Ngoài kia có mưa rơi

Nếu ai đã từng đến vùng đất này hẳn không thể nào quên được cái vùng đất hoang vu nơi đây. Đất trời miền trung nắng như rang, cát trắng đến nhức mắt. Và chao ôi là gió Lào...

Thu không hiểu tại sao lại có thứ gió tinh quái đến thế không biết. Phần phật thổi, khô coong cả lá cây và cả những đám cỏ mọc hoang hoải chờ mưa đến sém vàng. Từ chỗ công trình cũ về đây, mất gần một ngày trên ô tô để chuyển từ một nơi thâm u có thác có rừng về gần đến thị xã làm Thu rã mệt. Đời công nhân làm đường, Thu không ngạc nhiên về những nơi mình sẽ đến.

Ngoài kia có mưa rơi ảnh 1
Ảnh: Internet

Cũng giống nhau cả thôi, nhưng về đến đây, Thu mới biết được rằng tại sao nơi này người ta gọi là chảo lửa. Nắng đến nỗi con người nơi đây chai lì, đen nhẻm và cộc tính làm cho Thu ngần ngại. Hầu hết công nhân chuyển từ chỗ làm cũ về đây đều không khỏi ngạc nhiên nhưng họ im lặng, có bao người đã từng đi qua những nơi thâm u, sống hoang trong rừng sâu hàng năm trời, mưa rừng có, lũ có, sốt rét có nhưng họ không ngờ đến cái nắng như nung con người ta đến khô cạn như nơi đây. Cũng có năm ba người chán nản thậm chí thề độc rằng sẽ bỏ nghề, sẽ về quê hương nhưng rồi không ai có can đảm từ bỏ cái nghề lang thang này. Nó đã in vào máu rồi, lâu lâu không thấy mùi xi măng sắt thép là trong người cứ cuống cả lên, chộn rộn làm sao ấy.

Thu và đám đàn bà con gái hì hục rinh nồi niêu song chảo xuống tập kết trên một mô đất trống. Những người đi tốp đầu đã vào đây từ tuần trước, họ đã dựng nhà tranh cót ép chờ sẵn, giúp mang vác dụng cụ xuống vừa cười vừa vỗ vai nhau. Sau khi thu xếp mọi thứ cô mới lại chỗ thùng xe xách lồng gà xuống đặt vào bóng cây rồi vội vã đi tìm nước uống cho chúng. Thói quen của Thu bao giờ cũng làm cho công nhân công trường ấm áp phần nào. Dẫu họ đang làm việc ở đâu, chỗ núi non hiểm trở hay bãi đất trống mênh mông không một bóng người xung quanh chỉ toàn là cỏ lác và những đám cỏ lau trắng trời của một vùng chưa bao giờ họ đặt chân qua khi nghe tiếng gà gáy đều chạnh lòng, thân thuộc lắm, cứ ngỡ như là quê hương trong tim mình, là những bóng nắng hột vịt dọi qua mái tranh mà khi ra đi mình chưa kịp lợp lại, để bây giờ thấy nhớ là lạ, nhớ thoảng như mùi bùn, mùi đất, mùi phân trâu, mùi lúa mới...

Thu cũng nhớ quê hương đến nao lòng, nhưng đi là đi. Bỏ mặc anh chị và cháu. Những đứa cháu nhỏ đầu đầy sài và thân đầy ghẻ lở mà mỗi chiều Thu thường đi tìm nước đắng về đun tắm cho chúng. Nhiều đêm, Thu cứ nghĩ, không biết cái đầu của thằng cả đã lành hẳn sài chưa, con bé con có còn gãi ngứa suốt đêm không ngủ mà trằn trọc mãi. Thu mồ côi cha từ khi chưa lọt lòng mẹ, rồi cũng không thấy mặt mẹ khi bà cũng bỏ cô mà đi khi sinh cô. Anh cả đã nuôi Thu như nuôi thêm một người con, cho Thu ăn học nên người như bao nhiêu đứa con gái trong làng ngày trước.

Thu cứ thế lớn lên như những thôn nữ khác trong làng nếu định mệnh không cho cô gặp người ấy. Người ấy là kĩ sư cầu đường về thi công cây cầu bắc qua dòng sông Thơm quê Thu. Lúc đó Thu chỉ như một búp sen non vừa chớm vụt lên khỏi mặt nước. Hai má ửng trái đào lấp ló sau làn nón và đôi vú chỉ nhỉnh hơn chỏm cau làm người ấy mê mệt. Rồi tán tỉnh. Rồi hẹn hò. Rồi những đêm trăng đầy sao trên bờ đê. Rồi say rồi tỉnh. Thu cứ sống như thế cho đến khi chiếc cầu mới sừng sững vươn dài từ bờ bên này sang bên kia sông. Người ta về khánh thành rồi ra đi không một lời từ biệt. Thu bỏ làng đi tìm một lời giải thích, lang thang hết công trường này sang công trường khác. Riết rồi quen. Dẫu trong thâm tâm chỉ đôi ba lần gợn lại chuyện cũ, không còn cả ý định kiếm tìm nhưng không thể bỏ được cuộc sống công trường vốn đã thân thuộc với Thu lắm lắm.

Với Thu, mỗi lần chuyển nơi ở mới là bắt đầu một cuộc sống mới. Đôi lúc ngồi nhìn hoàng hôn xuống sau những bờ lau thành những vệt vàng như bột màu nước vừa vẽ, Thu lại chạnh lòng nghĩ về mình. Từng này tuổi ở quê, chắc bây giờ Thu cũng đã có đến vài mặt con với một anh nông dân nào đó rồi. Không có thể là một anh chồng làm công tác trên xã oai như anh trai cô ngày trước. Nhưng nghĩ chán rồi lại thích cuộc sống bây giờ của mình hơn, phải liều lĩnh một tí, mưu mô một tí và táo bạo một tí.

Trong nhóm nấu ăn cho công trường ở đây có bốn chị em gái cũng trạc tuổi Thu. Họ cũng có bao nhiêu phận đời bất trắc. Người chồng bỏ, người lỡ thì, người tình phụ ở trong một nhà với nhau. Mỗi người một tính. Thương nhau cau sáu bổ ba. Hồi Thu mới đến ai cũng quan tâm săn sóc cô chu đáo kể cả bày cho cô những điều mà gái quê như cô, dẫu có táo bạo đằng trời, nằm mơ cũng không thể nào biết được.

Công trường có đến bốn chục người đàn ông sống xa gia đình. Với họ bốn người phụ nữ bây giờ, dẫu có thô lỗ cục cằn đến đâu cũng đáng yêu, đáng được nâng niu trong những đêm cô đơn. Thu dần học được những mánh khó rất đàn bà. Trong những chia khẩu phần dù của ai cô cũng giấu một ít thức ăn ngon ở dưới. Những người đàn ông, những kẻ háu ăn cứ ngỡ mình được người ta ưu tiên dành phần đều tỏ ra quý mến. Họ vây xung quanh và cô cứ thế ban phát nụ cười, ánh mắt và cả những đêm trắng trên những vệ cỏ nhàu nhĩ sương đêm cho hết những người đàn ông này đến những người đàn ông khác.

Có những đêm về khuya Thu không ngủ, lặng lẽ ngồi bên bờ sông đếm sao chờ trời sáng mà thoáng giật mình. Những tiếng thở rất khẽ, tiếng rên rỉ, tiếng cười hoà lẫn vào nhau làm cô bớt cô đơn. Tiếng cười đó có khi là của Thu, của Phấn, của chị Hạ hay của ai đi chăng nữa thì suy cho cùng, họ cũng là đàn bà. Được cái họ không ganh tị, ghen ghét nhau. Ai cũng thế, ngày mai đây, trong khi nấu ăn họ lại thì thầm to nhỏ, lại kể chuyện hồi hôm của họ cho cả bốn người nghe và cười với nhau, có khi còn đấm vai nhau khanh khách.

Nhiều lúc, Thu nghĩ gái công trường không khác gì những người tận cùng của xã hội. Họ có thể là những gái điếm chuyên nghiệp khi có những mánh khoé mồi chài đàn ông nhưng rồi nghĩ lại, thẳm sâu trong họ có ai nghĩ đến một gia đình? Có chứ, có bốn người đàn bà nếu tính sẽ có đến hàng trăm giấc mơ, nhưng chỉ là vô vọng. Hi vọng làm gì để rồi tuyệt vọng, thà cứ sống thế còn hơn. Hưởng thụ như thế còn hơn, rồi một ngày nào đó họ cũng bỏ các cô mà đi, chỉ còn những người đàn bà là ở lại với trái tim trống rỗng, đau đớn. Cũng chẳng ai trách họ, có thể những người đàn ông kia họ biết nhưng họ vẫn im lặng đấy sao, họ lợi dụng, tham ăn như những con thú đói.

Thu ngồi bên thùng nước, chỗ trông ra vạt mua tím um tùm. Cô ngồi gỡ tóc. Mồ hôi, bụi đường quện lẫn vào nhau. Trời bắt đầu về chiều. Từng đàn chim chấp chới bay vạch trên nền trời những nét đen nho nhỏ. Bầu trời trong xanh đầy gió. Lạ lùng thay, miền trung, bầu trời cứ như pha mực vậy. Thu nhìn những bông lau trắng. Màu trắng buồn như màu tang vụt lên hẳn khỏi những vạt cây bụi xanh thẫm. Mấy người đàn bà đã sắp xong đồ đạc, loay hoay chuẩn bị bữa tối. Trên mặt họ, bụi đường còn lem theo đường bàn tay. Cứ thế họ làm cho đến tối mịt, khi trăng lên rủ nhau đi tắm sông cho mát.

Đêm trăng. Dòng sông sáng lấp lánh soi rõ thân hình bốn người đàn bà tắm. Vú họ tròn căng. Họ lỡ thì nhưng chưa già, cái già sẽ chỉ đến với họ trong vài năm nữa cũng nên. Thu đứng chần chừ lưng chừng mặt nước. Nước ngập đến rốn, mơn man trên da thịt người đàn bà sung mãn,. Không nghĩ ngợi nhiều, cô hất nước, mặc cho nước chảy tràn lên mặt, lên tóc chảy tràn lên lưng như ve vuốt. Chị Phấn thì thầm vào tai Thu:

- Mày thấy thằng kĩ sư mới về hồi chiều không, ngon đấy! Nó chắc cũng trạc tuổi mày. Chúng tao quyết định nhường mày đấy, biết đâu chúng mày bén hơi nhau.

Thu đứng sững. Thu không nghĩ đến việc sẽ mồi chài tên kĩ sư mới về lúc chiều. Ngày xưa, người ấy về làng trời cũng vội vàng đổ mưa như hôm nay. Áo trắng quần tây nhem nhuốc đất đỏ, trông gã như móc lên từ cống vừa giận vừa thương. Ông quản đốc gọi Thu lên đưa nước nóng cho gã tắm kẻo cảm lạnh đã không quên ghé vào tai Thu những lời bóng gió, ghen tuông vớ vẩn. Thu đâu có nghĩ gì đến ông. Cái đầu hói đã hơn một lần đè Thu trên bãi cỏ gần bờ sông và tiếng rên chen lẫn nuốt nước miếng ừng ực như trẻ con tu sữa làm Thu ơn ớn. Ông ta nghĩ rằng chỉ ông mới có đặc quyền ngủ với người đẹp. Thu rủa thầm ông ta lẫn thách thức. Trong công trường này, ham muốn đều thuộc về đàn bà, ban phát cho ai là quyền của họ. Thủ trưởng cũng như anh làm thuê cũng phải cúi đầu chấp nhận.

Gã kỉ sư không nằm trong kế hoạch chinh phục của Thu. Cứ nghe đến kĩ sư là Thu lại thấy chạnh lòng nghĩ đến người ấy, người đã làm cuộc đời Thu thay đổi đến không ngờ. Thu đã đi qua bao nhiêu đời những người đàn ông nhưng tình cảm thì không như thế. Nó ngủ yên rồi, ngủ yên hay đã chết đi cùng người ấy. Những thứ tình cảm sau này cứ na ná tình yêu. Ngày xưa ở với người ấy, Thu sống một cách hồn nhiên, kiếm tìm hạnh phúc khi gối đầu trên tay người ấy. Bàn tay người ấy đã làm Thu tan chảy như nước nước sông mà không hề gợn một điều gì. Những người đàn ông sau này, kể cả đầu hói Thu đều dửng dưng như không.

- Chị Thu ngồi một mình ở đây sao?

Câu hỏi làm Thu giật mình nhưng nhanh chóng lấy lại bình tĩnh:

- Chỗ này là của cậu?- Thu ra vẻ khó chịu khi nhận ra tên kĩ sư mới về hồi chiều. Hắn ta cũng giống như bao nhiêu người đàn ông khác đều hỏi Thu như thế. Sau đó họ lại bắt đầu giở trò tán tỉnh, thậm chí vội vàng ôm chầm lấy Thu một cách thô lỗ để rồi ăn liền vài cái tát. Nào thằng bé! Thu nghĩ thầm, mày thử ngồi xuống đây xem, mày tán tỉnh bà xem, bà đã có cả một bộ sưu tập đàn ông rồi, mày sẽ không là một ngoại lệ.

- Không, tôi xin lỗi

Hắn nói rồi bỏ đi. Thu ngồi một mình nhìn theo bóng hắn. Một cảm xúc khó tả vây lấy cô. Những người đàn ông ở công trường này đều khác, không có cái tính lịch sự tế nhị như vậy, không thích điều gì là họ nói, họ văng tục nhấm nhẳn.

Thu ngồi bứt hết đám cỏ thẹn đang khép cánh. Những bông hoa hồng hồng tròn như hòn bi bông. Không mùi thơm chỉ có mùi cây đứt gãy ngai ngái. Lạ thay cái thứ cỏ thẹn, nó có thể mọc ở bất cứ đâu, bên nách tường nứt nẻ hay giữa đồng cỏ mênh mông cũng nở hoa với một sức sống bền bỉ. Thu thấy mình giống thế, như bông cỏ thẹn, dẫu sống ở đâu, dẫu thân mình bị tổn thương nhưng thẳm sâu trong tâm hồn cũng mong một lần được bình yên trọn vẹn, được là chính mình, được bù đắp những khát khao mà chắc không ai hiểu nổi.

Gà eo óc gáy sáng. Hồi đêm, Thu mơ hồ ngửi thấy trong gió mùi thơm của mít chín đến nỗi trong mơ cô thấy mình đi khắp vườn nhà vỗ mít. Thu cùng chị Phấn đi hết một vòng chợ tìm mít. Chị Phấn thì thầm:

- Hay mày chậm ngày rồi?

- Không, em chỉ thấy nhớ mít quê mình thôi.

- Tao cứ tưởng - chị Phấn nói rồi thở dài - tao cũng đôi lần mong mình có một đứa con làm bạn cho vui. Sau này, khi chân không vững, lưng đã còng còn có người mà dựa. Nhưng rồi cứ mỗi lần quá ngày tao lại sợ, một cảm giác mơ hồ khó tả lắm.

Hai chị em đi cùng chợ rồi về. Có thể Thu nằm mơ, mùa này mít cũng đã vào độ cuối rồi may ra còn đôi trái sót lại chín muộn. Công trường vừa sáng đã bụi mù. Khu nhà ăn nằm lọt thỏm trong bờ lau dày tránh bụi, lại gần bờ sông nên tương đối mát. Công nhân bịt mặt khín mít, mặc quần áo bảo hộ, không ai nhận ra ai. Thu xách nước đi vào khu nhà chính làm trụ sở, gã kĩ sư hồi hôm đang hí hoáy bên bản đồ án thiết kế, thấy Thu chợt quay lại cười.

- Chị vào đi?

- Cậu nhận ra tôi?

- Chị ư, làm sao tôi nhầm được. À tôi không tranh chỗ ngồi của chị đâu bãi cỏ đó là của chị. Chị thích hoa trinh nữ đó?

- Hoa trinh nữ ? - Thu ngạc nhiên - ý anh muốn nói đến đám cỏ thẹn hồng hồng đó?

- Đó là hoa trinh nữ đấy chị ạ. Có một câu chuyên thế này: ngày xưa có một vị vua trẻ xuất binh đi dẹp giặc ngoại xâm nơi biên ải. Khi nghỉ chân bên rừng chàng gặp một người con gái xinh đẹp cùng dân làng ra mời chàng uống nước, nhà vua đem lòng yêu nàng, hứa hẹn sẽ quay về đón nàng khi chiến thắng trở về. Nhưng chàng trai đã không trở lại, không ai biết tin gì về chàng. Có tin rằng chàng đã hi sinh ngoài trận mạc, cũng có tin chàng đã hồi cung. Con người con gái ấy cứ chờ chờ mãi. Khi nước trên núi đóng từng mảng băng rồi băng cũng tan, khi hoa mơ hoa mận bật bông trắng rừng cho đến khi tiếng cuốc kêu văng vẳng trong rừng sâu nghe não ruột mà nhà vua cũng không trở lại. Mùa thu năm ấy, người ta tìm thấy nàng nằm chết bên gốc cây ngày xưa nhà vua trẻ từng ngồi. Ở đó mọc lên một loài hoa người dân gọi là hoa trinh nữ.

- Thế nhà vua chết trận hay hồi cung?- Thu hỏi dồn.

- Tôi cũng không biết nữa.

***

Trời đang nắng đột nhiên xập xìu buồn. Cứ chiều đến, công trường như cô đơn bé nhỏ trong cái không gian tranh tối tranh sáng. Công trường nằm ở rìa làng. Nơi đây chỉ toàn là xương rồng và cỏ thẹn mọc hoang. Lọt thỏm ở giữa là nghĩa địa đìu hiu lô nhô gò mả. Đã mấy ngày nay, dân trong làng ra đó thường xuyên, nghĩa địa nằm trong vùng quy hoạch làm đường nên phải giải toả. Mộ cũ bốc, mộ mới cũng bốc, gạch đá xây rồi đập ngổn ngang cả một bãi cỏ hoang. Mỗi sáng, mùi hương trầm thoảng bay lởn vởn trong bóng đêm chưa kịp tan sương lành lạnh. Thu thoáng buồn, tất cả rồi cũng phải thay đổi thôi, chỉ là thời gian, nhanh hay chậm nào có sá gì. Con người cũng thay đổi đã đành nhưng thiên nhiên cũng thay đổi.

Sẽ không còn chỗ nào bình yên cho con người một góc để khi chạnh lòng chợt nghĩ về mình mà nhung nhớ. Giờ đây, nơi này chỉ còn lại dòng sông. Ban đầu người ta định lấp để làm lệch dòng chảy của nó nhưng sau dần không đủ kinh phí họ quyết định giữ lại làm cầu vì thế dẫu công trường đến thi công dòng sông vẫn giữ được hồn cốt của nó. Lục bình vẫn trôi và hoa thẹn vẫn tốt bời bời lan ra cả mép sông xấp xoã nước. Không hiểu sao Thu thấy yêu nơi này. Mùi mít chín thoảng qua, mùi sen non, mùi bùn và cả những bông lau trắng ngút trời làm Thu yên lòng. Tình cảm đó thân thuộc đến mức nhiều lúc Thu thấy nó giống như một bài ca, chỉ tiếc một điều bài ca đó đã được hát lâu rồi. Thời gian trôi nhanh quá nên quên mất. Trí nhớ chỉ gợn gợn được một phần mỏng như khói mà thôi.

Thu ngồi đếm ngón tay mình, bàn tay thon dài từng ngón giờ đã nổi chai lần tìm bầu ngực mà nghe lòng như suối vỡ. Chiều nay, lúc nhổ tóc ngứa cho chị Phấn, Thu thấy chị cầm những sợi tóc trắng thở dài:

- Tao già rồi chúng mày ạ

Chị nói rồi lặng im nhìn những đám mây trôi đi. Cả bốn chị em nằm nghe gió thốc qua lòng lành lạnh. Thế là thêm một mùa thu qua đi mà chẳng một ai lấy được chồng. Bốn người sống tạm bợ trong các lán trại, rồi lại theo công trình chuyển đi, lang thang như khách thương hồ nhưng chỉ thiếu mỗi rượu. Mà rượu cũng chẳng làm được gì. Họ cũng không cần phải say, không cần phải quên. Hình như ai cũng yên phận như thế thì phải. Riêng chỉ mình Thu. Nhìn các chị ngủ ngon lành sau những tiếng thở dài tuyệt vọng Thu lại thấy chạnh lòng. Thu ước mình có thể về quê trong một buổi chiều nắng xiên khoai ngoài hiên.

Nắng tháng tám hanh nồng hơi may bảng lảng. Thu xấp xoãi giữa bờ đê, mặc cho cỏ may găm đầy ống quần. Chiếc nón quai tím không phải che ngang mặt. Thu cứ để cho gió cứ thế thốc vào trong tóc. Nhưng Thu không thể trở về, công trường là máu thịt của Thu rồi không thể dứt lòng mà đi được nữa. Quê hương ư, Thu nhớ lắm, thương lắm. Thương người anh giống như một người cha, chắc bây giờ anh ấy tóc cũng đã bạc lắm rồi, không biết có ai mỗi chiều ngồi bên hàng hiên nhổ tóc cho anh mà hát “Còn thương rau đắng mọc sau hè” cho anh nghe nữa không. Thương đứa cháu nhỏ bị sài chắc bây giờ cũng trạc bằng tuổi Thu ngày ấy có ngồi trên bờ đê trong những đêm trăng mà hẹn hò với những anh trai làng chất phác? Thu lại còn thương cả người ấy, liệu có trở về tìm Thu hay không khi cô tin anh không phải là loại đàn ông trăng gió bình thường!

Nghĩ miết rồi ốm ra, Thu sốt và nằm mê man mãi. Kỉ niệm chắp vá hiện về như trăng lúc mờ lúc tỏ. Chị Phấn, lão hói và cả tay kĩ sư mới về đều hốt hoảng. Họ lay gọi Thu, nấu nước xông, vỗ trán cho Thu. Thu biết nhưng chỉ lặng im không trả lời, không mở mắt. Thu muốn nằm mà thấy lòng bình yên, nhẹ như cơn gió ngoài kia đang se sắt thổi trên những khóm lau già. Hình như hồi đêm có mưa, Thu thấy mình đang đứng giữa trời mặc cho cơn mưa thấm mát làn áo mỏng manh của mình. Lạ thay! Cơn mưa màu hồng toàn hoa trinh nữ...

Truyện ngắn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast