Ukraine thừa nhận cạn dần tên lửa phòng không

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine thừa nhận nước này cạn dần tên lửa phòng không thời Liên Xô, hối thúc phương Tây chuyển các tổ hợp thay thế.

“Đất nước phải trụ vững, vì vậy, phòng không là ưu tiên số một. Chúng ta có hệ thống phòng không thời Liên Xô và lượng đạn tên lửa dành cho tổ hợp này đang cạn kiệt. Ukraine không sản xuất loại tên lửa này và nếu không thể lấy chúng từ những quốc gia sở hữu nhiều hơn, chúng ta phải lấp chỗ trống bằng các tổ hợp phòng không phương Tây”, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov nói ngày 27/4.

Ông nói phương Tây đã quyết định loại vũ khí phòng không để chuyển cho Ukraine và giờ “chúng ta cần tăng số lượng các tổ hợp này và lượng đạn cho chúng”.

Bộ trưởng Reznikov cho rằng tiêm kích thế hệ 4++ cũng là một phần của hệ thống phòng không. “Khi chúng tôi sở hữu những tiêm kích này, chúng sẽ lấp những lỗ hổng còn tồn tại trong các hệ thống thời Liên Xô mà chúng tôi đang vận hành”, ông Reznikov nói.

Tổ hợp Buk-M1 của Ukraine. Ảnh: BQP Ukraine

Bộ trưởng Reznikov nói ngoài tiêm kích, Ukraine còn cần phương Tây cung cấp tất cả vũ khí và dịch vụ bảo trì mà loại khí tài này yêu cầu.

Bình luận được ông Reznikov đưa ra sau khi một số tài liệu của Mỹ bị rò rỉ gần đây nhận định phòng không Ukraine “ngày càng bị bào mòn sau hơn một năm chiến sự và không thể ngăn Nga chiếm hoàn toàn ưu thế trên không”.

Một báo cáo ước tính Ukraine có thể cạn đạn tên lửa của các tổ hợp từ thời Liên Xô vào tháng 4-5. Quân đội Mỹ đề xuất bù đắp thiếu hụt bằng cách cung cấp các tổ hợp NASAMS và Patriot do nước này sản xuất cùng Iris-T của Đức cho Ukraine.

Tư lệnh không quân Ukraine Mykola Oleschuk hôm 21/4 đăng ảnh thị sát một bệ phóng tên lửa phòng không tầm xa Patriot, cho biết hệ thống này “đã bắt đầu làm nhiệm vụ chiến đấu trong mạng lưới phòng thủ của Ukraine”.

Nga gần đây sử dụng chiến thuật tìm diệt nhằm dụ phòng không Ukraine lộ diện để tập kích. Theo chiến thuật mới, Nga điều hai tiêm kích thu hút lưới phòng không Ukraine và chiếc thứ ba tung đòn tấn công trận địa.

Chiến thuật này cũng được Nga áp dụng với máy bay không người lái (UAV). Sau khi phòng không Ukraine hạ nhóm UAV Geran-2, loạt máy bay Lancet sẽ xuất hiện và tập kích vị trí của họ.

Giới chuyên gia phương Tây nhận định cạn đạn tên lửa phòng không là “kịch bản thảm họa” đối với Ukraine, khiến họ không thể tiếp tục ngăn chặn tiêm kích, cường kích, UAV và tên lửa hành trình của Nga.

Khi lưới phòng không Ukraine xuất hiện nhiều lỗ hổng vì cạn tên lửa, máy bay quân sự Nga có thể tiếp cận nhiều mục tiêu và không kích bằng vũ khí tầm ngắn, thay vì tên lửa tầm xa với chi phí cao và nguồn cung hạn chế.

Theo VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói