Thời gian qua, bên cạnh đổi mới tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ y tế, đẩy mạnh chuyển đổi số, các cơ sở y tế Hà Tĩnh còn chú trọng phát triển sâu về chuyên môn, qua đó nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị cho người bệnh. Với sự nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Sở Y tế, sự chủ động, linh hoạt của từng cơ sở y tế trong công tác kết nối với tuyến trên, nhiều kỹ thuật mới đã được chuyển giao thành công để nâng cao năng lực cho đội ngũ y, bác sỹ, qua đó mang đến niềm vui lớn cho người dân khi đến thăm khám, điều trị.
Sau khi xuất hiện những cơn đau quằn quại, bà Ngô Thị An (xã Lâm Trung Thủy) nhanh chóng được trạm y tế xã chuyển xuống Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Đức Thọ để điều trị. Qua các xét nghiệm và hình ảnh siêu âm, bác sỹ kết luận bệnh nhân bị sỏi tiết niệu. Nghe vậy, người thân đã nghĩ đến việc đưa bà An xuống Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh để phẫu thuật. Thế nhưng, qua tư vấn của các bác sỹ về phác đồ điều trị, bệnh nhân Ngô Thị An đã quyết định ở lại tuyến huyện và được các bác sỹ Khoa Ngoại của TTYT huyện Đức Thọ phẫu thuật nội soi tán sỏi ngược dòng. Ca phẫu thuật diễn ra thành công trong sự vui mừng của bệnh nhân và người nhà.
Bác sỹ Đoàn Huy Nhiệm - Trưởng khoa Ngoại (TTYT huyện Đức Thọ) cho biết: “Sau quá trình nhận được sự hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên, trung tâm đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật phẫu thuật nội soi tán sỏi ngược dòng. Điều này đánh dấu bước tiến lớn về chuyên môn của đơn vị y tế tuyến huyện và khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm của các y, bác sỹ”.
Tại BVĐK thị xã Kỳ Anh, cùng với chú trọng phát triển các kỹ thuật mới, đơn vị còn chủ động liên kết với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để luân phiên cử bác sỹ về công tác dài hạn. Cách làm sáng tạo và linh hoạt này vừa giúp người dân được thăm khám, điều trị bởi các bác sỹ tuyến Trung ương, vừa giúp đội ngũ y, bác sỹ trong đơn vị nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm chẩn đoán, điều trị.
Bác sỹ Nguyễn Thị Kim Oanh - Giám đốc BVĐK thị xã Kỳ Anh cho hay: “Qua gần 1 năm hợp tác, liên kết với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đến nay, đã có 5 bác sỹ nội trú thuộc các lĩnh vực như: tim mạch, chẩn đoán hình ảnh, nhi khoa, ngoại tiêu hóa về luân phiên công tác tại bệnh viện. Khi mời được các bác sỹ tuyến Trung ương về trực tiếp tham gia hội chẩn tại bệnh viện, chúng tôi đã đưa ra được những kết luận và phác đồ điều trị phù hợp ngay tại chỗ. Toàn thể y, bác sỹ và bà con rất phấn khởi”.
Thời gian qua, BVĐK tỉnh cũng đã có những bước chuyển mạnh mẽ để làm chủ các kỹ thuật chuyên sâu. Đặc biệt, được chuyển giao và làm chủ từ sớm kỹ thuật can thiệp tim mạch, đến nay, các y, bác sỹ BVĐK tỉnh đang phát triển kỹ thuật này ngày một chuyên sâu, đa dạng hơn, qua đó cứu sống được nhiều bệnh nhân khỏi “lưỡi hái tử thần”.
Tháng 8/2024, BVĐK thị xã Kỳ Anh tiếp nhận 1 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt, không đau ngực, huyết áp 90/60 mmHg. Qua kết quả điện tim cho thấy, bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, rung nhĩ. Ngay sau đó, bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn. Sau hơn 50 phút cấp cứu ngừng tuần hoàn liên tục, bệnh nhân có mạch cảnh, mạch bẹn và được chuyển ra BVĐK tỉnh để cấp cứu, điều trị. Các bác sỹ Khoa Tim mạch đã nhanh chóng can thiệp mạch vành ngay trong đêm. Sau đó 1 ngày, bệnh nhân tự thở và dần hồi phục ý thức.
BVĐK tỉnh đã làm chủ hoàn toàn các kỹ thuật chuyên sâu được chuyển giao như: điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới bằng laser nội mạch, điều trị trĩ bằng laser, chụp và can thiệp động mạch vành, động mạch não, phẫu thuật nội soi khớp vai, khớp gối, ổ bụng, sản phụ khoa, phẫu thuật thay khớp gối, khớp háng nhân tạo, đặt máy tạo nhịp tim, MRI 1.5T, chụp cắt lớp vi tính, sinh học phân tử, đo loãng xương bằng phương pháp DEXA… Đặc biệt, BVĐK tỉnh đã đưa Trung tâm Xạ trị vào hoạt động, tạo thuận lợi cho người bệnh ung thư trong quá trình điều trị.
Nhờ sự hỗ trợ từ y tế tuyến trên, y tế cơ sở đã làm chủ các kỹ thuật như: chụp cắt lớp vi tính, chạy thận nhân tạo, phẫu thuật kết hợp xương, chụp cộng hưởng từ, phẫu thuật nội soi ruột thừa, tán sỏi ngược dòng bằng laser, phẫu thuật nội soi sản - phụ khoa, phẫu thuật nội soi cắt túi mật, thoát vị bẹn, cắt u xơ tuyến tiền liệt, điều trị tim mạch, phẫu thuật nội soi cắt tử cung bán phần và toàn phần, điện xung. Một số đơn vị còn triển khai được xét nghiệm sinh học phân tử, tiêu sợi huyết, thay khớp háng, khớp gối, siêu âm điều trị…
Bác sỹ Phạm Hữu Đà - Trưởng khoa Tim mạch (BVĐK tỉnh) cho biết: “Đối với nhồi máu cơ tim, thời gian để cứu chữa rất ngắn. Các bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim nếu không thực hiện can thiệp tim mạch kịp thời mà chuyển lên tuyến Trung ương với quãng đường di chuyển dài thì nguy cơ tử vong rất lớn. Vì vậy, việc làm chủ hoàn toàn kỹ thuật can thiệp tim mạch có ý nghĩa vô cùng to lớn, cứu sống nhiều bệnh nhân nguy kịch”.
Với sự chủ động của các cơ sở y tế, sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sỹ, nhiều kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật mới đã được chuyển giao và làm chủ, nhất là ở tuyến huyện, qua đó nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, hạn chế tối đa tình trạng chuyển tuyến, tạo sự hài lòng cho người bệnh.
Thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục cùng các cơ sở KCB đẩy mạnh các chương trình liên kết, hợp tác về chuyên môn với các bệnh viện tuyến Trung ương. Cùng đó, phát huy hiệu quả các đề án bệnh viện vệ tinh, hội chẩn trực tuyến, KCB từ xa, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nguồn lực để đầu tư trang thiết bị… nhằm nâng cao năng lực KCB cho các đơn vị y tế, nhất là tuyến cơ sở.