Đồng đội
Tổ công binh chốt trên đèo Ngam gồm ba người: tôi, Toán và anh Hàn. Dù trước đây con đèo nhỏ này khá rậm rạp, nhưng bởi là một trong những trọng điểm đánh phá của bom Mĩ, nên giờ nó chỉ còn trơ ra những tảng đá vỡ trắng như xương và đất thì chẳng mấy khi không đỏ tươi như miếng thịt vừa bị xẻ.
Nhiệm vụ của chúng tôi khi đó là làm sao giữ được đường thông. Tảng sáng, khi những đoàn xe đã núp vào những cánh rừng rậm và máy bay địch cũng đã cút, chúng tôi mệt nhoài trở về hang đá sì sụp bát cháo rồi lăn kềnh ra ngủ. Hang ở ngay dưới chân đèo, ăn sâu vào lòng núi theo hướng đi lên, với đôi ba nhũ thạch từ trên trần rủ xuống hệt những linga, yoni, gợi vô cùng. Những ngày mùa mưa dài đằng đẵng không phải lên trọng điểm, tổ chúng tôi thường ngồi rít thuốc lào, và những linga, yoni kia luôn khơi mào cho các câu chuyện về đàn bà con gái (có khi là chuyện thật, mà cũng có khi chỉ là chuyện bốc phét, tưởng tượng).
Trong một lần như thế, có một chuyện mà thằng Toán kể (nó tên là Toán vì bố nó là một ông giáo làng, đẻ bốn đứa con lần lượt đặt tên là Toán Lý Hóa Văn) khiến cho không ít lần anh Hàn vẩu tuổi đã ngoài 40 nửa đêm còn lay lay tôi dậy để hỏi: “Này, chuyện có thật hả cậu? Thế cậu cũng biết bà này à? Người làng Thắng xã Bảo Hưng à?”. Vâng, sở dĩ bao giờ tôi cũng cam đoan với anh Hàn đây đúng là chuyện thật, vì tôi ít nhiều cũng tỏ tường về chị Hạnh, nhân vật chính trong câu chuyện. Chị là cán bộ xã, nơi tôi và thằng Toán đóng quân hồi mới nhập ngũ. Cứ mỗi khi đơn vị có liên hoan gì mời dân làng, chị ấy thường tham dự, vì chức trách cũng có, mà vì tình cảm cũng có (gia cảnh chị có chồng đi bộ đội nên chị có nhiều tình cảm với lính tráng). Chị trạc bốn mươi, thân hình đẫy đà, hàm răng đen nhưng nhức và đôi mắt lúc nào cũng như biết cười.
Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ như in, từ cách nhấn nhá đến ánh mắt như muốn bay vượt khỏi vùng ác liệt này của thằng Toán khi nó kể câu chuyện ấy. Dưới đây là câu chuyện của thằng Toán.
*
* *
Cuối những năm sáu mươi, sau khi nhập ngũ, chúng tôi huấn luyện ở một làng nhỏ thuộc huyện Gia Viễn Ninh Bình. Một đêm cuối năm, đơn vị báo động hành quân dã ngoại. Trong khi tất cả đơn vị súng ống nai nịt gọn gàng lên đường, thì tôi được đại đội trưởng Ngô Văn Lúa cắt lại để coi kho gạo. Đêm đông, gió lạnh bời bời, tôi co ro đứng gác ở một góc tối. Cái lạnh cũng không thể giúp tôi thắng sự mệt mỏi sau một ngày huấn luyện. Vừa rũ đầu xuống tôi chập chờn nghe như có tiếng bước chân người.
- Ai? - Tôi choàng dậy hướng súng về phía tiếng bước chân.
- Ấy, chị đây mà. Chú Toán hả.
Tôi thở phào. Hóa ra chị Hạnh chủ nhà.
- A, chị. Thế mà em cứ tưởng ai. Chị đi đâu thế này?
- Chị vừa đi họp trên Ủy ban về.
Chẳng kịp nghe tôi giả nhời, chị xăm xắn đi vào nhà. Lát sau, căn bếp bập bùng ánh lửa. Gió táp lạnh hai mang tai, mùi khoai nướng ngậy bùi và ánh lửa bập bùng ấm áp. Tôi chợt thấy đói cồn cào. Từ phía bếp, có tiếng chị gọi tên tôi. Ngập ngừng một chút, tôi quyết định đi vào. Ngọn lửa bập bùng cháy trên má, trong mắt, trông chị trẻ trung như thiếu nữ.
- Ngồi xuống đây - Chị đẩy chiếc ghế về phía tôi - Khoai chị vừa nướng đấy, ăn đi.
Tôi đón củ khoai chị đưa, vừa bóc vỏ, vừa thổi phù phù, rồi cho ngay vào mồm, vừa ăn vừa hít hà.
Ngoài ngõ có tiếng người í ới. Một lúc sau, hai cô gái quần đen túm, áo nâu gụ, mỗi cô vai khoác một khẩu súng bước vào. Họ sà xuống bên bếp. Hơi lửa, hơi đàn bà lan sang tôi. Một cái gì đó ấm áp, nhen nhen rạo rực. Ồn ào trêu đùa ít phút họ đứng dậy chào để đi tuần tiếp.
Tôi cũng bước ra ngoài để đi tuần sau khi đã chào chị và lễ phép trả lời vâng ạ khi chị mời nhớ quay lại. Cái lạnh như muôn vàn con kiến chui qua bộ quần áo sổng sểnh của tôi đốt nhôn nhốt trên da thịt khiến cho đôi chân tôi bước nhanh hơn. Đi hết một vòng, tôi quay lại. Bếp lửa vẫn cháy rừng rực, có lẽ do nóng nên khi ấy trên người chị chỉ có chiếc áo len mỏng lồ lộ bờ vai tròn đầy. Tôi xuýt xoa để chữa ngượng vì sự quay lại nhanh quá của mình:
- Ngồi trong bếp với chị ấm quá, ra ngoài lạnh nên ngại ghê.
- Ừ, bên ngoài lạnh thật. Giá thế này mà anh em hành quân dã ngoại lại nửa đêm phải bơi qua sông thì chịu thế nào được nhỉ. - Giọng chị xót xa.
![]() |
Minh họa: Lê Trí Dũng |
- Vâng. Ra mặt trận còn gian khổ hơn nhiều. Không những thế, lại phải thường xuyên đối mặt với kẻ thù, sống chết cũng chẳng biết sao. Rèn luyện càng kĩ thì càng bớt sơ sểnh chị ạ.
Hình như câu nói vừa rồi của tôi đã vô tình chạm phải một cái gì đó mà chị đang kìm nén khiến lòng chị bật lên một tiếng nức nở đớn đau. Chị nhanh tay quệt giọt nước mắt vừa ứa ra. Chị ngước lên nhìn tôi như muốn nói điều gì đó, lửa từ bếp in vào đôi mắt ấy như cũng đang bập bùng cháy. Tôi lặng im chờ chị cất lời. Nhưng không có lời nào cả. Người chị hơi phồng lên rồi hạ xuống từ từ bởi tiếng thở ra vừa bị nén xuống.
Chị nhìn ra ngoài trời, ánh mắt vời vợi thẳm như đêm.
- Chị có chuyện buồn phải không…?
Tôi hạ giọng ngập ngừng. Thấy chị không nói gì, ngồi thêm một chút, tôi đứng dậy chào xin phép chị. Chị hơi giật mình, miệng mỉm cười bối rối, ánh mắt ngượng nghịu như người có lỗi gật đầu chào lại.
Sau khi đi một vòng kiểm tra kho một lần nữa, tôi quay về giường ngủ. Lạnh thật. Gió từ đâu cứ như những mũi kim đâm vào da thịt. Chiếc chăn len mỏng quấn quanh người cứ kéo trên lại hở dưới, chẳng thấm tháp gì. Lạnh từ dưới gầm giường thốc lên, từ xung quanh thốc vào vây bọc lấy tôi. Hai hàm răng va vào nhau cầm cập, tôi co ro, ánh lửa ấm áp dưới căn bếp của chị Hạnh vẫn bập bùng đâu đó. Trong ánh lửa ấy, thấp thoáng ánh mắt thẳm đêm của chị. Tôi co mình sâu hơn trong chăn và bắt đầu đếm để quên đi ánh lửa.
Phía ngoài lẫn trong tiếng xào xào của gió, hình như có tiếng bước chân nhè nhè. Tôi giỏng tai. Liền sau đó là tiếng gõ khẽ vào cửa liếp:
- Toán ngủ chưa? Lấy thêm chăn mà đắp này không lạnh lắm đấy. - Tiếng chị Hạnh phía ngoài lào thào vọng vào.
Tôi chưa kịp ngồi dậy thì chị đã nâng liếp bước vào, tay cầm tấm chăn chiên.
- Nhưng chị đắp bằng gì? – Vẫn nằm trên giường, tôi ngỏng cổ lên hỏi.
- Chị ngồi dưới bếp sưởi cũng được, nhen lại rồi ngồi dưới đó ấm chán.
- Ôi, không được đâu. Chị cũng đã đi làm quần quật cả ngày rồi. Chị cứ đem chăn về mà đắp.
Tôi vùng dậy, dúi tấm chăn trả lại. Ngại ngùng cầm lấy, bần thần một chút, chị ngồi xuống bên giường tôi:
- Thôi, em cứ đắp đi, thằng cu hôm nay ngủ bên bà ngoại. Cái chăn chiên này cũng chẳng xi nhê gì với cái giá đêm nay, mang về mà đắp một mình thì cũng chẳng ngủ nổi.
Chị thừ người và vuột ra một tiếng thở dài. Bỗng nhiên, tôi có một đề nghị hết sức mạnh bạo:
- Hay chị không ngại thì ngủ bên này với em, chị em mình đắp chung chăn cho ấm.
Thật ra khi đề nghị như thế, tôi hoàn toàn vô tư, chẳng nghĩ một điều gì cả. Tôi mới mười tám tuổi, đã bao giờ biết chuyện đàn bà con gái đâu. Nhất là với một người phụ nữ gấp đôi tuổi như chị, lại còn là cán bộ xã nữa! Tôi chỉ đơn giản nghĩ làm sao cho qua được đêm đông giá lạnh này.
Thấy chị không nói gì, tôi kéo tay chị:
- Chị cứ nằm ở đây cho ấm ạ.
Chị thoáng quay mặt ra ngoài, nửa dợm muốn đứng lên, nửa muốn ngả xuống theo đà đẩy của tôi khiến tôi chợt hoảng:
- ...Chị ngại à? Hay...
Chị vội xua tay:
- Không có gì đâu. Mình là chị em mà.
Chị khẽ nằm xuống, ý nhị kéo chăn đắp cho tôi. Không biết vì có thêm tấm chăn, hay hơi ấm tỏa từ người chị - dù hai chị em vẫn có một khoảng cách, mà hai hàm răng của tôi đỡ va nhau lập cập.
- Lạnh quá, em không ngủ được. Quê em chẳng bao giờ lạnh thế này đâu.
Tiếng lá rụng xào xạc ngoài vườn. Hình như có tiếng chân ai đi qua. Chị nghển lên lắng nghe, rồi khẽ khàng ngồi dậy đi ra bên ngoài. Tôi thầm nghĩ có lẽ chị ngại, nên đã về phòng mình rồi. Một lát sau bỗng thấy chị rón rén đi vào. “Cái cửa bị gió làm bật ra, chị ra đóng lại cho gió đỡ lùa”. Giọng chị trở nên thì thầm. Tôi cảm nhận rõ cái rùng mình của chị. “Bên ngoài rét thật Toán ạ.”
- Em cũng lạnh chị ạ. May có hơi ấm của chị. Lần đầu em được biết đấy.
Giọng chị bỗng nhiên trở nên xa xôi, giống bâng quơ nhưng lại vô cùng da diết:
- Thế à. Thế ở quê chưa yêu ai à?
- Chưa chị ạ. Học xong lớp 10 là em nhập ngũ ngay, về đây đóng quân. Ít bữa nữa em vào chiến trường rồi.
Lặng im. Tôi nghe như có chút gì đó run run trong hơi thở của chị. Hình như chị vừa lẩm bẩm một điều gì đó. Hình như, lại vừa có một tiếng thở dài nén lại không kịp vuột ra. Chị khẽ cựa mình, cái cựa mình giống như để xích lại.
- Đêm cuối cùng, trước khi anh nhà chị ra đi. Thằng bé hôm ấy cũng ngủ bên bà ngoại, anh và chị cũng nằm thế này. Thế mà...
- Sao hả chị.
- Anh ấy không còn nữa. - Chị nói nhát gừng. - Sắp tròn ba năm rồi. Chị vẫn cố giấu, sợ mẹ anh ấy không...
Chị không nói nữa, có cảm cảm tưởng nỗi đau đè nghẹt chị xuống. Tôi lúng túng khẽ bám vào tay chị, như muốn chị sớt bớt cho mình.
- Chị - Tôi quay người về phía chị khẽ thì thầm định an ủi nhưng không biết nói gì.
Bỗng nhiên, chị bật khóc tức tưởi. Người chị rung lên từng đợt không cách gì kìm được. Thoáng hoảng hốt, tôi lờ mờ hiểu, phía sau những giọt nước mắt ấy, là tất cả tức tưởi, khổ đau của một người đàn bà có một nỗi mất mát lớn lao mà chẳng thể chia sớt. Lờ mờ hiểu những nỗi tủi thân và cả những khát khao, dồn nén đàn bà của chị…. Mới gần bốn mươi mà đã thành góa bụa.
- Chị…. Chị đừng khóc. Em thương chị lắm. Tôi khẽ lần xuôi xuống bàn tay chị và nắm lấy.
- Em hiểu. Những ngày qua, chị đã sống rất nghị lực. Em rất cảm phục và thương chị.
Chị nín thinh không nói gì mà chỉ lặng lẽ kéo chăn đắp lại cho tôi. Hơi thở của chị dần bình thường trở lại. Đây là lần đầu tiên tôi nằm chung chăn với một người đàn bà, biết hơi ấm, nghe hơi thở của một người đàn bà. Một cảm xúc mới mẻ bất chợt ào ra vừa lạ lẫm thích thú, vừa hoang mang. Bên ngoài, tiếng những chiếc lá khô rơi như mỗi lúc mỗi xào xạc mạnh. Tiếng gió rít u u cũng mỗi lúc một dày. Có lẽ đêm đã về khuya. Bên cạnh, chị liên tục cựa mình. Có lẽ chị đang lạnh, cái lạnh đến cả từ bên trong lẫn bên ngoài. Còn tôi, cố gắng nằm im không động cựa dù cảm xúc đê mê mới mẻ đến từ hơi ấm của chị trong tôi mỗi lúc một lớn và chảy lan đến tận từng tế bào. Đột nhiên, không hiểu động lực nào thôi thúc, tôi liều mình cầm lấy tay chị, kéo sát lại gần mình.
Chị ngoan ngoãn như một đứa trẻ. Ấm sực như một bếp than ủ kĩ đang hồng dần lên khi được cời ra.
Thoảng ngậy bùi mùi khoai nướng.
Thoảng nồng nã của lửa.
Mơ hồ có tiếng nuốt nước bọt khan. Tôi cũng không rõ đó là của mình hay của chị.
Chị kéo tay tôi đặt lên ngực mình. Hình như cúc áo chị đã được mở. Quả thực tôi cũng chẳng rõ là nó được mở sẵn hay do tôi, bằng cách nào đó đã bật nó ra. Phải. Khi ấy, tôi giống như kẻ bị thôi miên. Tất cả là một màn sương sữa và tôi thỏa sức vùng vẫy trong đó. Cái bản năng của thằng con trai mười tám tuổi trong tôi thức dậy thiêu rụi lí trí.
Tôi cũng không rõ nữa, tự tôi hay là chị, đưa bàn tay tôi đi khắp vồng ngực đã cương lên của chị, ve vuốt từ bầu vú này qua bầu vú kia. Hơi thở của tôi hòa cùng hơi thở chị, lặng vào mê man. Nó là một khúc hoan ca, rất cuồng nhiệt nhưng là cái cuồng nhiệt được nén chặt chứ không tung hê. Nén tê đến lịm đằm. Phải, khi ấy, tôi đã quên mất chị là ai, chỉ biết bên tôi lúc này là một người đàn bà mãnh liệt. Không còn khoảng cách, không còn lời nói, chỉ có những âm thanh không thành tiếng của khát khao, đê mê hoang dại.
Cú dướn mạnh khiến người đàn bà cô đơn bật lên một thanh âm hạnh phúc.
*
* *
Chiến tranh đúng là tương khắc với tình ái. Đi ra trận mà có hơi hám phụ nữ là rất phiền hà. Không rõ tôi nghe được câu này ở đâu mà thấy đúng thật. Trong một đêm vật lộn phá bom trên đường, Toán bị một mảnh văng vào ngực khi đang chạy về chỗ ẩn nấp. Cũng chẳng kịp trăng trối một lời. Người đưa Toán về hậu phương chôn cất là anh Hàn vẩu. Cứ tưởng anh như thanh thép đã tôi cứng rắn, vậy mà khi ôm xác Toán, anh khóc như mưa. Tôi cũng buốt hết gan ruột vì thương Toán, mà cũng thấy thương anh Hàn.
Cũng xin được nói thêm đôi lời về anh Hàn. Có nhẽ anh chưa tới bốn mươi, nhưng nhìn anh khắc khổ, ho hem lắm, trông cứ như ông cụ non. Nghe nói anh khổ từ lúc mới lọt lòng, mồ côi cha, mẹ đi bước nữa, anh phải sống với ông bố dượng chẳng ra gì. Thế rồi có đợt tuyển quân, anh trốn nhà đi theo luôn, một mạch hàng chục năm rừng rậm đến núi cao, hết đơn vị này sang đơn vị kia. Anh thâm trầm, ít nói, chẳng như chúng tôi bô lô ba la suốt ngày. Ngôn ngữ của anh chỉ là tiếng rít điếu cày sòng sọc. Bởi ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài, nên khi cánh tân binh chúng tôi sang, kể chuyện gì anh cũng say sưa nghe. Có khi còn đòi kể đi kể lại nhiều lần như chuyện của thằng Toán. Anh ngồi nghe im lặng, nghiêm trang, cứ như nuốt lấy từng lời.
Tôi cũng tưởng anh nghe cho vui thôi, chuyện lính tráng nơi bom rơi đạn nổ kể cho qua ngày, ai dè nó lại găm vào lòng anh sâu sắc quá thể. Ba năm sau hết chiến tranh, đơn vị chúng tôi hành quân về hậu phương, rồi anh em lần lượt được đi phép về thăm nhà. Đến ga Hàng Cỏ chúng tôi chia tay nhau, hẹn nửa tháng sau hết phép sẽ gặp lại nhau ở đơn vị.
Ai dè đâu chỉ mấy ngày sau, khi đang đánh trần ở sân lau chiếc xe đạp cũ cho mẹ, có một người lính khoác ba lô đi vào ngõ hỏi tên tôi. Tôi bật dậy ra đón.
- Anh Hàn!
Tôi reo lên mừng rỡ, kéo ngay anh vào nhà.
- Thế nào, ông bà cụ khỏe cả chứ ?
Đăt chiếc ba lô xuống, anh cất tiếng hỏi tôi.
- Cám ơn anh. Bố mẹ em khỏe anh ạ. Bố mẹ em đi làm chưa về.
Tôi pha trà mời anh:
- Anh uống đi. Còn anh thì sao?
Anh thủng thẳng nhấp ngụm trà:
- Cậu biết mà, bố mẹ mình mất hết rồi. Mà nói thật, mình cũng chưa về quê nữa.
“Ơ cái ông này, lạ nhỉ?”. Tôi thầm nghĩ.
- Thế anh đi đâu?
Tôi hỏi anh. Nhấp thêm một ngụm nước, anh đáp:
- Mình về quê thằng Toán, thăm bố mẹ nó, thắp cho nó nén nhang.
Tôi lặng người vì xúc động trước nghĩa cử của anh. Tôi thân với Toán hơn, mà đã chẳng nghĩ được sâu xa ân tình như anh.
- Cũng may giấy báo tử hai năm rồi, bố mẹ nó cũng có phần nguôi ngoai. Dù vậy, thấy bạn con từ đơn vị về thăm, các cụ cảm động lắm. Cứ muốn giữ mình lại làm con trong nhà. Sáng hôm sau mình đi, các cụ cứ bịn rịn mãi, mình hứa hàng năm thế nào cũng về thăm và chăm sóc các cụ.
Mắt anh ngân ngấn nước. Một lát, anh thầm thì ghé vào tai tôi:
- Này, nhà cậu ở thành phố, có được hút thuốc lào không?
- Thoải mái, chỉ ngặt nỗi nhà em không có điếu cày.
- Mình có đây.
Anh rút chiếc điếu cày tự tạo bé tí trong ba lô ra, cho chút nước vào đấy, rồi vê thuốc, tra nõ, châm lửa rít sòng sọc đầy khoan khoái phả khói mù mịt căn phòng khiến nhà tôi hệt như chiếc hang đá nơi đèo Ngam.
- Thế rồi cậu biết tôi đi đâu không?
Tôi lắc đầu, và nhìn anh đầy chăm chú.
- Mình đến Gia Viễn, nơi các cậu đóng quân ngày xưa ấy. Mình tìm vào nhà chị Hạnh.
- Ôi giời - Tôi thốt lên vì ông anh này làm tôi hết kinh ngạc này đến kinh ngạc kia - Cái cớ làm sao mà anh đi tìm chị Hạnh?
- Chắc cậu ngạc nhiên lắm phải không. Qua thăm nhà thằng Toán xong, mình bắt xe khách một lèo về làng Thắng tìm nhà chị Hạnh. Khi mình khoác ba lô vào, chị ấy hết sức ngạc nhiên, không hiểu mình là ai, là người lính nào năm xưa đã đóng quân ở đây? Nhưng đón tiếp thì nồng hậu lắm. Chị kể sau chiến tranh, thỉnh thoảng cũng có những người lính năm xưa ở đâu tạt về thăm nom bà con xóm làng. Họ đều ít nhiều có ân tình với mảnh đất này… Mình cũng nói thật là chưa đóng quân ở đây bao giờ, mà chỉ có anh em trong đơn vị cũ như cậu Toán, cậu Huân từng ở đây mà thôi. Khiếp thế, cả ngàn quân qua miền đất này, mà nhắc tên các cậu, bà ấy nhớ ra ngay. Khi nói cậu Toán đã hi sinh, chị ấy sụt sùi, nói khổ thân cậu ấy, còn trẻ trung yêu đời lắm.
Chị ấy cũng kể cái đêm khi gần đến ngày cậu ấy đi ra trận, lạnh quá, chị em còn nắm tay tỉ tê với nhau trong gian phòng kia, vậy mà bây giờ đã thành ra người âm, người dương cách trở. Lúc bấy giờ, tớ mới tâm sự thật. Cũng bởi tâm sự cậu Toán mà tôi mới biết chị, thấy rất cảm thông và quý trọng. Tôi thì cha mẹ mất sớm, mười sáu tuổi đã trốn nhà nhập ngũ một mạch chiến trường cho tới hôm nay, cũng chưa từng biết đàn bà con gái nó ra làm sao. Người duy nhất mà tôi biết chính là chị qua chuyện thằng Toán kể, mà từ đó đem lòng cảm thông, thèm muốn (Là tôi nói thật, xin chị bỏ lỗi).
Cho nên giờ đã hòa bình, tôi nhất quyết đi tìm chị, trước là để kể chuyện anh em cho chị hay, sau là xem tình cảnh ý tứ chị thế nào, có thể giúp gì được cho chị hay không? Có lẽ thấy mình ăn nói thật tình, nên chị ấy xem ra cũng cảm động, cho hay, con trai đã lớn, nhập ngũ và đi học sĩ quan rồi, nên chị ấy giờ chỉ có một thân một mình, đèn khuya hiu hắt. Tớ mới chân tình nói, giờ đất nước hòa bình rồi, tôi cũng đã lớn tuổi, chiến tranh thì loại lính như tôi còn đắt, chứ hòa bình thì về cầm cày cầm cuốc thôi, nếu chị không chê tôi sẽ về đây ở hẳn với chị. Chị ấy khóc như mưa cậu ạ. Chị ấy nói tớ không đùa đấy chứ, tớ bảo có hương hồn thằng Toán kia, làm sao mà tôi dám đùa với chị. Hơn nữa, nếu không về đây với chị, thì tôi cũng về làng cầm cái cày, rồi tìm một bà góa bụa trong làng mà chắp nối thôi. Chẳng thà tôi được về ở với người đàn bà là chị mà tôi đã tơ tưởng suốt bao ngày tháng qua nơi bom rơi đạn nổ?
...Anh Hàn vội ra đi. Nhìn bóng anh lầm lũi khoác ba lô trên đường ra bến xe để về quê thăm họ hàng, rồi sau đó như anh nói sẽ nhanh chóng về làng Thắng ở ít ngày với chị Hạnh trước khi về đơn vị, thú thật tôi xốn xang không để chỗ nào hết.
Tôi cứ mường tượng một sáng mùa xuân tươi đẹp, trên con đường dẫn về làng Thắng có những lùm cây dại nở những bông hoa tím hoa vàng lấm tấm, bầy chim én thì cứ chao nghiêng giữa trời dệt trên đầu chúng ta những bài ca Và một người lính - là anh Hàn của chúng tôi, vai khoác ba lô đi thẳng vào nhà chị Hạnh. Có lẽ, cả buổi sáng mùa xuân ấy sẽ cùng hân hoan với hạnh phúc của anh chị, một hạnh phúc muộn màng sau những ngày chiến tranh và chỉ dành riêng cho trái tim người lính diệu kì!
C.L.V
Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội
{name} - {time}