Ukraine cảnh báo tác động tiêu cực đối với môi trường do vụ vỡ đập thuỷ điện

Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết nguy cơ tiếp tục rò rỉ thêm 300 tấn dầu nữa ra sông Dnieper, đồng thời cảnh báo khả năng xảy ra hủy diệt sinh thái không chỉ diễn ra ở Ukraine mà ở quy mô khu vực.

Ukraine cảnh báo tác động tiêu cực đối với môi trường do vụ vỡ đập thuỷ điện

Đập thủy điện ở thị trấn Nova Kakhovka, tỉnh Kherson, Ukraine bị vỡ ngày 6/6/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 6/6, giới chức Ukraine thông báo 150 tấn dầu động cơ đã tràn ra sông Dnieper sau vụ vỡ đập thủy điện Kakhovka, miền Nam nước này, đồng thời cảnh báo về tác động tiêu cực đối với môi trường.

Trên mạng xã hội, bà Daria Zarivna, cố vấn truyền thông của Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết 150 tấn dầu động cơ đã tràn xuống sông Dnieper do vụ vỡ đập thủy điện. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo nguy cơ tiếp tục rò rỉ thêm 300 tấn dầu ra sông.

Phía thượng nguồn của đập là hồ chứa nước Kakhovka, chứa khoảng 18 km3 nước, xấp xỉ lượng nước của Hồ Muối lớn tại bang Utah (Mỹ). Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cảnh báo lũ lụt do vỡ đập có nguy cơ gây ra “tác hại lâu dài và không thể đảo ngược” đối với các hệ sinh thái trong khu vực. Theo ông, động vật ở vườn thú Nova Kakhovka đã chết do nước dâng cao và đây mới chỉ là tác hại ban đầu đối với động vật hoang dã ở miền Nam Ukraine. Ông cũng cảnh báo nguy cơ xảy ra sự hủy diệt sinh thái không chỉ ở Ukraine, mà ở quy mô khu vực.

Ngoại trưởng Kuleba kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triệu tập cuộc họp khẩn sau vụ vỡ đập Kakhovka.

Trong khi đó, Ủy ban Điều tra Liên bang Nga, cơ quan chuyên điều tra các tội ác nghiêm trọng, thông báo đã mở cuộc điều tra hình sự nhằm vào vụ phá hoại đập Kakhovka.

Hiện tình trạng khẩn cấp đã được ban bố tại thị trấn Nova Kakhovka, nơi quân đội Nga đang kiểm soát ở tỉnh Kherson của Ukraine, sau vụ vỡ đập thủy điện Kakhovka.

Cả Moskva và Kiev đổ lỗi cho nhau về vụ vỡ đập Kakhovka và đưa ra những thông tin trái chiều về mức độ an toàn của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, cách đập trên khoảng 150 km.

Đập Kakhovka vốn là nơi cung cấp nước làm mát cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Sự cố trên đang làm dấy lên lo ngại một sự cố hạt nhân tại nhà máy điện lớn nhất châu Âu này.

Cùng ngày 6/6, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết cơ quan này hiện chưa thấy nguy cơ mất an toàn hạt nhân, song đang tìm cách thức để cung cấp nước làm mát cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia sau khi đập Kakhovka bị hư hại.

Trong tuyên bố gửi tới Hội đồng thống đốc của IAEA, Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi nêu rõ cơ quan này đang theo dõi chặt chẽ tình hình tại nhà máy Zaporizhzhia, song chưa phát hiện “rủi ro an toàn hạt nhân ngay lập tức”.

Đập Kakhovka hư hại dẫn đến mực nước của hồ chứa giảm 5cm/h. Vào rạng sáng 6/6, mực nước trong hồ chứa vào khoảng 16,4m. Ông Grossi cảnh báo nếu lượng nước này giảm xuống dưới 12,7m, hồ chứa này không thể đủ nước để bơm vào nhà máy, đồng thời cho rằng điều này có thể xảy ra trong vài ngày tới.

Các lò phản ứng của nhà máy đã ngừng hoạt động, nhưng vẫn cần nước làm mát để đảm bảo không xảy ra thảm họa hạt nhân. Ông Grossi cảnh báo việc thiếu nước làm mát trong các hệ thống nước làm mát thiết yếu trong một thời gian dài sẽ khiến nhiên liệu tan chảy và làm gián đoạn hoạt động của các máy phát điện diesel khẩn cấp.

Theo Tổng giám đốc IAEA, các nhân viên nhà máy Zaporizhzhia đang dồn lực để bơm nước vào các kênh nước làm mát và các hệ thống liên quan, trong khi tạm dừng cấp nước cho những hoạt động không thiết yếu của nhà máy. Bên cạnh đó, IAEA cũng đang xác định liệu một hồ nước lớn làm mát gần khu vực trên có thể cung cấp nước làm mát trong vài tháng tới hay không. Hồ nước này được thiết kế trên hồ chứa nước.

Người đứng đầu IAEA nhấn mạnh hồ nước làm mát này cần được bảo toàn, đồng thời kêu gọi các bên đảm bảo hồ nước còn nguyên vẹn. Ông Grossi dự kiến thăm nhà máy Zaporizhzhia vào tuần tới.

Theo Tin tức

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.