Chữ nhưng kia cũng có ba bảy đường

Một lần đi công tác ở đảng bộ cơ sở, trong khi làm việc với đồng chí thủ trưởng và là cấp ủy về quy trình nhân sự phục vụ đại hội đảng bộ cơ sở, tôi nghe đồng chí đó dùng nhiều từ "nhưng" trong khi nhận xét cán bộ...

Từ nhưng là từ quen thuộc được mọi người sử dụng hàng ngày. Theo từ điển Tiếng Việt, nhưng là từ dùng để chuyển xuống câu dưới có ý trái với câu trên, nó là từ biểu thị điều sắp nêu ra ngược với ý vừa nói đến. Ví dụ: muốn lắm nhưng không được, việc nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, muốn xem phim nhưng không có vé… Theo lôgic này thì thói quen dùng chữ nhưng của thủ trưởng không có gì đáng phải bàn. Thế nhưng… trong nhận xét, đánh giá cán bộ, vị thủ trưởng này lại dùng chữ nhưng trong những trường hợp thật khó hiểu.

Trường hợp A: Khi tiến hành đề bạt một chức vụ lãnh đạo, trong cơ quan có 2 cán bộ độ tuổi, năng lực và phẩm chất đạo đức gần ngang nhau. Với người thứ nhất, thủ trưởng nhận xét: “Anh này làm được việc, có đạo đức tốt nhưng có điều tuổi hơi cao”. Đối với người thứ 2, thủ trưởng lại nói: “Anh này tuổi hơi cao nhưng được cái làm việc tốt, có đạo đức tốt”. Thế là chỉ cần đảo ngược 2 vế trước và sau chữ nhưng, vị thủ trưởng đã làm thay đổi thước đo giá trị người được chọn và sự lựa chọn của mình.

Trong trường hợp A, chữ nhưng có tác dụng như cái bàn gạt để gạt người tuổi hơi cao. Trường hợp thứ 2, thủ trưởng lại dùng chữ nhưng như một vật níu giữ để chọn người có tuổi. Giá mà sự đánh giá và chọn lựa cán bộ nêu trên lại diễn ra ở 2 thời điểm khác nhau, với những chức danh khác nhau thì không có gì đáng phải tranh luận. Đằng này lại là sự lựa chọn cho một chức vụ nhất định, ở vào một thời điểm nhất định. Bởi thế, chữ nhưng (đồng nghĩa với sự nhấn mạnh) mà thủ trưởng dùng một cách chủ quan là có dụng ý gạt người tuổi hơi cao mà mình không thích và chọn người tuổi hơi cao mà mình thích. Cái lõi của vấn đề là ở chỗ đó.

Trường hợp B - xem xét kỷ luật cán bộ: Trong cơ quan có 2 người có cùng khuyết điểm như nhau. Với người thứ nhất, thủ trưởng nói: “Anh này tuy thiếu tinh thần trách nhiệm, làm việc hiệu quả không cao nhưng mới phạm khuyết điểm lần đầu cho nên cần được châm chước”. Đối với người thứ 2, thủ trưởng nhận xét: “Anh này tuy mới phạm khuyết điểm lần đầu nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm, làm việc hiệu quả không cao cho nên không thể châm chước”… Như vậy, chỉ một việc đảo vế trước và sau chữ nhưng, vị thủ trưởng đã có một quyết định quay ngược 1800, cần châm chước và không thể châm chước; người được đề bạt chức danh mới và người phải dẫm chân tại chỗ hoặc nghỉ theo chế độ.

Chữ nhưng trong tiếng Việt có giá trị như mọi từ khác, tự nó không có ý đồ. Song sử dụng chữ nhưng một cách lắt léo như vị thủ trưởng nói trên thì đó là một dụng ý, là nghệ thuật “biến méo thành tròn” không công bằng. Trong công tác cán bộ, cấp trên chỉ nghe cấp dưới báo cáo một chiều, không kiểm tra, không nghe dư luận phản ánh để đối chiếu, quyết định, có lúc sẽ chọn người không chính xác.

(Huyện ủy Nghi Xuân)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast