Lan tỏa các giá trị di sản văn hóa Nguyễn Du

(Baohatinh.vn) - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh đã phát biểu đánh giá cao hội thảo quốc tế kỷ niệm 250 năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du do Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tổ chức trong ngày 8/8/2015 tại Hà Nội.

Với cách chia thành các phiên làm việc, hội thảo đã thành công với nhiều khám phá mới về di sản Nguyễn Du, tạo nên không khí học thuật sôi nổi và tình cảm quốc tế chân thành. Đây cũng là dịp hiểu thêm về văn hóa dân tộc nói chung, khí chất, đặc điểm con người và văn hóa Hà Tĩnh nói riêng.

Nhiều nội dung mới được đề cập

Bản chất của nghiên cứu khoa học là dựa trên phương pháp luận, tìm ra cái mới. Nhìn từ góc độ đó, tính chất học thuật của hội thảo về Nguyễn Du đã được tạo thành trước hết từ các tham luận của các nhà nghiên cứu. Bàn về hành trình sáng tạo của Nguyễn Du, hội thảo lần này có các tham luận đến từ trong nước và quốc tế đề cập đến chuyến đi sứ của Nguyễn Du.

Tiến sĩ Nohira Munehiro (Nhật Bản) trên cơ sở nghiên cứu địa lý, căn cứ bản đồ Trung Hoa đã đưa ra giả thuyết về chuyến hành trình năm 1813 – 1814 của Nguyễn Du rằng: Nguyễn Du không đi qua Lâm An và viết Nhạc Vũ Mục huỳnh như lâu nay nhiều người vẫn nghĩ. Tác giả cho rằng, tác phẩm này được viết ở Hà Nam. Cũng trên quan điểm cần nhìn nhận lại thời điểm, địa điểm sáng tác thơ chữ Hán, nhà nghiên cứu Hoàng Khôi đã đưa ra 20 bài thơ trong Bắc hành tạp lục có thời gian không trùng khít với thời gian Nguyễn Du đi sứ. Điều đó có nghĩa, Nguyễn Du đã làm những bài thơ này trong một hành trình khác, ngoài hành trình đi sứ. Những phân tích của các tác giả đã thực sự tạo nên cuộc đối thoại với những quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, tập thơ Bắc hành tạp lục được làm trong thời gian đi sứ.

Lan tỏa các giá trị di sản văn hóa Nguyễn Du ảnh 1

Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du (Ảnh: QK)

Bên cạnh thời gian sáng tác, nhiều tham luận đã phân tích những nhận thức mới mẻ của Nguyễn Du so với thời đại ông. PGS.TS Trần Thị Băng Thanh trong tham luận Bắc hành tạp lục – quan sát và suy ngẫm của Nguyễn Du về Trung Quốc đã đối sánh ý niệm về đi sứ giữa nhiều nhà nho với Nguyễn Du và khẳng định: Trong nhận thức của các nhà nho xưa, đi sứ là cơ hội để thỏa chí tang bồng. Dầu đó là công việc vất vả, thì với Nguyễn Du, ông không coi đó là vinh hạnh mà chỉ thuần túy là chuyến đi về phía Bắc (Bắc hành).

Hơn nữa, tên của tập thơ cũng cho thấy những băn khoăn của Nguyễn Du, nó không được đặt là thơ, ngâm, vịnh mà chỉ là “tạp lục”. Từ quan điểm này, nhà nghiên cứu cho rằng, “Nguyễn Du là một trí thức nho sĩ đi trước thời đại, một thi nhân thức ngộ sớm, đã lên tiếng cảnh tỉnh nhân loại”. Trên cơ sở khẳng định Nguyễn Du không phải làm thơ để tỏ chí, tải đạo mà làm thơ chỉ để phản ánh, miêu tả thực tại, trong đó, có thực tại tang thương, đau khổ ở Trung Hoa, một số tham luận khác đã đi đến kết luận: Nguyễn Du đã có cái nhìn “giải ảo” về Trung Hoa, giải thiêng chế độ phong kiến.

Về kiệt tác Truyện Kiều, hội thảo lần này có nhiều tham luận, bàn nhiều nội dung cốt yếu. Trước hết là về thời gian sáng tác tác phẩm này. Nếu như GS Nguyễn Huy Mỹ đặt giả thiết có khả năng Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều khoảng từ 1781 - 1783 (lúc này ông 16-18 tuổi) thì Bùi Thiết lại tính toán và cho rằng, Nguyễn Du viết Truyện Kiều vào khoảng 1786 - trước 1802 (lúc này ông 21-37 tuổi). Hai giả thiết này thực chất đã ngầm trao đổi về nhận định của Quốc sử quán triều Nguyễn cho rằng, Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều sau khi đi sứ về, tức là sau năm 1814.

Lan tỏa các giá trị di sản văn hóa Nguyễn Du ảnh 2

TS. Nguyễn Huy Hoàn - cộng tác viên khoa học, Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva (Liên bang Nga) tham luận “Tình hình nghiên cứu, giảng dạy Truyện Kiều tại Liên bang Nga và việc dịch Truyện Kiều ra tiếng Nga”

Như vậy, thời gian sáng tác kiệt tác này vẫn chưa có sự nhìn nhận thống nhất. Cùng với thời gian sáng tác, dưới cái nhìn mới, tác phẩm Truyện Kiều đã được phân tích, từ đó rút ra kết luận về tư tưởng. GS Trần Đình Sử trong tham luận Chữ thân và vấn đề thân phận trong tư tưởng Truyện Kiều dẫn giải: “Truyện Kiều của Nguyễn Du tuy sáng tác theo một cốt truyện có sẵn của Trung Quốc, song tư tưởng của nó bắt nguồn từ văn mạch dân tộc, từ cội nguồn văn học dân gian và văn học viết thế kỷ XVIII. Ông không chỉ làm phong phú cho chủ nghĩa nhân đạo trong văn học mà còn từ cơ sở đó đổi mới mô hình tự sự của truyện, đổi mới điểm nhìn và thành phần ngôn từ trần thuật của tác phẩm, làm nên đỉnh cao chói lọi của văn học Việt Nam”.

Nhiều tham luận khác như của GS Lưu Chí Cường (nhan đề: Nghiên cứu Truyện Kiều và Nguyễn Du tại Trung Quốc: lịch sử, hiện trạng và triển vọng), TS Nguyễn Huy Hoàng - cộng tác viên khoa học, Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva, Liên bang Nga (nhan đề: Tình hình nghiên cứu, giảng dạy Truyện Kiều tại Liên bang Nga và việc dịch Truyện Kiều ra tiếng Nga), dịch giả trẻ Jan Komárek của Đại học Charles, Praha, Cộng hòa Séc (nhan đề: Truyện Kiều tại Séc)… đã cung cấp những thông tin về đời sống dịch thuật Truyện Kiều ở nước ngoài cũng như tình cảm của người nước ngoài đối với kiệt tác của Nguyễn Du. Đứng từ góc độ dịch thuật, chuyển ngữ, các tác giả cho rằng, do Nguyễn Du sử dụng ngôn ngữ điêu luyện với sự trau chuốt kỹ lưỡng, thậm chí có nhiều từ xuất hiện trong nhiều ngữ cảnh mà mỗi ngữ cảnh mang một nghĩa nên việc chuyển ngữ rất khó khăn.

Dầu biết, công việc dịch nói chung đã khó, dịch Truyện Kiều càng khó hơn, song nhận thấy những giá trị văn hóa của dân tộc kết tinh trong tác phẩm nên nhiều nhà nghiên cứu đã say mê, tự tìm kiếm phương pháp cho mình. Đó là lý do giải thích tại sao, dịch giả Jan Komárek bày tỏ: “Tôi muốn kiệt tác Truyện Kiều của Việt Nam có một đời sống nữa tại đất nước của chúng tôi để mở rộng các chuyển dịch văn hóa”.

Nhằm góp thêm tiếng nói về những nguyên nhân hình thành nên cốt cách, khí chất Nguyễn Du, nhiều tham luận khác đã phân tích mối quan hệ giữa thi nhân với mảnh đất văn vật Hà Tĩnh, cụ thể là văn hóa Trường Lưu, những làn điệu ví giặm, truyền thống gia đình, dòng tộc. Điều này cũng được làm rõ thêm trong bài phát biểu của Bí thư Tỉnh ủy Võ Kim Cự tại hội thảo có biên độ rộng hơn: Hà Tĩnh – vùng đất địa linh, nhân kiệt.

Không khí học thuật sôi nổi

Cùng với việc nghe các tham luận, hội thảo cũng đã dành thời gian thỏa đáng cho việc thảo luận. Về tác giả Nguyễn Du và các tác phẩm chữ Hán, các nhà nghiên cứu trao đổi sôi nổi về những nội dung như: tình cảm của Nguyễn Du trong thơ chữ Hán; vấn đề song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam từ trường hợp Nguyễn Du; có những bài thơ chữ Hán trong Bắc hành tạp lục không phải sáng tác trong thời gian Nguyễn Du đi sứ. Về Truyện Kiều, các nhà nghiên cứu như Phạm Xuân Nguyên, GS Mai Quốc Liên bày tỏ những băn khoăn xung quanh các bản dịch Truyện Kiều ra các ngôn ngữ như: chất lượng các bản dịch trước đây của nhiều học giả nổi tiếng, việc dịch tên nhân vật trong Truyện Kiều ra tiếng nước ngoài, việc chuyển ngữ các từ ngữ theo quy luật hài thanh...

Lan tỏa các giá trị di sản văn hóa Nguyễn Du ảnh 3

GS. Kawaguchi Kenichi (ĐH Ngoại ngữ Tokyo, Nhật Bản) phân tích văn bản đối chiếu trong tham luận “Truyện Kiều từ góc độ văn học so sánh Đông Á và phân tích Kim Vân Kiều Truyện”.

GS Mai Quốc Liên nêu ý kiến: “Tôi rất hoan nghênh các dịch giả dịch Truyện Kiều ra các ngôn ngữ khác, nhất là các dịch giả trẻ nhưng tôi mong các dịch giả cân nhắc kỹ trong các trường hợp cụ thể để tránh sai sót đáng tiếc như nhiều bản dịch trước đây”. TS Nguyễn Tuấn Cường lưu ý: trong công việc dịch, lựa chọn bản Kiều có vai trò rất quan trọng. Vì vậy, các dịch giả cần cập nhật các thông tin về văn bản học trong khoảng 20 năm nay để tiếp cận, lựa chọn bản Truyện Kiều phù hợp. Cũng trong nội dung thảo luận và gợi mở, thạc sĩ Lư Thị Thanh Lê được các cử tọa hoan nghênh khi đề cập đến việc xây dựng công viên giải trí về Nguyễn Du trong tham luận Kinh nghiệm thế giới và triển vọng của việc xây dựng một công viên giải trí theo chủ đề dựa trên Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Tham chiếu những cái nhìn về tác giả và tác phẩm

Bên cạnh những nội dung mới, không khí sôi nổi của hội thảo, giá trị khoa học của hội thảo lần này còn được khẳng định thêm khi có rất nhiều tham luận cung cấp những phương pháp nghiên cứu mới. Dưới góc nhìn văn học so sánh, hội thảo đã có các tham luận nổi bật như của: GS Pornpen Hantrakool (Thái Lan) với Nguyễn Du và Sunthoom: Một nghiên cứu so sánh giữa văn học Việt Nam và văn học Thái Lan dưới góc nhìn nhân văn; GS Tôn Thất Thanh Vân với Chân dung những nhân vật nữ bi kịch: Kiều, Manon Lescaunt và Marianne; GS Kawaguchi Kenichi (Đại học Ngoại ngữ Tokyo - Nhật Bản) với Truyện Kiều từ góc độ văn học so sánh Đông Á.

Cùng với lý thuyết văn học so sánh, hàng chục nhà nghiên cứu đã tìm hiểu, khai thác di sản của Nguyễn Du, nhất là Truyện Kiều, dưới nhiều phương pháp mới. Đó là các phương pháp: tìm hiểu lý thuyết trò chơi và Truyện Kiều; con người phi lý trong tác phẩm Nguyễn Du; Truyện Kiều và điện ảnh; Truyện Kiều dưới góc nhìn triết học, nhất là từ cảm quan Phật giáo, triết học hiện sinh; Truyện Kiều qua lý thuyết tiếp nhận; nghiên cứu ngôn ngữ Truyện Kiều; nghiên cứu mối quan hệ văn hóa Việt - Trung qua Truyện Kiều; tác phẩm Nguyễn Du và vấn đề loại hình học…

Hơn 200 năm nghiên cứu về Nguyễn Du, những tưởng mọi thứ đáng nói đều đã nói, hóa ra không phải vậy. Hội thảo 250 năm sinh Nguyễn Du đã thành công, đúng như tên gọi của nó “Di sản và các giá trị xuyên thời đại”, hội thảo đã hướng đến tương lai trong hành trình tìm hiểu, khai thác các giá trị mà cụ Nguyễn để lại cho hậu thế. Trên tinh thần ấy, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào sự xuất hiện các nghiên cứu mới về Đại thi hào Nguyễn Du trên tất cả các lĩnh vực lịch sử - tư tưởng, văn hóa - văn học, Hán Nôm, ngôn ngữ, giáo dục, dịch thuật, xuất bản…

Tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư BCH Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Đinh Thế Huynh đã phát biểu, khẳng định: “Trong suy nghĩ của chúng ta, di sản Nguyễn Du là sản phẩm kết tinh của trí tuệ, tâm hồn, vẻ đẹp của dân tộc Việt Nam. Qua tài năng trác việt của ông và qua thời gian, di sản ấy đã trở thành tinh hoa của nhân loại” và “Nhiều câu thơ của Nguyễn Du là sự khái quát thành những triết lý nhân sinh sâu sắc về cuộc đời, con người và những cảnh huống của đời người. Đó không phải là vấn đề của một thời mà là của nhiều thời. Đó không phải là vấn đề của cộng đồng, của quốc gia, của con người mà là của toàn nhân loại”. Hội thảo đã thêm một lần làm lan tỏa các giá trị di sản Nguyễn Du - một việc làm có ý nghĩa lớn trên hành trình tìm về giá trị văn hóa dân tộc và hướng tới hội nhập, hợp tác quốc tế.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast