Từ nay đến cuối năm xuất hiện 5-7 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện tượng ENSO tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina khoảng 80-90%, nguy cơ mưa bão dồn dập những tháng cuối năm, đặc biệt là tại miền Trung.

(Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)
(Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Theo cơ quan dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm 2024, ENSO (bao gồm hiện tượng En Nino và La Nina) sẽ chuyển sang trạng thái La Nina gây nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm.

Thông tin cụ thể tình hình thời tiết thời gian tới, Phó Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Hữu Thành cho biết khoảng ngày 13-14/7, nắng nóng sẽ chấm dứt ở Bắc Bộ và Trung Bộ.

Tuy nhiên, trong những ngày cuối tháng Bảy, nắng nóng tại Bắc Bộ có xu hướng gia tăng và kéo dài đến tháng Tám với khoảng 3-4 đợt, kéo dài 2-4 ngày/đợt.

Tại Trung Bộ, nắng nóng còn xảy ra đến tháng Chín, tập trung chính trong tháng Bảy, tháng Tám năm2024 với khoảng 4-6 đợt, kéo dài 2-4 ngày/đợt.

Hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình cùng thời kỳ. Nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn từ 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Về tình hình mưa lũ, tổng lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ trong tháng Bảy, tháng Tám phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm; tháng Chín phổ biến cao hơn 10-20%, riêng khu vực Tây Bắc thấp hơn 5-10% so với trung bình nhiều năm.

Tổng lượng mưa từ tháng tháng Bảy đến tháng Chín ở khu vực Trung Bộ phổ biến ở mức cao hơn 10-30% so với trung bình nhiều năm, riêng khu vực Bắc Trung Bộ trong tháng Tám phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tổng lượng mưa phổ biến ở mức cao hơn từ 5-15% so với trung bình nhiều năm.

"Các khu vực trên cả nước tiếp tục có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét và gió giật mạnh," ông Nguyễn Hữu Thành lưu ý.

Bên cạnh đó, từ tháng Bảy đến tháng Chín là thời kỳ hoạt động của gió mùa Tây Nam, do đó, độ cao sóng khu vực ngoài khơi Trung Bộ, trên khu vực Biển Đông (bao gồm khu vực Hoàng Sa) ở khoảng 2-4m, biển động.

(Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)
(Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

Trong thời kỳ này, ven biển Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ cần đề phòng sóng lớn kết hợp với nước dâng trong bão và áp thấp nhiệt đới, nguy cơ cao gây sạt lở bờ sông, bờ biển.

Ven biển Đông Nam Bộ từ nay đến hết tháng Chín có khả năng xuất hiện các đợt triều cường. Tuy nhiên, khu vực này không chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc nên nguy cơ ngập úng ở vùng trũng, thấp, khu vực ngoài đê bao ở mức thấp.

Mực nước tại trạm Vũng Tàu trong các đợt triều cường dự kiến dưới 4,1m. Đối với vùng ven biển Tây Nam Bộ, khoảng từ cuối tháng Bảy và tháng Tám xuất hiện triều cường kết hợp sóng lớn do gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, do đó, cần đề phòng mực nước biển dâng cao bất thường gây sạt lở đê biển.

Nhận định về xu thế thời tiết từ nay đến cuối năm 2024, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho rằng hiện tượng ENSO tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina với xác suất khoảng 80-90%, nguy cơ mưa bão dồn dập trong những tháng cuối năm, đặc biệt là khu vực miền Trung.

Nguy cơ mưa bão dồn dập trong những tháng cuối năm, đặc biệt là khu vực miền Trung. (Ảnh minh họa: Công Thử/TTXVN)
Nguy cơ mưa bão dồn dập trong những tháng cuối năm, đặc biệt là khu vực miền Trung. (Ảnh minh họa: Công Thử/TTXVN)

Từ nay đến cuối năm xuất hiện từ 10-12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Bắc Biển Đông, trong đó có khoảng 5-7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam; không loại trừ khả năng xuất hiện những cơn bão mạnh trên Biển Đông.

Khu vực ven biển Bắc Bộ và Trung Bộ cần tiếp tục đề phòng sóng lớn kết hợp với nước dâng trong bão và áp thấp nhiệt đới.

Từ tháng 10-12, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, riêng khu vực Bắc Bộ trong tháng 10/2024 nhiệt độ trung bình cao hơn khoảng 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Để ứng phó với các hình thái thời tiết nguy hiểm trên, các chuyên gia khí tượng thủy văn khuyến cáo, người dân cần phải thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo trên Website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tại địa chỉ nchmf.gov.vn, các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố và khu vực và cập nhật thường xuyên thông tin dự báo khí tượng thủy văn mới nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương để chủ động ứng phó.

Chính quyền và các đơn vị chức năng cần cung cấp nhanh, kịp thời thông tin dự báo thiên tai cho người dân, tuyên truyền cũng như thực hiện lệnh cấm tuyệt đối người dân hoạt động tại các khu vực có nguy cơ rủi ro cao dễ xảy ra dông, lốc, sét, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất...

Người dân cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn công tác ứng phó, phòng tránh thiên tai của chính quyền địa phương./.

vietnamplus.vn

Đọc thêm

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công điện điện: UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam về việc ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông.
Thông tin mới nhất về bão USAGI

Thông tin mới nhất về bão USAGI

Tin mới nhất về bão USAGI, hiện đang ở gần Nam Đài Loan, sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn, nguy cơ cao với tàu thuyền. Biển động rất mạnh.
Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.