Cách trả lời những câu hỏi khó trong dịp Tết

Chúng ta nên cân nhắc cách đối đáp phù hợp trước những câu hỏi khiến mình khó chịu về ngoại hình, tình trạng hôn nhân, con cái.

Cách trả lời những câu hỏi khó trong dịp Tết

Vào dịp Tết, khi họ hàng tới chơi, sau những cái bắt tay và lời mời dùng kẹo bánh, bạn biết sẽ có lời hỏi han, nhận xét nào đó chuẩn bị được dành cho mình. Đôi khi những câu hỏi đó khiến bạn khó chịu, chúng có thể là về ngoại hình, lương thưởng, tình trạng hôn nhân hay chuyện con cái.

Roseann Capanna-Hodge, một nhà tâm lý học ở Connecticut, nói với CNN rằng, nghỉ lễ đôi khi không phải khoảng thời gian vui vẻ, thường là bởi chúng ta lường trước sẽ có những cuộc “thẩm vấn”, gây nên xung đột không đáng có khi gặp gỡ họ hàng.

Nhưng thay vì tỏ ra bực tức hoặc tranh cãi ngược lại, Capanna-Hodge khuyên bạn nên thiết lập ranh giới.

Thiết lập các ranh giới có vẻ giống bước khởi đầu của một cuộc chiến, nhưng đó chỉ là một cách để truyền đạt nhu cầu của bạn và những gì bạn hài lòng, bảo vệ cảm xúc của mình.

Trước những cuộc gặp gỡ, hãy xem xét nhu cầu bản thân và liệu lời nhận xét nào của người thân có thể kích hoạt cơn tức giận của bạn. Cũng nên xác định trong cuộc trò chuyện, bạn nên và không nên nói gì.

Dưới đây là những gợi ý về cách ứng xử, đối đáp khéo léo khi bị hỏi khó trong buổi gặp mặt gia đình.

“Dạo này bị tăng cân à?”, “Nên ăn ít ăn ít lại đi”

Dù người nói những câu đó có ý chê bai hoặc đơn giản quan tâm đến sức khỏe của bạn, thì việc đánh giá ngoại hình và nhận xét về những gì người khác đang ăn là điều khiếm nhã.

Tuy nhiên, bạn nên hiểu rằng những bình luận về đồ ăn hay cân nặng thường nói lên nhiều điều về người đưa ra nhận xét đó thay vì đối tượng họ đề cập. Thực tế, người ta chỉ tập trung vào ngoại hình và chế độ ăn của họ nhưng lại đưa ra nhận xét về người khác.

Cách trả lời những câu hỏi khó trong dịp Tết

Những bình luận về cân nặng, chế độ ăn của người khác có thể là khiếm nhã.

Bạn có thể trả lời một cách thoải mái về quan điểm của mình như: “Em biết anh/chị thích ăn kiêng và dáng người mảnh mai, nhưng em rất yêu đồ ăn nên không muốn nói thêm về chủ đề này nữa”.

Hoặc bạn có thể chọn phản đối một cách nhẹ nhàng: “Xin lỗi, nhưng cháu không tập trung vào cân nặng của mình”.

Nếu đối phương vẫn tiếp tục nói để khiến bạn xấu hổ về ngoại hình của mình và bạn thấy không thoải mái, hãy rời khỏi cuộc trò chuyện đó.

“Sao chưa có người yêu?”

Với những câu hỏi về đời sống tình cảm riêng tư, chúng ta đôi khi ngại hoặc khó chịu. Nếu bị hỏi lần đầu tiên, bạn có thể cố gắng chuyển hướng sang chủ đề mà họ yêu thích để tránh vấn đề.

Khi họ hỏi lần thứ hai, bạn hãy đáp lại một cách hài hước như “Em cũng tự hỏi tại sao mình vẫn độc thân”, hoặc “Khi nào được cưới, cháu sẽ thông báo cho cô sớm nhất”.

Nếu bị hỏi xoáy và rõ ràng không có thiện ý, bạn có thể áp dụng cách thiết lập ranh giới (nhưng không nên dùng khi đang ngồi với một nhóm nhiều người) rằng: “Cháu biết cô rất tò mò và muốn biết chi tiết, nhưng điều đó khiến cháu thực sự thấy khó chịu, vì vậy sau này cô đừng hỏi chuyện đó nữa được không?”.

“Khi nào mới chịu cưới, có con?”

Các chuyên gia tâm lý nói rằng việc hỏi về chuyện lập gia đình và sinh con thực sự có thể gây áp lực lớn, tuy nhiên chúng thường xuất phát từ tình yêu thương và quan tâm.

Bạn có thể đáp lại bằng cách chuyển hướng câu chủ đề trò chuyện như: “Nhắc tới chuyện chồng con, mọi người rất ngưỡng mộ mái ấm hạnh phúc của cô. Cháu cũng tò mò không biết cô và chú gặp rồi yêu nhau như thế nào vậy á?”.

Cách trả lời những câu hỏi khó trong dịp Tết

Thay vì phản ứng khó chịu, chúng ta có thể trao đổi và xin lời khuyên từ họ hàng.

Nhưng đôi khi, ngay cả người hỏi có ý tốt thì câu hỏi về kết hôn và con cái vẫn có thể gây tổn thương, đặc biệt khi hối thúc một phụ nữ bị hiếm muộn phải tìm cách sinh con.

Nếu bạn tin tưởng người đang hỏi mình, có thể cởi mở để nói chuyện và xin lời khuyên từ họ.

Sẵn sàng rời đi

Nếu đã thử tất cả cách thức tránh đề cập kể trên mà bạn vẫn thấy khó chịu vì bị hỏi thì “rời khỏi cuộc tụ họp gia đình chính là cách lập ranh giới tốt nhất”.

Chúng ta không nhất thiết phải nổi cơn thịnh nộ hay phản ứng tức giận để bỏ đi, chỉ cần tìm một cái cớ cho phép mình rời đi khi thấy những câu chuyện chẳng còn thú vị. Đổi lại, nếu cố gắng ở lại thì không khí buổi tụ họp có thể trở nên gượng gạo, đặc biệt có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần của bạn.

Những cuộc tụ họp gia đình trong dịp Tết là cơ hội để kết nối và san sẻ yêu thương, nếu bạn không thấy mình đạt được mục tiêu đó thì nó không nhất thiết phải diễn ra.

Theo Zing.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast