Tư lệnh ngành TN&MT Hà Tĩnh trả lời nhiều câu hỏi bức thiết

(Baohatinh.vn) - Trả lời các câu hỏi bức thiết liên quan đến ngành, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Huấn đã giải đáp thẳng thắn các nội dung.

Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII vào chiều 13/7, Giám đốc Sở TN&MT Lê Ngọc Huấn đăng đàn trả lời các nhóm nội dung thuộc ngành.

Tư lệnh ngành TN&MT Hà Tĩnh trả lời nhiều câu hỏi bức thiết

Giám đốc Sở TN&MT Lê Ngọc Huấn trả lời chất vấn.

Trước câu hỏi về giải pháp khắc phục tình trạng một số dự án chậm tiến độ do thiếu nguồn đất, cát san lấp, Giám đốc Sở TN&MT khẳng định: Thời gian gần đây, Hà Tĩnh tập trung thu hút đầu tư và triển khai thực hiện nhiều công trình, dự án theo Quy hoạch tỉnh; dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam đi qua địa bàn tỉnh, các khu, cụm công nghiệp được tập trung khởi công xây dựng, vì thế, dẫn đến thiếu hụt nguồn đất, cát san lấp.

Liên quan tới nội dung giá mua đất của DN tại mỏ cao hơn giá do UBND tỉnh quy định, ông Lê Ngọc Huấn cho biết: UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng khảo sát và công bố giá trên cơ sở khảo sát. Hiện nay, giá đất san lấp đang công bố ở mức bình quân từ 52.000 đồng - 56.000 đồng/m3 tùy từng địa bàn và loại đất. Do vậy, việc phản ánh giá các doanh nghiêp bán vật liệu đất, cát cao hơn giá thông báo là chưa có cơ sở.

“Tư lệnh” ngành TN&MT đã đề cập đến giải pháp khắc phục tình trạng này. Theo đó, UBND tỉnh đã giao Sở TN&MT tập trung rà soát, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2023 và các năm tiếp theo bảo đảm đáp ứng nhu cầu thị trường. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra khảo sát về giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để công bố đúng giá thực tế của thị trường bảo đảm theo quy định.

Trước nội dung chất vấn về tình trạng chậm định giá tài sản trên đất và phương án sử dụng đất của các sở, ngành cũng như Trung tâm Phát triển quỹ đất, Giám đốc Sở TN&MT đã phân tích rõ các nguyên nhân; đồng thời, nhấn mạnh các giải pháp tháo gỡ. Theo đó, UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cho các sở, ngành liên quan tập trung xử lý dứt điểm đối với các khu đất chưa hoàn thành việc đánh giá, xử lý tài sản; tham mưu thẩm định, xử lý các hồ sơ đã trình nhằm rút ngắn thời gian để đưa đất vào sử dụng.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT đã chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, lập phương án sử dụng đất, triển khai tổ chức bán đấu giá ngay sau khi được UBND tỉnh phê duyệt giá đất cụ thể và phương án đấu giá; đẩy nhanh tiến độ xác định giá đất cụ thể để làm giá khởi điểm đấu giá đất.

Giám đốc Sở TN&MT cũng đã làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp tháo gỡ tình trạng chậm ban hành quy định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung quy định chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; việc giao, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau chuyển đổi, tập trung, tích tụ còn khó khăn; vướng mắc trong quy trình, thủ tục cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân thông qua đấu giá, không thông qua đấu giá.

Chất vấn tại hội trường, đại biểu Thái Sinh đặt câu hỏi: Đề án xử lý rác thải giai đoạn 2020-2030 đã được xây dựng hơn 3 năm nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt để làm cơ sở thực hiện trong khi vấn đề xử lý rác thải còn khó khăn, phức tạp gây khó khăn bức xúc cho cử tri. Đại biểu có thể cho biết các nguyên nhân chậm hành đề án và các giải pháp tình thế khi chưa ban hành được đề án để xử lý vấn đề trước mắt?

Tư lệnh ngành TN&MT Hà Tĩnh trả lời nhiều câu hỏi bức thiết

Đại biểu Thái Sinh - Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đặt câu hỏi về chậm ban hành Đề án xử lý rác sinh hoạt giai đoạn 2020 - 2030.

Trả lời nội dung đại biểu nêu, người đứng đầu ngành Sở TN&MT cho biết: Đến nay, Sở TN&MT đã trình UBND tỉnh để ban hành đề án xử lý rác thải giai đoạn 2020-2030. Tuy nhiên, vì một số lý do, trong đó có vấn đề liên quan đến việc Nhà máy Xử lý rác thải tại xã Hồng Lộc (Lộc Hà) đã được điều chỉnh chủ trương đầu tư thành nhà máy xử lý rác thải gắn với phát điện, dẫn tới nhiều lần thay đổi nhà đầu tư.

Trong khi đó, theo tính toán, lượng rác trên thực tế để cung cấp cho nhà máy này chưa đảm bảo đủ công suất thiết kế. Do vậy, để cam kết với nhà đầu tư, cần thêm số lượng rác thải từ các địa bàn khác.

Đặt câu hỏi chất vấn tư lệnh ngành TN&MT, đại biểu Trần Thị Hoa - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Văn (tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại Thạch Hà) đề nghị người đứng đầu ngành cho biết: Tình trạng cấp đất sai thẩm quyền đã xảy ra và kéo dài nhiều năm nay, vậy trách nhiệm thuộc về ai? Đối với các trường hợp cấp đất sai thẩm quyền hiện chưa được xử lý thì hướng khắc phục như thế nào?

Tư lệnh ngành TN&MT Hà Tĩnh trả lời nhiều câu hỏi bức thiết

Đại biểu Trần Thị Hoa (Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại Thạch Hà) đặt câu hỏi chất vấn.

Trả lời nội dung đại biểu Trần Thị Hoa chất vấn, Giám đốc Sở TN&MT Lê Ngọc Huấn cho biết, UBND cấp xã là đơn vị cấp đất sai thẩm quyền, vì vậy, chịu trách nhiệm về sai phạm trong nội dung này trước hết là Chủ tịch UBND cấp xã, tiếp đó là cấp ủy, chính quyền cấp xã.

Để tháo gỡ khó khăn, năm 2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2005/QĐ-UBND về việc ban hành quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân được giao đất làm nhà ở sai thẩm quyền.

Đối với các trường hợp cấp đất sai thẩm quyền chưa được xử lý, ông Lê Ngọc Huấn dẫn một số quy định chi tiết và khẳng định, các trường hợp cấp đất sai thẩm quyền chưa được xử lý do không đủ tiêu chuẩn, điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII, sáng mai (14/7), Giám đốc Sở TN&MT tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn các câu hỏi của đại biểu.

Chủ đề Họp HĐND tỉnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast