng ngự, và cần chắt chiu hơn các cơ hội từ tình huống chuyển đổi có bóng, để tạo ra tình huống có thể ăn bàn.
Với những gì mà chúng ta đã thấy từ 8 trận đấu vừa qua, nhiều khả năng Việt Nam sẽ cố gắng giành ưu thế về thời lượng bóng trong chân, dù phải chơi trên sân Philippines. Cần phải nhắc lại, đối thủ đầu tiên của Việt Nam tại vòng loại thứ 2 World Cup được đánh giá có trình độ thấp hơn. Cho nên sẽ không lạ khi HLV Troussier chủ động cho các học trò của mình thi triển lối chơi đã theo đuổi.
Việt Nam có thể giành quyền kiểm soát bóng tốt, và có lẽ Philippines cũng sẽ chủ động chơi phòng ngự phản công. Nhưng từng đó thôi sẽ chẳng đi đến đâu, nếu chúng ta không ghi bàn và xa hơn là một kết quả có lợi.
Nói cách khác, kiểm soát bóng luôn tạo ra cảm giác “no con mắt”. Khi được “no con mắt” và lại ra về với những nụ cười chiến thắng thì đó sẽ là thứ bóng đá tuyệt hơn tất cả. Còn ngược lại, có thể sẽ tạo một hiệu ứng ngược không trông đợi.
Tốt gỗ còn hơn tốt nước sơn. Vì thế, điều quan trọng của ĐT Việt Nam ở trận đấu lúc 18h00 chiều 16/11 có lẽ là 3 điểm hơn là một buổi trình diễn kiểm soát bóng.