Tuyển sinh 2017: Những lưu ý với thí sinh, nhà trường

Công tác tuyển sinh năm 2017 tiếp tục kế thừa các kết quả đạt được từ năm 2016, đồng thời tiếp tục hoàn thiện nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thí sinh. Những lưu ý về công tác tuyển sinh năm nay được bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) trao đổi với Báo GD&TĐ.

tuyen sinh 2017 nhung luu y voi thi sinh nha truong

PV: - Thí sinh cần lưu ý những gì khi xét tuyển vào ĐH, CĐ sau khi có điểm thi THPT quốc gia?

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển một lần duy nhất (trong khoảng thời gian từ 15 - 21/23 tháng 7). Việc điều chỉnh sau khi có kết quả thi tạo điều kiện cho thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển và chọn được ngành học phù hợp với nguyện vọng và khả năng của bản thân, phù hợp với kết quả thi. Có hai phương thức điều chỉnh nguyện vọng là điều chỉnh trực tuyến hoặc bằng phiếu điều chỉnh nguyện vọng nộp trực tiếp tại các điểm tiếp nhận hồ sơ - nơi các thí sinh đăng ký dự thi (ĐKDT).

Nếu thí sinh chỉ điều chỉnh nội dung đăng ký, thứ tự nguyện vọng mà không tăng số lượng nguyện vọng so với số nguyện vọng đã đăng ký thì nên sử dụng phương thức điều chỉnh trực tuyến để chủ động trong việc điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển.

Nếu trong nội dung điều chỉnh của thí sinh có tăng số lượng nguyện vọng so với số nguyện vọng đã đăng kí (bao gồm việc chỉ điều chỉnh tăng số lượng nguyện vọng và các điều chỉnh khác về nội dung đăng ký, thứ tự nguyện vọng) thì phải sử dụng phương thức điều chỉnh bằng phiếu điều chỉnh nguyện vọng và nộp lệ phí cho những nguyện vọng đăng ký bổ sung.

Thí sinh nên căn cứ chủ yếu vào năng lực, sở trường, nguyện vọng, kết quả thi của mình so với tương quan chung, điểm của tổ hợp xét tuyển có lợi thế nhất (trong trường hợp thí sinh ĐKDT nhiều môn thi và ngành học xét tuyển nhiều tốt hợp)…; tham khảo mức điểm trúng tuyển hai năm trước của trường đã ĐKXT (trong tương quan với các trường khác có cùng ngành đào tạo)… để điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT. Việc chọn trường phù hợp sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc ĐKXT nhiều trường.

Trong đợt 1 xét tuyển, các thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất (nếu đạt điểm trúng tuyển) trong danh sách nguyện vọng đã đăng ký. Khi đã trúng tuyển 01 nguyện vọng cao nhất trong danh sách thì các nguyện vọng sau sẽ không xét nữa;

Trong các đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh thực hiện quy trình tuyển sinh theo quy định của các trường ĐH, CĐ. Điểm trúng tuyển đợt bổ sung không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1.

Phong phú hệ thống hỗ trợ kỹ thuật trong tuyển sinh và hỗ trợ thí sinh

- Năm 2017 tiếp tục tăng cường ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào công tác tuyển sinh, bà có thể cho biết rõ hơn?

tuyen sinh 2017 nhung luu y voi thi sinh nha truong

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT)

Bộ GD&ĐT đã xây dựng Cổng thông tin Thi tuyển sinh của Bộ GD&ĐT (tại địa chỉ: thituyensinh.vn) và Hệ thống phần mềm công nghệ hỗ trợ thi tuyển sinh, Hệ thống hỗ trợ thí sinh...

Từ 1/4/2017 đến nay, Cổng thông tin Thi tuyển sinh của Bộ GD&ĐT cung cấp các thông tin về: các văn bản chỉ đạo điều hành, đề án tuyển sinh và điều kiện xét tuyển của các trường, thông tin giải đáp thắc mắc; thông tin của các sở GDĐT, các trường ĐH, CĐ hỗ trợ thí sinh; đề thi tham khảo; danh sách các cơ sở đào tạo, chương trình đào tạo đã được kiểm định; cơ sở dữ liệu thống kê nguyện vọng của thí sinh…

Sau khi có kết quả thi, Cổng thông tin Thi tuyển sinh sẽ tiếp tục cung cấp cơ sở dữ liệu về kết quả kỳ thi THPT Quốc gia và các thông tin cần thiết khác theo Quy chế thi THPT Quốc gia và Quy chế tuyển sinh năm 2017.

Ngoài ra còn có hệ thống phần mềm hỗ trợ tuyển sinh bao gồm: phần mềm thống kê nguyện vọng ĐKXT, phần mềm điều chỉnh nguyện vọng, phần mềm xét tuyển, lọc ảo…

Với các phần mềm này, thí sinh (có tài khoản riêng để truy cập hệ thống), các bộ phận tiếp nhận đăng ký xét tuyển (ĐKXT), các trường ĐH, CĐ… có thể tương tác trong việc đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi, xét tuyển, lọc ảo để giảm thiểu lượng thí sinh ảo và việc xét tuyển được khách quan, công khai, minh bạch...

Hệ thống hỗ trợ thí sinh đã và đang được thực hiện đồng bộ thông qua các thông tin cần thiết trên Cổng thông tin Thi tuyển sinh, các bộ phận hỗ trợ trực tiếp thí sinh tại các trường THPT, các điểm tiếp nhận ĐKXT, các sở GDĐT, các trường ĐH, CĐ và Bộ GD&ĐT bằng các phương thức: hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ qua điện thoại, email, qua các phương tiện thông tin…

Giải pháp chống ảo

- Năm nay, công tác xét tuyển được cho là có có lợi cho thí sinh, tuy nhiên một vấn đề nảy sinh là thí sinh ảo. Bộ GD&ĐT giải quyết vấn đề này thế nào?

Với quy định thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng cao nhất trong danh sách nguyện vọng đã đăng ký (nếu đạt điểm trúng tuyển của trường) nên tỷ lệ thí sinh ảo 2017 sẽ thấp hơn so với 2016 (chỉ còn ảo do thí sinh đi học nước ngoài, lựa chọn học trường xét tuyển học bạ, thí sinh trúng tuyển nhưng không học…). Các trường tự chủ xác định điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển, phải chịu trách nhiệm giải trình. Nếu trường xác định danh sách trúng tuyển không sát với thực tế dẫn đến tuyển vượt chỉ tiêu đã đăng ký thì nhà trường và cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm. Những trường tuyển thiếu chỉ tiêu trong đợt 1 có thể tiếp tục xét tuyển các đợt bổ sung.

tuyen sinh 2017 nhung luu y voi thi sinh nha truong

Niềm vui của thí sinh

Năm nay, các trường chủ động khai thác thông tin có liên quan trên Cổng thông tin thi tuyển sinh của Bộ GD&ĐT để biết nhu cầu ĐKXT của thí sinh, dự kiến và quyết định điểm trúng tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển vào trường/nhóm trường. Nhiều trường ĐH, CĐ tự nguyện phối hợp thành nhóm trường để thực hiện xét tuyển; các trường có thể thực hiện nhiều đợt tuyển sinh trong năm, nếu có nhu cầu.

Về mặt pháp lý, tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các trường nên kiểm soát thí sinh ảo là nhu cầu và thuộc trách nhiệm của từng trường.

Về thực tế, tuỳ thuộc vào chất lượng, uy tín, hiệu quả quảng bá… của từng trường mà tỷ lệ ĐKXT của mỗi trường rất khác nhau, tỷ lệ trúng tuyển không nhập học cũng khác nhau. Trong cùng một trường, điều kiện đảm bảo chất lượng, chất lượng thực tế, độ hấp dẫn của từng ngành đào tạo khác nhau nên tỷ lệ ảo trong từng ngành sẽ khác nhau. Vì vậy, kinh nghiệm kiểm soát thí sinh ảo chỉ được hình thành trong từng trường, có thể tham khảo nhưng khó có thể áp dụng kinh nghiệm của trường này cho trường khác; Bộ GDĐT không can thiệp vào quyền tự chủ của các trường trong việc này.

Việc các trường tự nguyện lập nhóm tuyển sinh đề cùng nhau kiểm soát thí sinh ảo đã thể hiện rất rõ trách nhiệm trên.

Để hỗ trợ các trường về thông tin tuyển sinh, Bộ GD&ĐT đã thiết lập Cổng thông tin thi tuyển sinh, xây dựng phần mềm thống kê nguyện vọng ĐKXT, phần mềm điều chỉnh nguyện vọng, phần mềm xét tuyển, lọc ảo… Tuy nhiên, các hỗ trợ này đều mang tính kỹ thuật, không mang tính bắt buộc phải sử dụng. Các trường phải tự kiểm soát tỷ lệ ảo và tự chịu trách nhiệm trong việc tuyển sinh.

- Một trong những giải pháp chống ảo là thực hiện tuyển sinh theo nhóm trường. Bộ GD&ĐT có lưu ý gì với các trường xét tuyển theo nhóm và với thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường thuộc nhóm xét tuyển?

Do thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn nguyện vọng, nguồn ĐKXT của các trường trong cùng một địa bàn liên thông với nhau… nên một số trường đã tự nguyện hình thành nhóm.

Các nhóm cần tự nguyện thống nhất quy chế của nhóm; trong đó, xác định rõ quyền và trách nhiệm của các trường thành viên và trường chủ trì nhóm trong việc hỗ trợ nhau lọc ảo.

Các trường cần lưu ý tính toán việc điều chỉnh danh sách dự kiến trúng tuyển hoặc điểm dự kiến trúng tuyển sau mỗi lần lọc ảo trong nhóm và lọc ảo toàn quốc để đảm bảo danh sách thí sinh chính thức trúng tuyển vào trường sau lần cuối cùng lọc ảo toàn quốc (ngày 30/7/2017) sát với chỉ tiêu tuyển sinh của trường.

Thí sinh ĐKXT vào trường trong nhóm, ngoài nhóm như nhau, không phải lưu ý gì với thí sinh ĐKXT vào trường trong nhóm.

Chế tài hạn chế trường tuyển vượt

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, để hạn chế việc các trường xét tuyển vượt chỉ tiêu, Bộ GD&ĐT đã quy định cách xác định chỉ tiêu để đảm bảo chất lượng trong TT 32/2015/TT-BGDĐT; quy định chế tài đối với các trường và các cá nhân để xảy ra vượt chỉ tiêu tuyển sinh trong Điều 25, Quy chế tuyển sinh và Nghị định 138 về xử phạt hành chính đối với vi phạm trong lĩnh vực giáo dục, trong đó có vi phạm vượt chỉ tiêu.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng có những hỗ trợ kỹ thuật thông qua cảnh báo vượt chỉ tiêu đối với các trường sử dụng phần mềm xét tuyển của Bộ; đồng thời tăng cường tuyên truyền để phòng ngừa chung…

Theo Báo GD&TĐ

Đọc thêm

Học sinh Trí Đức rộn ràng chào xuân mới 2025

Học sinh Trí Đức rộn ràng chào xuân mới 2025

Các hoạt động chào xuân là dịp để các bạn nhỏ Trường Mầm non Trí Đức (TP Hà Tĩnh) được vui chơi, hiểu thêm về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Muôn sắc màu tại Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025

Muôn sắc màu tại Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025

Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025 trưng bày nhiều ấn phẩm báo chí, phản ánh sự sáng tạo và đổi mới trong công tác tuyên truyền của báo chí Hà Tĩnh và cả nước trong kỷ nguyên số.
Quản chứ không cấm dạy thêm, học thêm

Quản chứ không cấm dạy thêm, học thêm

Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư có hiệu lực từ 14/2/2025, với rất nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
Nối những niềm vui trên “cánh đồng” tri thức

Nối những niềm vui trên “cánh đồng” tri thức

Ngành GD&ĐT Hà Tĩnh khép lại năm 2024 với những niềm vui trên “cánh đồng” tri thức. Nỗ lực của thầy và trò đã đơm hoa, kết trái bằng những thành tích ấn tượng trên mỗi sân chơi kiến thức.