Nhan sắc về đâu?

(Baohatinh.vn) - Khu tập thể nàng sống là hai dãy nhà cấp bốn nằm úp mặt vào nhau. Mỗi dãy như thế lại ngăn làm hai, tạo thành những ô vuông nhỏ đủ cho kẻ độc thân như nàng.

Nàng hai chín tuổi. Miệng rộng, tóc khô. Khi đang độ xuân sắc nhất, nàng chỉ được đánh giá là trung bình kém. Công bằng mà nói, nếu nhìn kỹ thì nàng cũng có duyên, nhất là đôi mắt nàng có cái nhìn xa vắng, diệu vợi. Nhưng cái duyên của nàng nó ẩn vào trong… Những kẻ tiếp xúc với nàng, đối diện với nàng, triệu kẻ may ra mới có một cảm nhận được điều đó. Căn phòng nàng nằm giữa dãy nhà. Cả dãy có mười hai phòng ở lẫn cả nam và nữ. Đối diện phòng bên là cô bé hai hai tuổi, tóc ngắn cũn cỡn nhưng khuôn mặt rất đẹp.

Cô ta từ Thanh Hóa vào, làm việc ở cơ quan nàng đã gần hai năm. Tên cô ấy là Ngân, Hạnh Ngân. Ngày mới về, Ngân thân thiết với nàng. Cứ chiều đến, Ngân lại rủ bằng được nàng ra quán cà phê sau cơ quan, ngồi nhâm nhi và nghe nhạc. Ngân là người xốc nổi, không kín đáo. Mỗi bận cùng nàng đi uống cà phê, Ngân lại kể cho nàng nghe những cuộc tình của cô: “Con trai thời buổi này ghê lắm chị ạ! Nói thật với chị nhé, em chả tin gã nào hết. Cứ yêu, cứ lợi dụng lẫn nhau, chán thì bỏ. Đến lúc cần, em lấy một người, thế là xong”. Nàng nhìn đôi bàn tay nhỏ nhắn đang khuấy cà phê của Ngân. Đôi bàn tay mềm, trắng trẻo ấy đã ôm ấp hàng chục thằng đàn ông. Khu tập thể chật chội đó như khu nhà chung. Vì thế, nhất cử, nhất động, mọi người trong dãy nhà đều tường tận đường tơ, kẽ tóc. Ví như nhà ai lắm khách nhất, ai ngủ lại, ai về sớm, ai về khuya. Và nàng, hơn ai hết, biết rõ mọi điều và cũng nhận rõ tình cảnh của mình trong khu nhà chung đó.

Thà rằng, sống ở nơi khuất mắt! Thà rằng, nàng là kẻ ngu si hẳn đi! Nàng đã từng đau đớn, vật vã như thế khi đêm đêm, tiếng xe xịch lại trước các căn phòng trong khu tập thể. Cô X, cô Y, cô Z có người yêu là anh H, anh K… tất cả mũ mão, áo xống đều trở thành niềm kiêu hãnh của các cô gái đi cùng và sự ghen tỵ của những kẻ nhìn theo.

Nhan sắc về đâu? ảnh 1

Minh họa của Huy Tùng

Nàng thường đóng cửa phòng lúc bảy giờ tối. Và khi buồn quá, nàng lại lấy những lá thư của người xưa ra đọc. Người ấy cũng như bao kẻ khác, không vượt qua được cái tầm thường để đến với nàng. Vì thế, anh đối với nàng chỉ là sự nửa vời. Để rồi, một năm sau ngày ra trường, anh đã làm chồng ở xứ xa, nơi nàng chưa từng đặt chân đến. Nhưng, những lá thư có dấu vết yêu đương một thời và duy nhất trong cuộc đời nàng không làm nàng quên được tiếng động từ bốn phía. Đêm vắng vẻ. Những âm thanh như cố tình chọc vào tai nàng. Hôm nay, Ngân lại đưa về nhà một gã đàn ông lạ hoắc. Tiếng Ngân nũng nịu, tiếng cười rinh rích làm nàng phải lấy tay bịt chặt tai. Cả dãy nhà khẽ rung lên tiếng thì thầm to nhỏ. Chỉ riêng căn phòng nàng lạnh ngắt.

Nàng gồng mình lên chịu đựng. Nàng uất lắm. Lẽ nào, họ hơn nàng tí nhan sắc mà hơn nàng cả cuộc đời? Hôm qua, Ngân vô tình nói với nàng, giọng điệu của kẻ bề trên “kiếm đi một người, kẻo tội lắm chị ạ!”. Nàng cười gằn, vậy là những kẻ quanh nàng đang mổ xẻ nàng, thương hại nàng để rồi kết luận “tội lắm!”

Nàng không có nhan sắc. Hóa ra, nàng bất hạnh vì thiếu nhan sắc và dư thừa trí tuệ. Còn bao nhiêu kẻ quanh nàng lại đội lên cái nhan sắc giả tạo ấy một trí tuệ rỗng tuếch, tầm thường. Nhưng họ hạnh phúc. Họ lấy được chồng giàu có, đàng hoàng. Đàn ông, sao lắm kẻ đui mù như thế? Ít ra là những kẻ đã từng gặp nàng. Rất nhiều lần, nàng cùng bạn bè tới các bữa tiệc. Nàng tủi hổ, uất ức nhìn những kẻ xung quanh. Họ xán lại những cô gái dễ nhìn. Câu chuyện thì rỗng, ví như cơm ở quán nào ngon, thịt dê thui làm được mấy món. Hóa ra là thế! Người ta cần cái vỏ bên ngoài cho tươm tất. Nàng chợt nhớ tới chuỗi ngọc trai rất đẹp trong món đồ trang sức của bà nội. Lóng lánh đủ màu sắc. Nhưng, là đồ giả đấy! Vậy mà, không thiếu những tiếng xuýt xoa, trầm trồ.

Vậy là, những kẻ trai quanh nàng đã chừa nàng lại. Nàng, một cô gái thông minh với tấm bằng đại học loại ưu. Nàng, một tâm hồn nhạy cảm, biết làm thơ, biết bình thơ. Nàng, dịu dàng, chân chất. Nhưng, họ chừa nàng lại vì nàng không có nhan sắc.

Than ôi! Cuộc đời không cho phép nàng lựa chọn. Nhưng, giả dụ, nàng được lựa chọn, nàng sẽ chọn cái ngu đần của kẻ khác để đổi lấy một nhan sắc xinh xắn, dễ yêu!

Nàng bước sang tuổi ba mươi khi chủ nhân khu tập thể đã thay tiếp một lần người yêu. Khi rảnh rỗi, Ngân lại thò đầu qua tấm vách ngăn để nói chuyện với nàng. Nói chính xác hơn là nói chuyện yêu đương muôn thuở của nó. Câu chuyện đại loại như: “Em mới móc được ở lão Y một chiếc lắc tay… Em đá lão Z rồi. Sinh nhật em, lão chỉ tặng một bông hồng héo rũ. Đồ kẹo kéo, em bỏ quách lão đi là đúng, nhỉ, chị nhỉ”.

Nàng day mặt. Ngực nàng nóng hổi như có muôn vàn mũi kim châm. Nàng rùng mình, sao chúa trời lại không công bằng như thế? Nàng đã khát khao có được một tình yêu. Chỉ cần có một người yêu nàng, gần nàng và hiểu nàng, nàng sẽ dành tất cả sự dịu dàng, đằm thắm của một người vợ, một người yêu. Sao họ không chọn nàng, để hết kẻ này đến kẻ khác đem tình yêu đến cho người con gái như Ngân. Đó đâu phải tình yêu, chỉ là sự lợi dụng, bòn rút lẫn nhau. Tình yêu không được nuôi dưỡng từ những tâm hồn như thế. Nhưng, thật oái oăm, hôn nhân lại được sản sinh từ những mối tình như thế.

Rồi Ngân lấy chồng sau rất nhiều đêm giữ hàng chục người đàn ông ngủ lại phòng. Chồng Ngân là kỹ sư, trẻ, đẹp trai và giàu có. Nhìn Ngân phơi phới đi bên người con trai đó, nàng lại uất ức và đau đớn. Ngân không phải trả giá và hạnh phúc đến với Ngân thật nhẹ nhàng.

Ngân lấy chồng rồi chuyển đi. Một đứa con gái trẻ hơn Ngân, xinh hơn Ngân về ở căn phòng cạnh nàng. Nàng mua một cuốn sách nói về số mệnh. Cái gì trùng với nàng cũng tốt hết. Vòm tai cong của nàng rất đọng của. Cái mũi khoằm khoằm như nàng sẽ rất thành công trên đường công danh. Nàng sống nhàn nhã và… rất thọ, nhưng tình duyên của nàng sẽ “muộn”… Nàng bám vào chữ muộn, muộn chứ không phải là không có, không đến. Nàng đã đợi, một năm, hai năm… mỗi lúc thấy khó ở, bứt rứt, buồn khổ, nàng lại mở cuốn sách số đó ra để lấy thêm sức mà “đợi”…

Cô bé tên Hà sống cạnh phòng nàng lặp lại điệp khúc của Ngân ngày xưa. Chỉ có điều, nó không mời nàng đi uống cà phê, và cũng ít khi thò đầu qua vách để nói chuyện với nàng.

Một bữa, Hà sang phòng nàng. Cô bé trẻ trung, khuôn mặt đẹp, đầy gợi cảm. Hà không bổ bã như Ngân, cô khéo, giọng ngọt lịm:

- Con người ta có số cả, chị nghĩ ngợi làm gì. Như chị rồi sẽ sướng, còn em…

Nói rồi, nó vạch cổ áo, chỉ cho nàng nốt ruồi đen to tướng nơi mép ngực “Thầy tướng bảo em bị hạn vì nó. Con đường tình duyên của em ắt sẽ dở dang. Nhưng em thây kệ, gã nào mê em, em mê lại”.

Hà về phòng. Nàng đưa nhật ký ra viết “Kẻ lắm tiền thường chơi ngông. Kẻ lắm tình thích đùa giỡn. Còn kẻ không có gì lại sắp sẵn sự nâng niu quý giá…”. Nàng rút ra kết luận như thế. Bây giờ, ra đường, nàng phóng xe vù vù. Nàng không chết được đâu, nàng khó chết lắm! Nếu nàng chết, tạo hóa sẽ lấy ai ra để đùa giỡn? Nàng đã thấy trong thực tế, những kẻ cô đơn, bất hạnh, hết thảy đều sống dai lắm! Sống cho hết những đường gân xanh mờ mờ, nổi hết những đường da nhăn nheo. Sống, cho vắt đất thành nước, biết hết khổ thì thôi! Và, nàng nghĩ, nàng cũng sẽ là người sống thọ lắm, sống dai lắm! Nàng trở nên ngổ ngáo bất cần. Nàng phỉ nhổ cái cuộc sống ý tứ, đạo đức mà bao năm trời kết tinh thành con người thực của nàng. Cái đó không làm cho nàng hạnh phúc, không rũ bỏ được nỗi cô đơn cùng cực trong con người nàng. Cả cái trí tuệ mà nàng từng kiêu hãnh, người ta đã từng và giẫm qua đó thôi!

Nhưng nàng đã nhầm. Trong những ngày nàng buông tuồng, phá phách, nàng thành kẻ dặt dẹo giữa đời. Con người thật của nàng không phải như thế. Và nàng không thể đánh đổi những điều cao đẹp mà nàng có để đổi lấy cái dung tục, tầm thường xung quanh nàng. Nàng tìm cho mình sự thanh thản khác. Nàng lao đầu vào công việc. Nàng lên chức trưởng phòng năm nàng ba mươi hai tuổi. Nàng lầm lũi. Nàng không giở sách số ra để đọc lại từ “muộn”. Nàng không đợi nữa. Con đường nàng đi sẽ là ngả khác. Nàng yên tâm khi lòng mình dịu lại. Duy chỉ có điều nàng xót xa, sợ hãi, đó là sự thay đổi của tâm tính nàng. Bây giờ, nàng trở nên bẳn gắt, cau có. Và nàng trở nên tằn tiện. Tằn tiện đến nỗi trong hộp sắt tây dưới gầm tủ, sắp đầy những vòng vàng, chỉ vàng mà nàng đã mua về. Quần áo nàng mặc sơ sài, cái ngắn quá, cái chật quá. Nhưng nàng thây kệ. Nàng hốt hoảng. Nhưng dù biết, nàng vẫn không thay đổi được gì. Vì lẽ, nàng chỉ sống một nửa. Một nửa của đời nàng, thượng đế đã quên sắp đặt. Thế mới biết cái vô cùng của tình yêu. Không có nó, kẻ trí tuệ như nàng, tâm hồn biết yêu, ghét, biết cảm nhận cái đẹp, cái quý giá của cuộc đời như nàng cũng trở thành tro bụi tầm thường. Ba tư tuổi, nàng là người thành đạt và giàu có. Nhưng ba tư tuổi, cùng với sự u uất, nàng trở nên xấu tệ. Mái tóc nàng xoăn tít, mỗi bận vào thợ lại cắt thêm một khúc, trở nên cũn cỡn, rối vò. Cô thư ký của nàng một bữa rụt rè:

- Chi ạ, em làm mai cho chị một đám nha. Lấy chồng, sinh con, méo mó có hơn không, chị ạ.

Nàng lặng người. Ngày còn trẻ, nàng rất ghét mai mối. Bây giờ, lại có người nói chuyện mai mối, ghép chồng cho nàng. Hôm sau, cô thư ký đến nhà nàng thật. Theo cô là người đàn ông tóc đã lốm đốm bạc. Nàng đỏ mặt. Người đàn ông không vòng vo mà vào thẳng vấn đề: “Tôi đã nghe cháu kể về cô. Tôi đến xem gia cảnh rồi đưa cô đi xem gia cảnh nhà tôi. Nếu cô ưng, ta về sống với nhau”. Trời đất, cả cuộc đời nàng chưa được nghe một lời tỏ tình nào. Bây giờ, nàng được một người đàn ông nói về điều đó. Nhưng, nó thô lỗ, trần trụi như người ta thường trả mớ tép ngoài chợ “Bốn nghìn có bán không? Nếu bán, tôi mua về kho…”.

Người đàn ông đó còn đến hai, ba lần nữa. Nàng đã chấp nhận. Nàng tự đặt mình bên cạnh ông ta và thầm nghĩ, những ngày tiếp theo, nàng sẽ tự tạo hạnh phúc cho mình, dù là thứ hạnh phúc giả tạo. Nàng sẽ xây nhà, sẽ mua sắm những vật dụng đắt tiền… Ông sẽ chở nàng đi chơi vào những ngày lễ, những ngày đẹp trời. Nàng cần điều đó. Cuộc đời không cho nàng uống nước trong thì nàng cũng cố vớt vát dưới chút váng bẩn để lọc ra một dòng nước nhờ nhờ làm của riêng cho mình. Nàng lập luận như thế và nàng bằng lòng.

Mùa thu năm đó nàng cưới chồng.

Giao mùa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast