Sông Cụt

Dòng sông Cụt quê tôi không chảy “điệu slow tình cảm” như dòng sông Hương của Hoàng Phủ Ngọc Tường, không “dữ dội” mà “thơ mộng, trữ tình” như sông Đà của Nguyễn Tuân, nhưng đã là sông quê thì có con sông nào lại không chở đầy kỷ niệm chảy vào tâm hồn của mỗi người con xứ sở.

Tên gọi của dòng sông quê tôi không mỹ miều, bởi người dân nơi đây đã quen với mộc mạc, chân thành. Tôi may mắn được sinh ra, lớn lên bên dòng sông Cụt và được chứng kiến sự chuyển mình của con sông quê. Trong ký ức tôi, sông Cụt xưa kia thanh bình, mộc mạc và thật nhẫn nại. Vì là sông đào nên lòng sông không rộng, không uốn lượn quanh co, cũng không gập ghềnh như nhiều con sông khác. Sông hợp lưu từ 2 nhánh, một từ cầu Sở Rượu, một từ Hào Thành chảy qua cầu Vồng, cầu Tre, sau đó đổ về sông Rào Cái, hòa vào biển cả.

Sông Cụt. Ảnh: Giang Nam
Sông Cụt. Ảnh: Giang Nam

Sông Cụt không khởi nguồn từ khe núi, không có những bãi mía, bờ dâu, đồng lúa, nương ngô ăm ắp phù sa. Nhưng không phải vì thế mà sông không biết hiến dâng cho cuộc sống của bao người dân trên mảnh đất này. Trong những ngày hè oi bức, sông là máy điều hòa mang hơi nước giải nhiệt cho bầu không khí thị thành ngột ngạt. Sông không tạo nên được những cánh đồng phì nhiêu, những “bờ xôi, ruộng mật”, nhưng như người mẹ hiền tần tảo, tháng ngày chắt chiu từng giọt phù sa xây nên những ao đìa, đầm bãi cho cá tôm hội tụ và phát triển; cho người dân chài ven sông tìm kế mưu sinh.

Ngày ấy, sông Cụt được coi là cửa ngõ của người dân TX Hà Tĩnh để thông thương với những vùng lân cận. Các thương lái khắp nơi thường chở vật liệu xây dựng, hải sản và những sản vật khác vào sông Cụt, ngược lên chợ Tỉnh để bán rồi lại mua các nhu yếu phẩm ở chợ lên thuyền trở về. Mỗi khi có phiên chợ Tỉnh, sông Cụt lại trên bến dưới thuyền tấp nập, nhộn nhịp. Dưới sông, rợp những cánh buồm muôn màu khoe sắc; trên bờ, nhộn nhịp kẻ bán người mua, đủ các mặt hàng.

Đôi bờ sông Cụt ngày trước có thể xem là một khu sinh thái thu nhỏ với rất nhiều loài cây như: lác, cuốc gai, bần, đước, sú, dá, tra, xoan... Mỗi khi hè đến là rợp trời hoa tra, hoa bần đua nở. Những cánh hoa trôi làm mặt sông lung linh và thơ mộng như những đêm lễ hội hoa đăng. Mỗi buổi chiều xuống, ánh hoàng hôn rực đỏ, chao mình giao thoa cùng sắc hoa và màu nước xanh trong, nom như bức tranh sơn mài diễm lệ.

Đến bây giờ, sâu thẳm trong ký ức tôi vẫn còn neo giữ biết bao kỷ niệm êm đềm của thời ấu thơ bên dòng sông Cụt thân thương. Những buổi trưa hè nắng cháy lưng, cả bọn trần trùng trục ngụp lặn trong dòng nước mát; trằn mình trong cỏ, trong bùn chơi trò đuổi bắt; rồi những buổi theo các anh chị lớn tuổi đi quây đìa bắt tôm cá... Những đêm trăng vằng vặc mơn man gió nồm, mặt sông như dải lụa vàng lấp lóa, dập dềnh… Ngày đó, mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng tôi đã từng ước ao được là một thi sỹ để vẽ lại hình ảnh đó bằng thơ, bằng nhạc với những xúc cảm chân thực của lòng mình.

Sông Cụt bây giờ không còn giữ được vẻ đẹp tự nhiên và thuần khiết như xưa kia, thay vào đó là một hình hài hiện đại và trẻ trung cùng với quá trình đô thị hóa. Có người đã ví sông Cụt ngày nay như một mái tóc xanh giữa tấm lưng ong của thành phố trẻ. Những chiếc cầu làm bằng tre, bằng gỗ tạm ngày trước được thay thế bằng những cây cầu bê tông thênh thang, hiện đại. Đôi bờ sông Cụt không còn um tùm cây cỏ và đường đất nữa mà thay vào đó là hệ thống kè đá và đường bê tông kiên cố, phẳng phiu. Xóm làng đìu hiu ven sông ngày đó cũng đang khoác lên mình tấm áo của văn minh đô thị…

Mặc dù vậy, trong tâm thức của tôi, con sông quê đậm chất mộc mạc, dân dã mà thi vị vẫn luôn hiện hữu như một phần của cuộc sống tinh thần. Giờ đây, mỗi lần đứng trước dòng sông Cụt, trong tôi gợn lên một chút gì đó bâng khuâng, không phải cái bâng khuâng của thi sỹ Trần Tế Xương khi nhớ về con sông Vị Hoàng trong bài thơ “Sông lấp” mà là chút bâng khuâng khi những kí ức trong trẻo của con sông tuổi thơ tràn về.

(Phường Thạch Quý - TP Hà Tĩnh)

Đọc thêm

Podcast truyện ngắn: Chuột Bún bán bánh

Podcast truyện ngắn: Chuột Bún bán bánh

Những mùa Trung thu, tôi luôn nhận được quà của bà Chuột Bún là những chiếc bánh Trung thu thơm phức. Cũng từ đó, cái tên Chuột Bánh luôn đi liền với tình bạn thời tiểu học của tôi.
Xúc động những vần thơ viết về cơn bão số 3

Xúc động những vần thơ viết về cơn bão số 3

Trong đau thương, mất mát của người dân nhiều tỉnh thành phía Bắc sau bão số 3, nhiều tứ thơ đã được gieo vần. Báo Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu một số bài thơ đầy cảm xúc trong cơn hoạn nạn.
Chuyện cây Hà Nội sau bão

Chuyện cây Hà Nội sau bão

Ngay sau cái đêm kinh hoàng bão YAGI đổ bộ vào Hà Nội, tôi lái xe ra đường. Khắp cả thành phố, cây nằm la liệt, nhiều cây bật gốc, gãy đổ tan hoang.
Đền Phúc Hải - chốn tâm linh yên bình

Đền Phúc Hải - chốn tâm linh yên bình

Đền Phúc Hải, xã Thuận Lộc (TX Hồng Lĩnh – Hà Tĩnh) là một trong những di tích đặc trưng cho sinh hoạt tín ngưỡng, chốn trao gửi tâm linh của người dân và du khách thập phương.
Bộ tranh Việt Nam tử tế trong cơn bão Yagi

Bộ tranh Việt Nam tử tế trong cơn bão Yagi

Hình ảnh cảm động các chiến sĩ đưa dân ra ngoài, các xe đi chậm lại để dìu mọi người trên cầu trong lúc gió to… được cô gái TP. Hồ Chí Minh khắc họa lại trong bộ tranh nói về Việt Nam tử tế trong cơn bão Yagi.
Vinh danh 'Sứ giả tiếng Việt' năm 2024

Vinh danh 'Sứ giả tiếng Việt' năm 2024

Tối 8/9, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Lễ tổng kết Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2024 và Chương trình Gala tiếng Việt thân thương đã diễn ra với sự tham dự của hơn 600 đại biểu. Những “Sứ giả tiếng Việt” năm 2024 đã được vinh danh và trao tặng bằng khen.
Podcast truyện ngắn: Cây nhãn kỷ niệm

Podcast truyện ngắn: Cây nhãn kỷ niệm

Cây nhãn già thách thức mưa nắng, bão bùng, nhìn vào đó, bà luôn tưởng tượng bóng hình Hiếu, vẫn hiển hiện đâu đây trong khu vườn, căn nhà thân thuộc, như chưa từng có cuộc chia ly...
Podcast tản văn: Ơi mùa thu, mùa thu

Podcast tản văn: Ơi mùa thu, mùa thu

Có vẻ như mọi hân hoan, quyến luyến, mọi mỹ cảm, nồng say đều dồn tụ hết vào một chữ thu. Thu xao xuyến, thu bồi hồi, thu bâng khuâng, thu đa cảm...
Khám phá Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng

Khám phá Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng

Non nước Cao Bằng chính thức được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu vào ngày 12/4/2018, trở thành công viên địa chất toàn cầu thứ hai tại Việt Nam sau Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn tại Hà Giang.
Truyện ngắn: Màu áo lính

Truyện ngắn: Màu áo lính

Phía ngoài ô cửa sổ, loa phát thanh đang vang lên tin tức về những hoạt động mừng ngày tết Độc lập. Ông Việt nhìn ra lá cờ đỏ sao vàng tung bay ngoài song cửa rồi mắt ông ầng ậc nước…
Cây muỗm ở Nghi Xuân là cây di sản Việt Nam

Cây muỗm ở Nghi Xuân là cây di sản Việt Nam

Cây muỗm được công nhận cây di sản Việt Nam có tuổi đời hơn 360 năm, nằm trong khuôn viên nhà thờ Phan Tôn Chu và Ngọc Hoa công chúa ở thôn Phú Vinh, xã Cổ Đạm, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.