Lòng tự trọng

Bà lão bảy mươi tuổi lẻ, từng bị tai biến não nên tê liệt nhẹ, khi di chuyển kéo lê một chân, một tay cứng đơ cử động chậm chạp.

long tu trong

Minh họa: Đặng Hồng Quân

Thị xã nhỏ, công việc buộc tôi thường chạy xe máy ngoài đường nên tôi hay thấy bà lão tàn tật đáng thương vai mang cái xắc nhỏ chào mời mọi người mua vé số.

Không nhớ từ lúc nào, ở các nơi tôi đến làm việc, người ta thường tặng phong bì. Không nhiều, vài ba trăm ngàn, với đôi lời biện bạch để dùng bữa cơm, hẹn dịp khác rảnh rỗi sẽ nhậu lai rai tâm sự.

Mỗi lần có phong bì, tôi không quên chia sẻ cùng bà lão, không vì tôi mơ làm tỉ phú, tôi cũng biết sáng mua vé số chỉ để chiều xé và giúp cán bộ công ty xổ số có thu nhập ngất ngưởng nhưng vì hoàn cảnh đáng thương của bà. Bởi có lần hỏi chuyện, tôi biết bà lão bán vé số không con cháu, phải tự kiếm sống.

Tôi làm phóng viên cho một tờ báo địa phương. Thời ngồi ghế nhà trường, tôi chưa hề nghĩ mình sẽ trở thành nhà báo, dù tôi học môn văn luôn đạt điểm cao. Chú tôi là chức sắc ở địa phương ấn tôi về tòa soạn báo, dù tôi tốt nghiệp đại học ngành thủy lợi.

Tôi phản ứng yếu ớt thì chú nghiêm mặt: “Làm thủy lợi chỉ khai thông đường nước cho một cánh đồng, còn làm báo khai thông dòng tư tưởng cho cả xã hội. Cháu thấy nhiệm vụ nào vinh quang hơn?”. Thật tình tôi nghĩ được đi làm sớm thì có lương sớm, không ăn bám cha mẹ chứ không nghĩ nhiệm vụ vinh quang hay hèn mọn gì!

Chú tôi điện thoại: “Thằng X sắp được phong thống chế ngành xây dựng. Cháu viết một bài về nó đi. Chú giới thiệu cháu với nó rồi”. X là chủ tịch một tập đoàn xây dựng lớn, trúng thầu xây dựng hầu hết các công trình có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước như cầu cống, đường sá, bến cảng, trụ sở cơ quan trong khu vực. Tôi biết X không chỉ là cánh hẩu với chú tôi mà còn cánh hẩu với lô lốc vị chức sắc khác. Nếu không, dễ gì hằng năm X bú bầu sữa ngân sách ngọt sớt vài trăm tỉ đồng.

Vừa gặp, chủ tịch X dúi ngay vào tay tôi tập báo cáo thành tích đề nghị phong tặng danh hiệu tuyệt đại cao quý ngành xây dựng. Ông xua tay khi tôi bấm máy ghi âm: “Tất cả đều gói trong này. Em nghiên cứu rồi viết chứ anh kể lể dông dài lắm”.

Tôi liếc nhanh, người khai báo thành tích báo cáo đầy đủ từ thành phần xuất thân, bước đầu khởi nghiệp, các công trình xây dựng đã hoàn thành, các đóng góp vật chất cho xã hội, các chương trình từ thiện ủng hộ người nghèo...

Tôi chỉ hỏi thêm một câu ngắn: “Ông tâm đắc nhất là chương trình từ thiện nào mà ông và tập đoàn đã triển khai?”. Ông X cười hóm hỉnh: “Cái tâm đắc nhất là cái mình còn ấp ủ. Giàu có, làm ra tiền đến phát ngán thì khi chết cũng đâu mang xuống âm phủ xài được? Sắp tới tôi sẽ xây một nhà dưỡng lão để nuôi dưỡng khoảng một trăm người nghèo neo đơn, tàn tật”.

Tôi hí hoáy ghi chép, hân hoan tán thành ý tưởng nhân đạo của một doanh nhân thành đạt biết cảm thông, chia sẻ với người bất hạnh. Tôi sẽ lấy câu tuyên bố này để giật cái sa-pô cho bài báo hoành tráng viết theo tập tài liệu dầy cộm có trong tay.

Thằng đồng nghiệp chụp ảnh đi cùng hoan hỉ lắm, nó lạc giọng: “Phong bì tới hai triệu lận, mày ạ!”. Thì ra khi hai thằng bước xuống cầu thang, nó đã sè sẹ mở phong bì đếm mấy tờ giấy bạc. Thôi thì cũng bõ công nó nghiêng ngó tìm góc cạnh đẹp nhất để chụp ảnh chân dung ông thống chế ngành xây dựng của địa phương. Còn tôi, tôi thầm so sánh, hai triệu là thu nhập cả tháng tôi chạy xe máy khắp hang cùng ngõ hẻm để lấy tin chó cán xe.

Tôi quên bẵng cái nhà dưỡng lão của thống chế X một thời gian dài, cho đến một trưa nắng đổ lửa, tôi thấy bà lão tàn tật lê lết men theo các mái hiên trên đường phố. Chiều đó, xong việc sớm, tôi tạt vào trụ sở tập đoàn X.

Tiếp tôi là một chủ tịch trẻ. “Ông X là ba cháu. Ba cháu bàn giao cho cháu quản lý tập đoàn ở Việt Nam, còn ông đã định cư ở Huê Kỳ”. Tôi vớt vát: “Còn dự án nhà dưỡng lão ba cháu tuyên bố với báo chí?”. Tân chủ tịch tập đoàn nhún vai: “Cháu đâu nghe ba cháu nói gì về dự án đó”.

Về nhà, tôi nhận được thiệp mời dự tiệc tiễn đứa em con chú tôi đi du học Mỹ. Tôi nhiều lần nghe thím tôi bàn bạc trong gia đình chuyện em gái đi học và tìm cách định cư ở nước ngoài. Nếu em có quốc tịch nước ngoài thì chú thím tôi cũng có cơ hội có thêm một quốc tịch thứ hai khi chú tôi đã nghỉ hưu. Vì sao nhiều người làm giàu nhờ xứ sở này lại muốn bỏ quê hương?

Có lần tôi trót hứa với bà lão bán vé số sẽ xin cho bà một chiếc giường trong nhà dưỡng lão một trăm chỗ nên tôi tránh bà dù vẫn thường thấy bà trên phố. Trưa nay, tôi tấp vào một cây xăng để đổ xăng thì gặp bà nhưng bà tảng lờ như không nhận ra tôi.

Tôi vồn vã: “Chào bác, bác không nhận ra cháu sao?”. Bà cười móm mém: “Sao không nhận ra cậu. Nhưng tôi bán cho cậu toàn vé số trật nên gặp cậu tôi ngại ngùng lắm. Tôi không thể lạm dụng lòng tốt của cậu”. Tôi đùa: “Bác mà biết vé số sẽ trúng thì bác đâu có bán cho mọi người”. Dù hôm nay không có phong bì nhưng tôi cũng mua giúp bà lão năm tờ vé số.

Đêm đó, tôi xem tivi thấy cảnh chú tôi thăm một xã miền núi. Chú động viên người dân về tinh thần kiên trì bám đất sản xuất, chung tay xây dựng bản làng. Chú trò chuyện rất chân tình giống như ông X ngày nào nói với tôi về mục đích xây dựng nhà dưỡng lão. Và tôi nhớ đến bài báo bốc thơm của mình, cũng như thái độ miễn cưỡng của bà lão bán vé số trưa nay khi trao năm tờ vé số cho tôi.

Truyện ngắn 1.178 chữ của HỒ VIỆT KHUÊ

Theo tuoitre.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast