Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh xét xử các bị cáo liên quan đến dự án bò Bình Hà

(Baohatinh.vn) - Tại phiên xử vào sáng 16/11 của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Hội đồng xét xử và đại diện Viện Kiểm sát đã tiến hành xét hỏi để làm rõ hành vi, vai trò của các bị cáo trong vụ án liên quan đến dự án bò Bình Hà.

Sáng 16/11, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Hà Tĩnh mở phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo Đinh Văn Dũng (SN 1965, trú tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) - nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà và Nguyễn Xuân Lương (SN 1974, trú phường Thạch Linh, TP. Hà Tĩnh) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh xét xử các bị cáo liên quan đến dự án bò Bình Hà

Toàn cảnh phiên xét xử sáng 16/11 tại Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.

Theo cáo trạng được đại diện Viện Kiểm sát công bố tại phiên xử, Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà (Công ty Bình Hà) có địa chỉ tại xã Cẩm Quan (huyện Cẩm Xuyên) được thành lập vào tháng 4/2015 với số vốn điều lệ 200 tỷ đồng, do 3 cổ đông sáng lập, gồm: Đinh Văn Dũng góp 45%; Thái Thành Vinh (SN 1985, trú quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) góp 30%; Trần Anh Quang (SN 1982, trú TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) góp 25%.

Hội đồng quản trị đã bầu ông Đinh Văn Dũng giữ chức Tổng Giám đốc kiêm chủ tài khoản của công ty; mời ông Nguyễn Gia Thiều (không tham gia góp vốn) giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh xét xử các bị cáo liên quan đến dự án bò Bình Hà

Đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Theo điều lệ của công ty và quyết định bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc cũng như các biên bản đại hội cổ đông đều giao Đinh Văn Dũng toàn quyền điều hành, quyết định mọi hoạt động khảo sát, xây dựng, kinh doanh sản xuất; toàn quyền quản lý, sử dụng nguồn tiền do các cổ đông góp vốn; là người đại diện pháp luật để thực hiện các giao dịch tín dụng với ngân hàng, quản lý, sử dụng vốn vay theo đúng quy định; chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Quá trình điều hành, là người đại diện Công ty Bình Hà ký các hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp với Ngân hàng BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh nên Đinh Văn Dũng biết được các điều khoản, quyền và nghĩa vụ của Công ty Bình Hà khi ký các hợp đồng nói trên, trong đó có nội dung “Toàn bộ tài sản hình thành sau giải ngân để Công ty Bình Hà thực hiện dự án là tài sản thế chấp tại Ngân hàng BIDV, Công ty Bình Hà chỉ có quyền sử dụng, không có quyền định đoạt đối với tài sản này và điều kiện để Ngân hàng BIDV giải ngân vốn vay là các cổ đông phải có vốn đối ứng và phải góp đủ số tiền 110 tỷ đồng thì Ngân hàng BIDV mới giải ngân vốn vay”.

Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh xét xử các bị cáo liên quan đến dự án bò Bình Hà

Bị cáo Đinh Văn Dũng (SN 1965, trú tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) - nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà trong phần xét hỏi.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng cơ bản dự án chăn nuôi bò giống, bò thịt của Công ty Bình Hà, Đinh Văn Dũng đã thực hiện các thủ đoạn gian dối như: Kê khai 6 danh mục tài sản chứng minh vốn tự có nhằm mục đích để Ngân hàng BIDV tin tưởng vào năng lực tài chính của Dũng sau khi phê duyệt tài trợ tín dụng cho Công ty Bình Hà; dùng tiền góp vốn của cổ đông chuyển cho Công ty Hoàng Anh Gia Lai 41 tỷ đồng, sau đó mượn lại số tiền này để góp vốn chứng minh vốn tự có của Đinh Văn Dũng; thông đồng với Nguyễn Xuân Lương - Giám đốc Công ty Tân Đại Việt trước khi ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng BIDV; thỏa thuận với 3 nhà thầu tại Hà Nội về việc trích lại khoảng 20% giá trị các hợp đồng xây lắp, hợp đồng kinh tế và lập hồ sơ thanh quyết toán theo yêu cầu, đơn giá và khối lượng các hạng mục do Đinh Văn Dũng đưa ra hoặc Dũng yêu cầu không thực hiện việc thi công đúng thiết kế dự toán theo hợp đồng mà lập khống hồ sơ.

Trên cơ sở đó, Đinh Văn Dũng đã chỉ đạo lập hồ sơ đề nghị Ngân hàng BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh giải ngân tạm ứng 50% giá trị hợp đồng vào tài khoản của các nhà thầu để các nhà thầu chuyển lại ngay cho Công ty Bình Hà 20% tổng giá trị hợp đồng.

Sau đó, Đinh Văn Dũng chỉ đạo sử dụng số tiền này góp vốn vào Công ty Bình Hà dưới danh nghĩa cá nhân cổ đông Đinh Văn Dũng, Trần Anh Quang và Thái Thành Vinh. Qua đó, gian dối chứng minh vốn đối ứng để Ngân hàng BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh thực hiện việc giải ngân cho Công ty Bình Hà vay thực hiện dự án.

Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh xét xử các bị cáo liên quan đến dự án bò Bình Hà

Các luật sư bào chữa cho bị cáo có mặt tại phiên xử.

Bằng thủ đoạn gian dối như trên, trong khoảng thời gian từ tháng 4/2015 đến tháng 12/2016, Đinh Văn Dũng đã nhận lại tổng số 201,8 tỷ đồng được các nhà thầu (Công ty Tân Đại Việt và các nhà thầu giới thiệu, Công ty Hantechco, Công ty Dũng Đạt và Công ty Hoàng Anh Việt Nam) trích từ tiền giải ngân thực hiện 40 hợp đồng thi công dự án Công ty Bình Hà, trong đó có 46 tỷ đồng là số tiền được Ngân hàng BIDV giải ngân từ tài khoản tiền gửi của Công ty Bình Hà và có 155,8 tỷ đồng được Ngân hàng BIDV giải ngân từ tài khoản tiền vay của Công ty Bình Hà.

Như vậy, Đinh Văn Dũng đã chiếm đoạt của Ngân hàng BIDV với tổng số tiền 155,8 tỷ đồng. Số tiền này, Đinh Văn Dũng đã sử dụng để góp vốn chứng minh vốn tự có của mình là 72,5 tỷ đồng và góp vốn cho 2 cổ đông còn lại Trần Anh Quang 32,32 tỷ đồng và Thái Thành Vinh 50,98 tỷ đồng.

Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh xét xử các bị cáo liên quan đến dự án bò Bình Hà

Bị cáo Nguyễn Xuân Lương (SN 1974, trú phường Thạch Linh, TP. Hà Tĩnh).

Đối với Nguyễn Xuân Lương - Giám đốc Công ty Tân Đại Việt, vì mục đích muốn được nhận, ký kết các hợp đồng thi công của dự án, mặc dù nhận thức được nguồn tiền Ngân hàng BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh cho Công ty Bình Hà vay để xây dựng cơ bản của dự án, việc thỏa thuận với Đinh Văn Dũng thu lại số tiền 20% giá trị các hợp đồng sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình nhưng vẫn đồng ý thực hiện việc trích lại tiền từ các hợp đồng bằng cách thi công không đúng thiết kế dự toán hoặc lập khống hồ sơ, giúp Đinh Văn Dũng chiếm đoạt 84 tỷ đồng của Ngân hàng BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh.

Trong vụ án này, các cơ quan tố tụng xác định, Đinh Văn Dũng là người chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện hành vi phạm tội, Nguyễn Xuân Lương là đồng phạm với vai trò là người giúp sức.

Tại phiên xét xử vào sáng 16/11, Hội đồng xét xử và đại diện Viện Kiểm sát đã tiến hành xét hỏi để làm rõ hành vi, vai trò của các bị cáo trong vụ án.

Dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra trong 2 ngày (16 và 17/11). Chiều nay, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi.

Chủ đề Tòa tuyên án

Đọc thêm

Hứa… không giữ lời hứa!

Hứa… không giữ lời hứa!

Lừa góp vốn đầu tư làm ăn rồi chiếm đoạt của một bị hại ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) số tiền 1,6 tỷ đồng, nhưng bị cáo Nguyễn Đức Hứa (trú tỉnh Bình Dương) vẫn quanh co chối tội.
Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Nhiệm kỳ qua, Hội Luật gia Hà Tĩnh đã phát huy trí tuệ, trách nhiệm trong việc tích cực tham gia xây dựng chính sách pháp luật; góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
“Phông bạt” để lừa đảo

“Phông bạt” để lừa đảo

Không có chức quyền trong xã hội nhưng Tô Thị Vĩnh vẫn “phông bạt”, tự tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo để lừa đảo, kết cục là bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên 18 năm tù giam.
Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Chiều tối 5/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự Hội nghị tổng kết nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong cả nước kỳ 2019 - 2023 và công bố Bộ pháp điển Việt Nam.
Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Lãnh đạo Ban ATGT tỉnh và các địa phương chia sẻ với những mất mát của các gia đình nạn nhân TNGT ở Can Lộc, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê (Hà Tĩnh) và động viên họ sớm vượt qua nỗi đau.