Ngày 24-8, Đức khánh thành tuyến đường sắt chạy bằng hydro đầu tiên trên thế giới - Ảnh: Al Jazeera.
Một đội gồm 14 tàu do tập đoàn công nghiệp khổng lồ Alstom của Pháp cung cấp cho bang Lower Saxony của Đức sẽ thay thế các đầu máy diesel trên 100 km đường ray nối các thành phố Cuxhaven, Bremerhaven, Bremervoerde và Buxtehude gần Hamburg.
Tàu chạy bằng hydro đã trở thành một phương thức đầy hứa hẹn để “xanh hóa” ngành đường sắt, thay thế dầu diesel vốn vẫn cung cấp năng lượng cho 20% hành trình di chuyển ở Đức.
Được quảng cáo là phương thức vận tải “không phát thải”, các đoàn tàu trộn hydro trên tàu với oxy trong không khí nhờ pin nhiên liệu được lắp trên nóc, tạo ra điện năng cần thiết để kéo tàu.
Các đoàn tàu của Alstom - gọi là Coradia iLint, thiết kế ở Pháp và lắp ráp ở Đức - được xem là “kẻ tiên phong” trong lĩnh vực này.
Trong tương lai, chỉ riêng ở Đức, “khoảng 2.500 - 3.000 đoàn tàu diesel có thể được thay thế bằng các tàu chạy hydro”, Schrank ước tính. Theo Alstom, chỉ riêng dự án trên đã thu hút vài chục triệu euro đầu tư và tạo việc làm cho 80 lao động ở hai nước.
Công nghệ hydro được xem là phù hợp với những chuyến tàu ngắn, khi quá trình chuyển sang động cơ điện khá tốn kém.
Thay thế đường sắt chạy bằng nhiên liệu hóa thạch là một công trình tốn kém - Ảnh: New Atlas.
Tuy nhiên, bất chấp những triển vọng hấp dẫn, có những rào cản thực sự đối với sự mở rộng đường sắt chạy bằng hydro. Dù ít tốn kém hơn so với động cơ điện thường thấy, nhưng công nghệ mới vẫn cần khoản đầu tư khổng lồ. Chẳng hạn, Đức đã tung ra kế hoạch chi 7 tỉ euro từ năm 2020.
Chưa kể, quá trình sản xuất hydro không hoàn toàn xanh, mà phần lớn vẫn là sản phẩm từ quá trình chuyển hóa nhiên liệu hóa thạch. Trong khi đó, sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga cũng đặt ra những thách thức lớn.
“Các nhà lãnh đạo sẽ phải quyết định ưu tiên điều gì khi xác định việc sản xuất hydro sẽ đến mức nào”, Alexandre Charpentier, chuyên gia đường sắt tại Công ty tư vấn Roland Berger, nói với AFP.