Trường học mới VNEN: Thẳng thắn nhìn vào bất cập để sửa đổi!

(Baohatinh.vn) - Về yêu cầu dừng triển khai đại trà mô hình trường học mới, tại Thông báo kết luận số 230/TB-UBND ngày 27/7/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh giao nhiệm vụ thành lập Hội đồng đánh giá kết quả thực hiện mô hình VNEN để có lộ trình phù hợp. Ngành Giáo dục Hà Tĩnh sẽ hành động như thế nào khi tiếp nhận những tiếng nói có trách nhiệm từ thực tiễn?

>>Mô hình trường học mới VNEN: Thôi cũng dở, ở có xong?

Nhiều người đặt câu hỏi, đến bao giờ ngành Giáo dục Hà Tĩnh mới thẳng thắn đối diện với thực tiễn này?

Không thể né tránh sự thật

Hiệu trưởng của một trong 4 trường học trong tỉnh đã dũng cảm “ngược dòng” chấp nhận nguyện vọng phụ huynh, đưa các lớp đã thí điểm VNEN năm học 2015-2016 trở về với cách dạy truyền thống trong năm học mới này, chia sẻ: “Tôi cảm thấy buồn vì công sức cả năm trời dồn cho mô hình điểm với sự ưu tiên cả về giáo viên (GV), học sinh (HS) và sự đầu tư về cơ sở vật chất đã đổ sông, đổ biển. Tuy nhiên, điều không thể khác là phải nhìn, lắng nghe và tôn trọng tiếng nói từ phụ huynh, HS. Phải chấp nhận thực tiễn”.

Một GV ở Trường THCS Cẩm Trung vừa “thoát khỏi” việc dạy môn Văn theo mô hình VNEN không giấu nổi niềm vui trước sự thay đổi này. “Dạy môn Văn, ngoài kiến thức còn là dòng cảm xúc, bình luận, liên hệ thực tiễn cuộc sống. Đặc biệt, GV dạy môn học này phải là người truyền cảm hứng cho HS bằng cả ánh mắt, cử chỉ, lời nói trong quá trình giảng dạy. Qua một tác phẩm, mỗi tiết học, môn Văn còn phải hướng tới việc giáo dục nhân cách, lý tưởng cho HS. Trong khi đó, mô hình VNEN chỉ yêu cầu đọc bài, các em thảo luận và trả lời một số câu hỏi về kiến thức một cách rất máy móc. Bởi vậy, nói thật là tôi không thể có cảm hứng trước mỗi tiết dạy môn Văn ở các lớp học theo mô hình VNEN. Tôi nghĩ, cái gì không phù hợp mà đã nhìn rõ như vậy thì phải thay đổi, chứ không thể né tránh mãi được” - GV này thẳng thắn.

Tuy nhiên, những lời nói thật này rất khó tìm được trong quá trình chúng tôi gặp gỡ, trao đổi với các thầy, cô giáo, nhà quản lý giáo dục về mô hình trường học mới. Ngoài trường học đã “vỡ trận” VNEN, phần lớn những người trong cuộc đều né tránh với câu trả lời: “Chúng tôi chấp hành sự chỉ đạo của ngành”.

Tìm hiểu thêm về sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT khi các trường học báo cáo về đề xuất của phụ huynh dừng học VNEN, chúng tôi được biết, khác với những công văn chỉ đạo “trống giong, cờ mở” ở giai đoạn triển khai, khi “vỡ trận”, sở chọn cách “chỉ đạo miệng”: giao quyền tự chủ cho các trường học, sự lựa chọn, quyết định của các địa phương. Nhiều người đặt câu hỏi, đến bao giờ ngành Giáo dục Hà Tĩnh mới thẳng thắn đối diện với thực tiễn này?

Thực tiễn đã cho đáp án

Theo kế hoạch, trong năm học 2016-2017, Hội đồng đánh giá kết quả về mô hình trường học mới VNEN (theo Thông báo số 230 ngày 27/7/2016) sẽ triển khai các bước đánh giá, thẩm định để đến tháng 5/2017 báo cáo UBND tỉnh. Tuy nhiên, việc hàng trăm phụ huynh ở các trường học đang đấu tranh mạnh mẽ đề nghị dừng hẳn mô hình trường học mới đối với cả những lớp đã triển khai thí điểm cho thấy thực tiễn đang đòi hỏi một sự dứt khoát sớm hơn với VNEN.

Niềm vui của HS Trường THCS Nam Hồng (TX Hồng Lĩnh) khi được trở lại với chương trình hiện hành.

Bày tỏ quan điểm của người trong ngành về mô hình trường học mới, dù không muốn “đứng tên” cho phát ngôn của mình nhưng những nhà quản lý và GV mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều có cùng nhận định: “Chúng tôi không phủ nhận những ưu điểm nhất định của mô hình trường học mới, nhưng thực sự nó có quá nhiều điểm không phù hợp với điều kiện giáo dục ở địa phương. Bên cạnh đó, nói là thí điểm, nhưng cách triển khai quá nóng vội, máy móc, thiếu khoa học nên chưa mang lại hiệu quả, tạo phản ứng ngược chiều ngay cả trong nội bộ ngành”.

Hiệu trưởng một trường học phân tích: Việc áp dụng mô hình VNEN ở Hà Tĩnh theo nguyên mẫu của Colombia là rất cứng nhắc vì cơ sở vật chất, điều kiện giáo dục của họ có nhiều điểm không phù hợp với chúng ta. Một ví dụ nhỏ như chức danh “chủ tịch hội đồng tự quản” là xuất phát từ tình trạng thiếu GV và phải học lớp ghép nên cần có sự tự quản của HS nước họ, nó không ăn nhập với điều kiện giáo dục của chúng ta và rất xa lạ với những tên gọi thân thuộc, truyền thống của Việt Nam.

Cũng theo tiếng nói người trong cuộc, ưu điểm lớn nhất của VNEN chính là đổi mới phương pháp dạy, học theo hướng nâng cao sự năng động của GV, lấy HS làm trung tâm của mỗi tiết học, từ đó, giúp các em chủ động, tự tin hơn. Tuy nhiên, ứng dụng một phương pháp không có nghĩa là bê nguyên một mô hình có nhiều bất cập vào thực hiện một cách nóng vội, với những chi phí phát sinh không hề nhỏ đổ lên đầu các nhà trường và phụ huynh HS.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi về việc có nên tiếp tục mô hình VNEN, một số cán bộ quản lý giáo dục đã phân tích: Quốc hội đã thông qua việc thay sách giáo khoa vào năm học 2018-2019. Theo thông tin bước đầu, bộ sách giáo khoa mới đã có sự tích hợp những ưu điểm của mô hình trường học mới VNEN theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học. Như vậy, chúng ta chỉ còn 2 năm học nữa là sẽ từng bước tiến hành thay sách giáo khoa ở cả 3 cấp học gắn với đổi mới chương trình giáo dục - đào tạo. Bởi vậy, trong khoảng thời gian ngắn như vậy nên thực hiện dạy học theo chương trình hiện hành gắn với đổi mới phương pháp một cách phù hợp, chứ không nêu thí điểm mô hình mới để tránh sự xáo trộn, tốn kém không cần thiết.

Mô hình VNEN sẽ được thực hiện như thế nào trong thời gian tới? Kết luận cuối cùng còn phải chờ những nhận định khách quan, khoa học của Hội đồng đánh giá kết quả về mô hình trường học mới. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, đáp án của bài toán mang tên VNEN đã được thực tiễn trả lời.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói