Giỗ Tổ Hùng Vương hướng về nguồn cội

(Baohatinh.vn) - Trên thế giới, hiếm đất nước nào lại có được hình thức tín ngưỡng thờ Tổ độc đáo như ở Việt Nam. Một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng có tín ngưỡng thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ nhưng chỉ là của từng gia đình, dòng họ hay một làng nghề chứ không có Tổ chung cả nước.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thực sự là tín ngưỡng bản địa; tục thờ thuần Việt. Ở đây, đối tượng được tôn thờ là Thánh Tổ Hùng Vương - ông Tổ không phải của một dòng họ, một làng, một vùng mà là của dân, của nước. Đền Hùng trở thành cầu nối hữu hình cho niềm tin sâu sắc vào quá khứ hào hùng của dân tộc Việt Nam, được cộng đồng tôn vinh, giữ gìn như một biểu tượng thiêng liêng về Tổ thánh của cả nước; là nơi hội tụ niềm tin, lòng tự hào về truyền thống và khát vọng vươn lên của đất nước.

Ngưởi dân khắp nơi trên cả nước về Đền Hùng làm lễ giổ Tổ

Ngưởi dân khắp nơi trên cả nước về Đền Hùng làm lễ giổ Tổ

Ý nghĩa đặc trưng của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là nhắc nhớ về cội nguồn dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”; sự kết nối cộng đồng hình thành nên tính đại diện cộng đồng sâu sắc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có không gian văn hóa rộng lớn, trải dài khắp cả nước, từ Bắc vào Nam, nơi nào có người Việt sinh sống, nơi đó có thờ cúng Hùng Vương gắn với thờ cúng tổ tiên trong gia đình, dòng họ, làng xã; không chỉ trong nước mà còn cả nước ngoài, nơi có cộng đồng người Việt sinh sống. Điều đó đã tạo nên triết lý nhân văn sâu sắc, tạo nên động lực tinh thần của dân tộc Việt Nam.

Ngày Giỗ Tổ các Vua Hùng 10/3 âm lịch hàng năm là ngày Quốc giỗ - ngày giỗ Tổ chung cho tất cả mọi người Việt Nam, từ già tới trẻ, không phân biệt nam nữ, tôn giáo, người sang, kẻ hèn, người trong nước hay đang sống ở nước ngoài. Xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc, không bao giờ người Việt Nam quên ngày giỗ Tổ. Theo thống kê của Bộ VH-TT&DL, đến nay, cả nước có 1.417 di tích thờ Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Con số này chứng tỏ đạo lý cũng như sự trường tồn của dân tộc Việt. Cũng chính điều đó đã hướng cho mỗi người con đất Việt ngày nay và cả mai sau đến với ngày giỗ Tổ.

Nhân dân đến với Đền Hùng là đến với hồn thiêng dân tộc, là cuộc tìm về cội nguồn với tâm tưởng “uống nước nhớ nguồn”, với lòng tôn kính, biết ơn công lao của tổ tiên. Đây chính là biểu hiện cao nhất của tư tưởng đoàn kết dân tộc bởi tất cả chúng ta đều là con dân đất Việt, được sinh ra từ bọc trứng của mẹ Âu Cơ và cùng chung sống dưới một mái nhà lớn: mái nhà của đại gia đình các dân tộc Việt - đất nước Việt Nam. Một đất nước có những truyền thống với các giá trị văn hóa cao đẹp, thể hiện đậm nét bản sắc dân tộc. Một đất nước được bạn bè trên thế giới biết đến bằng những thiên anh hùng ca hùng tráng và bất diệt về lịch sử dựng nước và giữ nước.

Thờ cúng Hùng Vương là biểu hiện tình cảm, sự tri ân công đức các Vua Hùng có công khai quốc, sinh dân. Thông qua nghi lễ thờ cúng nhằm xác lập mối liên hệ giữa các Vua Hùng với các thế hệ trong cộng đồng người Việt từ quá khứ, hiện tại đến mai sau; là sợi dây liên kết tinh thần giữa thời đại Hùng Vương và thời đại Hồ Chí Minh, phản ánh quan niệm sống của người Việt Nam: Trọng nghĩa tình, thủy chung, sự biết ơn, lòng yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương luôn là sợi dây vô hình kết nối cộng đồng dân tộc. Sự kết nối đó đã tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thành khối bền vững để vượt qua gian nan, thách thức trong quá trình dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.

Thờ cúng Hùng Vương là biểu hiện tình cảm, sự tri ân công đức các Vua Hùng có công khai quốc, sinh dân.

Thờ cúng Hùng Vương là biểu hiện tình cảm, sự tri ân công đức các Vua Hùng có công khai quốc, sinh dân.

Năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương đúng vào dịp đất nước hân hoan chào mừng thành công Đại hội Đảng lần thứ XII; chuẩn bị bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; mừng 41 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Ngày giỗ Tổ, câu nói thiêng liêng cũng là lời dạy bảo của Bác Hồ kính yêu một lần nữa làm xao động trái tim chúng ta. Bác đã đi xa, nhưng lời dạy của Người vẫn mãi khắc sâu trong trái tim mỗi người Việt Nam yêu nước. Thắp nén hương tưởng nhớ tổ tiên, chúng ta tự hào thưa với Bác rằng, con cháu của Người đã “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”, vượt qua gian khó để giữ gìn độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ.

Hướng về đất Tổ những ngày này, trong ta lại trào dâng tình yêu đất nước, càng hiểu sâu sắc thêm ý nghĩa hai chữ “đồng bào” và càng không thể nào quên công ơn các bậc tiền nhân dựng nước và giữ nước, cho chúng ta được tự hào là người Việt Nam.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast