Tuyên án các bị cáo liên quan đến Dự án bò Bình Hà

(Baohatinh.vn) - Sau quá trình nghị án kéo dài, chiều 23/11, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã tuyên án các bị cáo trong vụ án liên quan đến Dự án bò Bình Hà.

Ngày 23/11, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Hà Tĩnh đã tuyên án chung thân đối với Đinh Văn Dũng (SN 1965, trú tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) - nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; đồng thời, buộc bị cáo phải bồi thường dân sự 150,8 tỷ đồng cho BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh.

Cũng với tội danh nói trên, đồng phạm của Dũng là bị cáo Nguyễn Xuân Lương (SN 1974, trú phường Thạch Linh, TP. Hà Tĩnh) nhận mức 15 năm tù giam.

Trước đó, tại phiên xử sơ thẩm trong 2 ngày 16 và 17/11/2021, Hội đồng xét xử (HĐXX) và đại diện viện kiểm sát đã tiến hành xét hỏi để làm rõ hành vi, vai trò của các bị cáo trong vụ án.

Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên án các bị cáo trong vụ án liên quan đến Dự án bò Bình Hà vào chiều 23/11.

Vào các ngày 16 và 17/11/2021, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã mở phiên xét xử sơ thẩm các bị cáo Đinh Văn Dũng (SN 1965, trú tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) - nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà (sau đây viết tắt là: Công ty Bình Hà) và Nguyễn Xuân Lương (SN 1974, trú phường Thạch Linh, TP. Hà Tĩnh) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bị cáo Đinh Văn Dũng...

Tại phần thẩm vấn và tranh tụng, Đinh Văn Dũng cho rằng tội danh viện kiểm sát truy tố bị cáo như cáo trạng là không đúng; bị cáo bị oan, bị cáo không có hành vi gian dối và không có mục đích chiếm đoạt tiền của ngân hàng.

Đinh Văn Dũng đề nghị HĐXX xem xét vụ án một cách khách quan, toàn diện để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo.

Về phần mình, Nguyễn Xuân Lương khẳng định mình không giúp sức cho Dũng chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Việc trích phần trăm lại cho Dũng chỉ là thỏa thuận dân sự vì qua tính toán, bị cáo thấy có lợi nhuận và có công ăn việc làm nên đã đồng ý. Bị cáo chỉ làm theo hợp đồng, không quan tâm nguồn tiền chủ đầu tư lấy từ đâu và khoản tiền trích lại sử dụng vào mục đích gì.

...và bị cáo Nguyễn Xuân Lương tại phiên tuyên án vào chiều 23/11.

Luật sư bào chữa cho Đinh Văn Dũng phân tích: Trước khi ngân hàng BIDV phê duyệt tài trợ tín dụng cho Công ty Bình Hà đã có sự thẩm định kỹ càng nên không có căn cứ để quy kết Đinh Văn Dũng có hành vi gian dối với mục đích để ngân hàng tin tưởng phê duyệt tài trợ tín dụng. Luật sư đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung để xác định lại hành vi gian dối, hành vi chiếm đoạt và thiệt hại trong vụ án.

Về vấn đề này, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Nguyễn Xuân Lương hoàn toàn đồng ý với luật sư bào chữa cho Đinh Văn Dũng. Đồng thời, đề nghị HĐXX xem xét toàn bộ nội dung vụ án để xét xử đúng người, đúng tội bởi giữa Lương và Dũng là mối quan hệ giữa doanh nghiệp tư nhân và chủ đầu tư, việc trích phần trăm mang tính chất thỏa thuận dân sự.

Tại phiên xử, đại diện BIDV Việt Nam yêu cầu Đinh Văn Dũng phải bồi thường cho ngân hàng số tiền 150,8 tỷ đồng (tổng 155,8 tỷ đồng, trừ 5 tỷ đồng Dũng đã tự nguyện khắc phục hậu quả trong quá trình điều tra, còn lại 150,8 tỷ đồng); kê biên toàn bộ cổ phần của Dũng tại Công ty Bình Hà để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường thiệt hại của bị cáo.

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ các tài liệu đã được thẩm tra, tranh luận tại phiên xử, trong buổi tuyên án vào chiều 23/11, HĐXX đã đưa ra các lập luận để phân tích về tội danh; đánh giá tính chất, mức độ phạm tội; vị trí, vai trò và mức hình phạt đối với từng bị cáo.

Chủ tọa phiên tòa tuyên án đối với các bị cáo.

Theo đó, trong thời gian từ tháng 4/2015 đến tháng 12/2016, Đinh Văn Dũng đã nhận lại tổng số tiền 201,8 tỷ đồng từ các nhà thầu trích từ tiền giải ngân thực hiện 40 hợp đồng thi công dự án của Công ty Bình Hà. Trong đó, có 46 tỷ đồng là số tiền được Ngân hàng BIDV giải ngân từ tài khoản tiền gửi của Công ty Bình Hà và 155,8 tỷ đồng được Ngân hàng BIDV giải ngân từ tài khoản tiền vay của Công ty Bình Hà.

Như vậy, Đinh Văn Dũng đã chiếm đoạt của Ngân hàng BIDV với tổng số tiền 155,8 tỷ đồng. Số tiền này, Đinh Văn Dũng đã sử dụng để góp vốn chứng minh vốn tự có của mình và 2 cổ đông còn lại.

Bị cáo Nguyễn Xuân Lương với chức danh là Giám đốc Công ty Tân Đại Việt, nhận thức được khi ký hợp đồng phải thực hiện đúng các nội dung đã giao kết, việc trích lại 20% là vi phạm hợp đồng và sai quy định của pháp luật.

Bị cáo nhận thức được nguồn tiền BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh cho Công ty Bình Hà vay là để xây dựng cơ bản dự án nhưng để được nhận, ký kết các hợp đồng thi công, bị cáo đã thỏa thuận để Dũng thu lại số tiền 20% giá trị các hợp đồng. Việc Dũng yêu cầu bị cáo lập khống hồ sơ thanh toán thực chất để BIDV giải ngân tiền thực hiện hợp đồng cho các nhà thầu và bị cáo thu lại để chuyển cho Dũng.

Về ý kiến của các luật sư bào chữa cho 2 bị cáo, HĐXX cho rằng, số tiền vay BIDV giải ngân lẽ ra phải được đưa vào xây dựng, thi công các công trình của Dự án chăn nuôi bò Bình Hà theo luật định và theo thỏa thuận của các bên nhưng thực tế Đinh Văn Dũng đã trao đổi với các nhà thầu, cùng sự giúp sức của Nguyễn Xuân Lương để gian dối tạo lập hợp đồng thi công, tạo lập khối lượng thi công để được BIDV giải ngân. Sau đó dùng chính số tiền giải ngân này để góp thành vốn tự có của Công ty Bình Hà và các cổ đông nhằm chứng minh năng lực tài chính của công ty cũng như các cổ đông sáng lập.

HĐXX khẳng định, từ lời khai của Nguyễn Xuân Lương, có sơ sở chứng minh bị cáo đã giúp sức cho Dũng bởi lẽ 20% nguồn tiền được BIDV giải ngân tạm ứng cho công trình được các nhà thầu chuyển lại cho Dũng ngay thời gian sau đó, trong khi công trình còn chưa thi công xong và chưa thể đánh giá là có lợi nhuận hay không. Do vậy, việc bị cáo Lương cho rằng việc trích phần trăm cho Dũng chỉ là thỏa thuận dân sự vì qua tính toán, bị cáo thấy có lợi nhuận và có công ăn việc làm nên đồng ý là mâu thuẫn với thực tế hành vi.

HĐXX nhận định, bằng thủ đoạn gian dối, các bị cáo đã chuyển đổi, sử dụng không đúng mục đích dòng tiền từ quá trình giải ngân của BIDV để góp vốn tự có cho cá nhân Đinh Văn Dũng cùng các cổ đông sáng lập. Qua đó, chứng minh năng lực tài chính của công ty cũng như cá nhân các cổ đông để tiếp tục được BIDV giải ngân. Với phần lớn nguồn vốn thực hiện dự án là từ tiền vay của BIDV, toàn bộ tài sản hình thành từ vốn vay là tài sản bảo đảm của BIDV nên hành vi của các bị cáo xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của BIDV.

Hành vi phạm tội của các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, đặc biệt nghiêm trọng; không chỉ xâm phạm đến quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức được pháp luật bảo vệ mà còn gây thiệt hại nặng nề về tài sản đối với BIDV. Chính vì vậy, cần áp dụng mức hình phạt nghiêm minh tương xứng.

Vì những lẽ trên, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Đinh Văn Dũng mức án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; tổng hợp hình phạt 12 năm tù giam đối với Dũng về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của TAND cấp cao tại Hà Nội; mức án 2 tội danh bị cáo phải chịu là chung thân. Đồng thời, Đinh Văn Dũng có nghĩa vụ bồi thường số tiền còn lại là 150,8 tỷ đồng cho BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh.

Cũng với tội danh nói trên, bị cáo Nguyễn Xuân Lương lĩnh mức án 15 năm tù giam.

Chủ đề Tòa tuyên án

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói