Hài kịch thời nay: Tít mù rồi lại tít mù vòng quanh…

Trong khi phim hài vẫn thu tiền đều đều dù chiếu vào bất cứ thời điểm nào trong năm thì kịch hài và tấu hài đang dần mất đi vị trí trên sân khấu.

Những chương trình hài kịch tổng hợp không được tổ chức nhiều như vài năm trước, đổi lại là live show riêng của một vài ngôi sao hài. Và những hình thức chuyển tải khác đã góp phần triệt tiêu các sân khấu chuyên về hài kịch.

Điểm lại thì thấy, không chỉ Hà Nội mà TP.HCM cũng không còn nhiều sân khấu cho hài.

Hội ngộ danh hài đang chiếm sóng giờ vàng trên HTV7 và HN1 vào mỗi tối thứ Bảy hàng tuần

Hội ngộ danh hài đang chiếm sóng giờ vàng trên HTV7 và HN1 vào mỗi tối thứ Bảy hàng tuần

Ở Hà Nội mỗi năm chỉ có hai chương trình hài kịch tạm gọi là lớn và định kỳ: Đời cười của Nhà hát Tuổi trẻ (đã có thâm niên hơn 10 năm) và Xuân phát tài - thường tổ chức vào dịp cuối năm Âm lịch.

Còn tại TP.HCM, nơi vốn là đất của hài kịch với nhiều chương trình hài diễn ra ở khắp các sân khấu lớn nhỏ, tụ điểm ca nhạc, nay không còn một chương trình hài lớn nào được tổ chức mà không gắn với truyền hình.

Đất diễn của các nghệ sĩ hài co cụm lại ở một vài tụ điểm ca nhạc như Trống Đồng, 126 hoặc một số phòng trà như Nam Quang, MTV…

Hài lên truyền hình

Trước đây, ở phía Bắc rộ lên “phong trào” hài kịch và cho ra đời nhiều tên tuổi diễn viên hài vốn chuyển từ chính kịch sang bắt đầu từ khi VTV3phát sóng serie Gặp nhau cuối tuần. Còn ở phía Nam, nơi mà hài kịch, tấu hài rất được ưa chuộng, các tiết mục hài kịch vẫn được đưa vào băng đĩa ca nhạc.

Chính những cột mốc này đã dẫn đến việc hài kịch dần dần được đưa lên truyền hình. Đến nay, hầu như tất cả các kênh truyền hình đều có những chương trình hài được phát sóng cố định hoặc đan xen những tiểu phẩm vào giữa các chương trình. Và những chương trình hài trên truyền hình vẫn là cái rốn thu hút nhiều doanh nghiệp quảng cáo sản phẩm.

Dễ thấy sau ca nhạc, hài kịch vẫn còn rất nhiều tiềm năng với khán giả, kéo theo đó là quảng cáo, là kinh doanh. Bởi vậy, khi ca nhạc trên truyền hình đang dần trở nên bão hòa với nhu cầu của khán giả, những chương trình hài lần lượt được đưa vào sản xuất với chiến lược bài bản.

Trong năm 2013, HTV2 đưa vào sản xuất và phát sóng chương trình Tài tiếu tuyệt định kỳ vào lúc 20h Chủ nhật hàng tuần. Đây là một chương trình quy tụ nhiều nghệ sĩ hài nổi tiếng với những tiểu phẩm hài đề cập đến các vấn đề nóng đang xảy ra trong xã hội.

Và mới nhất, từ 21/12/2013, Công ty Đông Tây Promotion, đơn vị chuyên sản xuất các chương trình truyền hình thực tế, đã dành giờ vàng tối thứ Bảy hàng tuần trên HTV7, HN1 (Đài Truyền hình Hà Nội) và kênh Giải trí TV cho chương trình Hội ngộ danh hài.

Trước đây, khung giờ này vẫn dành cho các cuộc thi “hot” như Thử thách cùng bước nhảy, Tôi là người chiến thắng… Dễ thấy chương trình quy tụ đủ ngôi sao hài nổi tiếng nhất, đắt giá nhất này thu hút quảng cáo chẳng thua kém gì những chương trình thi thố nóng sốt.

Cũng từ lâu, trên truyền hình cáp đã có riêng kênh dành cho hài phát sóng 24/24, chẳng hạn như SCTV1 của truyền hình cáp Saigon Tourist. Kênh này còn phát sóng trực tuyến để khán giả có thể xem một cách chủ động và có lựa chọn.

Dù là truyền hình cáp và phần lớn thời lượng là phát lại những chương trình hài, phim hài đã rất cũ nhưng nó vẫn thu hút được khá nhiều quảng cáo.

Hài vào băng đĩa

Xu hướng làm băng đĩa hài chẳng mới mẻ gì. Ngay từ khi ca nhạc tạp kỹ bắt đầu manh nha, hài đã được tôn làm món ăn không thể thiếu trong bất kỳ mâm cỗ ca nhạc tạp kỹ nào.

Cũng ngay từ thời kỳ đó, giới chuyên làm băng đĩa lậu đã “ngửi” thấy tiềm năng bán đĩa hài và thâu gom đủ các trích đoạn, tiểu phẩm hài ở các băng đĩa ca nhạc, nhào lại rồi đưa ra những “tuyển tập hài” để chào bán.

Vài năm trở lại đây, việc sản xuất, phát hành băng đĩa hài thường nở rộ vào dịp Tết Nguyên đán; cũng phải kể thêm đĩa “không chính danh”, đĩa “xào nấu”, lậu...

Đến các cửa hàng băng đĩa vào thời điểm này, người mua sẽ hoa mày chóng mặt giữa một rừng băng đĩa hài của cả hai miền Bắc - Nam. Không chỉ được sản xuất bởi các công ty phát hành băng đĩa chuyên nghiệp với những chương trình có tính toán về nội dung, hài kịch còn trở thành công cụ quảng cáo sản phẩm của các công ty sản xuất, kinh doanh dịch vụ.

Nếu từng đi xe khách Hoàng Long, bạn sẽ chẳng lạ với việc từ nhiều năm trước, trên xe liên tục phát chương trình hài do chính công ty này đặt viết kịch bản và mời những nghệ sĩ đắt show nhất biểu diễn.

Đương nhiên nội dung của những vở hài này nhằm mục đích quảng cáo cho dịch vụ của họ. Cũng như vậy, đủ các nhãn hàng từ chăn ga gối đệm đến bất động sản cũng tìm cách giới thiệu sản phẩm với khách hàng thông qua băng đĩa hài.

Một nguồn khác của băng đĩa hài là thu hình các buổi biểu diễn để sau đó phát hành băng đĩa, kiếm tiền “nước hai” hoặc trả quyền lợi cho các nhà tài trợ bằng các clip quảng cáo, sự xuất hiện logo trong băng đĩa ghi hình.

Hầu như các chương trình hài kịch lớn đều được các nhà sản xuất sử dụng chiêu thức này. Danh hài Hoài Linh thường xuyên làm live show riêng và tất cả các live show của anh sau đó đều được thu hình, phát hành DVD.

Mới đây, Trấn Thành với live show riêng đầu tiên quy tụ một dàn sao hài cũng tổ chức riêng một buổi tại Nhà hát Quân đội để ghi hình toàn bộ chương trình, phát hành DVD.

Ở Hà Nội có chương trình Xuân phát tài được tổ chức định kỳ vào dịp cuối năm Âm lịch, đến nay đã được 4 lần, thường thuê Trung tâm Hội nghị Quốc gia làm điểm biểu diễn.

Và hầu như năm nào chương trình cũng bán được gần hết vé, lấp gần hết 3.800 ghế ngồi của nhà hát lớn nhất cả nước này với giá vé từ rẻ nhất 300.000 đến hạng VIP 1.800.000 đồng.

Nhà sản xuất ghi hình luôn chương trình để ngay sau đó phát hành DVD ra thị trường băng đĩa. Với lợi thế chỉ cần đầu tư cho sân khấu, âm thanh, ánh sáng với chất lượng làng nhàng, chiếm vốn nhiều nhất chỉ là cát-sê của diễn viên, nghe đâu, công ty sản xuất Xuân phát tài mỗi năm chỉ làm đúng một chương trình này là đủ doanh thu cho cả năm!

Điều đặc biệt, các nhà sản xuất chương trình để phát hành băng đĩa khẳng định họ không ngại vấn đề băng đĩa lậu bởi với tiềm năng thu hút khách hàng quảng cáo thì họ đã thu về cả vốn lẫn lời trước khi phát hành băng đĩa, và lời không ít.

Mặt khác, với những clip quảng cáo đã được cài vào chương trình, việc phát tán rộng rãi của giới sản xuất băng đĩa lậu càng có lợi cho nhà sản xuất!

Đất nào của nghệ sĩ hài?

Thực tế cho thấy dù đất diễn của nghệ sĩ hài trên sân khấu không còn nhiều nhưng lực lượng nghệ sĩ hài luôn luôn hùng hậu và được bổ sung. Trong khi những thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM còn rất ít sân khấu cho hài thì ở các tỉnh, nghệ sĩ vẫn được đón chào.

Vào những dịp cuối năm, nghệ sĩ hài là những người chạy show chóng mặt nhất trong giới nghệ sĩ biểu diễn. Và cũng bắt đầu những hệ lụy không khả quan cho lĩnh vực hài kịch.

Chuyện quảng cáo cắt nát các chương trình hài được phát hành băng đĩa chẳng khác gì trên truyền hình sau một thời gian làm khán giả từ bức xúc chuyển sang chán ngán chấp nhận thì nay đã chuyển sang một hình thái khác.

Mới đây nhất, trong DVD hài riêng của mình - thứ đã trở thành món giải trí không thể thiếu trong dịp Tết của nhiều gia đình ở miền Bắc, nghệ sĩ hài đắt show nhất vùng Xuân Hinh còn không ngại biến chương trình hài riêng của mình thành công cụ quảng cáo cho đủ các nhãn hàng.

Tháng 12/2013, nghệ sĩ Trấn Thành khi làm live show riêng đã được một phen lao đao vì tham vọng đưa hết những người bạn nghề đã gắn bó với mình từ thuở mới tập tọng làm nghề - chủ yếu là các nghệ sĩ chuyên diễn hài đang rất đắt show - lên sân khấu.

Tuần cuối cùng trước khi chương trình diễn ra, anh vẫn không thể tụ họp được tất cả mọi người để tập luyện và chạy chương trình. Kết cục, ai có gì diễn nấy và chủ nhân của live show, người đáng lẽ phải đóng vai trò kiến tạo mọi tiết mục trên sân khấu, phải nương theo những tiết mục tự biên tự diễn của các khách mời.

Trong hầu hết các tiết mục có xuất hiện những ngôi sao hài, Trấn Thành và các ngôi sao đều sử dụng chiêu thức diễn cương trên một sườn kịch bản sơ sài được đọc vội, triển khai cấp tốc.

Nhưng điều này không phải hiếm khi diễn ra, bởi việc diễn cương của nghệ sĩ hài đã thành chuyện đương nhiên miễn bàn.

Ngay trên truyền hình đã không thiếu những tiểu phẩm hài mà nghệ sĩ diễn chủ yếu dựa trên kịch bản sơ sài và cứ tự tác, ứng biến. Vì thế mới có khái niệm “hài mậu dịch”.

Thực tế là nghệ sĩ hài đã không còn nhiều thời gian để đầu tư cho vai diễn, không còn tâm sức để tìm kiếm những kịch bản tốt bởi truyền hình chỉ đòi hỏi ở họ sự xuất hiện chứ không mấy khi quan tâm đến chất lượng.

Chính Chí Trung, một nghệ sĩ hài khá đắt show trên truyền hình cũng từng nói: “Hài trên truyền hình là hài xem miễn phí, hài “mậu dịch”, ngay cả người thực hiện cũng chỉ coi là chuyện thoáng qua nên làm đơn giản, sơ sài.

Rất ít những chương trình hài truyền hình được đầu tư kỹ càng về tâm, tài, tiền như Gala Cười, Gặp nhau cuối năm. Có lẽ chính bởi cái quan niệm hài trên truyền hình là “hàng miễn phí” tồn tại ngay trong chính các nghệ sĩ hài nên những gì khán giả được thưởng thức quả là không chịu nổi”.

Tuy nhiên, với nghệ sĩ hài thì đây chẳng phải việc vui và đó cũng là hệ lụy của một hệ lụy khác. Nếu như trước đây, có những nghệ sĩ hài chỉ với 1-2 vở diễn là có thể đổi đời, mua nhà, tậu xe và sống sung túc trong nhiều năm thì nay chuyện này không còn nữa.

Nghệ sĩ hài Nhật Cường cho biết: “Thị trường hài kịch ở TP.HCM hiện nay không còn sung túc như trước đây, các sân khấu hài giảm đi. Các tiết mục mới của các nhóm bị hạn chế vì không có đất để dụng võ, các diễn viên của các nhóm hài chạy show các chương trình truyền hình và đi quay phim truyền hình, phim chiếu rạp nhiều nên hạn chế việc tập luyện cho nhóm nên không thường xuyên có tiết mục mới.

Đời sống của các diễn viên hài hiện nay cũng gặp khó khăn hơn lúc trước nhiều, vì tụ điểm sân khấu hài đang ít dần đi nên show diễn cũng bị teo tóp lại”.

Chưa kể, với tốc độ phát triển chóng mặt của truyền hình, của các phương tiện ghi hình cá nhân được tích hợp trong các loại điện thoại từ thông minh đến không thông minh cộng với Internet đã giúp cho khán giả không cần phải bỏ tiền đến tận sân khấu xem nghệ sĩ biểu diễn nữa.

Mỗi vở nghệ sĩ chỉ cần mang ra sân khấu một lần duy nhất là ngay lập tức đã trở thành sở hữu chung của cả nước. Vì vậy, họ cũng không thể đầu tư quá nhiều, thai nghén quá lâu cho những đứa con của mình.

Nguồn: Tienphong

Đọc thêm

Xúc động những vần thơ viết về cơn bão số 3

Xúc động những vần thơ viết về cơn bão số 3

Trong đau thương, mất mát của người dân nhiều tỉnh thành phía Bắc sau bão số 3, nhiều tứ thơ đã được gieo vần. Báo Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu một số bài thơ đầy cảm xúc trong cơn hoạn nạn.
Chuyện cây Hà Nội sau bão

Chuyện cây Hà Nội sau bão

Ngay sau cái đêm kinh hoàng bão YAGI đổ bộ vào Hà Nội, tôi lái xe ra đường. Khắp cả thành phố, cây nằm la liệt, nhiều cây bật gốc, gãy đổ tan hoang.
Đền Phúc Hải - chốn tâm linh yên bình

Đền Phúc Hải - chốn tâm linh yên bình

Đền Phúc Hải, xã Thuận Lộc (TX Hồng Lĩnh – Hà Tĩnh) là một trong những di tích đặc trưng cho sinh hoạt tín ngưỡng, chốn trao gửi tâm linh của người dân và du khách thập phương.
Bộ tranh Việt Nam tử tế trong cơn bão Yagi

Bộ tranh Việt Nam tử tế trong cơn bão Yagi

Hình ảnh cảm động các chiến sĩ đưa dân ra ngoài, các xe đi chậm lại để dìu mọi người trên cầu trong lúc gió to… được cô gái TP. Hồ Chí Minh khắc họa lại trong bộ tranh nói về Việt Nam tử tế trong cơn bão Yagi.
Vinh danh 'Sứ giả tiếng Việt' năm 2024

Vinh danh 'Sứ giả tiếng Việt' năm 2024

Tối 8/9, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Lễ tổng kết Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2024 và Chương trình Gala tiếng Việt thân thương đã diễn ra với sự tham dự của hơn 600 đại biểu. Những “Sứ giả tiếng Việt” năm 2024 đã được vinh danh và trao tặng bằng khen.
Podcast truyện ngắn: Cây nhãn kỷ niệm

Podcast truyện ngắn: Cây nhãn kỷ niệm

Cây nhãn già thách thức mưa nắng, bão bùng, nhìn vào đó, bà luôn tưởng tượng bóng hình Hiếu, vẫn hiển hiện đâu đây trong khu vườn, căn nhà thân thuộc, như chưa từng có cuộc chia ly...
Podcast tản văn: Ơi mùa thu, mùa thu

Podcast tản văn: Ơi mùa thu, mùa thu

Có vẻ như mọi hân hoan, quyến luyến, mọi mỹ cảm, nồng say đều dồn tụ hết vào một chữ thu. Thu xao xuyến, thu bồi hồi, thu bâng khuâng, thu đa cảm...
Khám phá Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng

Khám phá Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng

Non nước Cao Bằng chính thức được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu vào ngày 12/4/2018, trở thành công viên địa chất toàn cầu thứ hai tại Việt Nam sau Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn tại Hà Giang.
Truyện ngắn: Màu áo lính

Truyện ngắn: Màu áo lính

Phía ngoài ô cửa sổ, loa phát thanh đang vang lên tin tức về những hoạt động mừng ngày tết Độc lập. Ông Việt nhìn ra lá cờ đỏ sao vàng tung bay ngoài song cửa rồi mắt ông ầng ậc nước…
Cây muỗm ở Nghi Xuân là cây di sản Việt Nam

Cây muỗm ở Nghi Xuân là cây di sản Việt Nam

Cây muỗm được công nhận cây di sản Việt Nam có tuổi đời hơn 360 năm, nằm trong khuôn viên nhà thờ Phan Tôn Chu và Ngọc Hoa công chúa ở thôn Phú Vinh, xã Cổ Đạm, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.